Nguyên mẫu màn hình chỉ có trong phim viễn tưởng

Những tiến bộ trong công nghệ màn hình mới sẽ sớm xuất hiện trên TV, điện thoại và các thiết bị gia dụng phổ thông.

 Công nghệ chấm lượng tử mới có thể được ứng dụng trong 5-10 năm nữa. Ảnh: Inria.

Công nghệ chấm lượng tử mới có thể được ứng dụng trong 5-10 năm nữa. Ảnh: Inria.

Theo chia sẻ từ tác giả Geoffrey Morrison của Cnet, một công ty có công nghệ chấm lượng tử (Quantum Dot) mới đã giới thiệu một nguyên mẫu tuyệt mật của màn hình thế hệ tiếp theo. Đây là loại màn hình có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với màn hình OLED trong tương lai gần.

Cụ thể, chúng là các chấm lượng tử điện phát quang. Những chấm này có mức độ tiên tiến cao hơn so với các chấm lượng tử được sử dụng trong TV ở thời điểm hiện tại. Theo đó, chúng có thể được sử dụng để thay thế màn hình LCD và OLED cho các mẫu smartphone và TV trong thời gian tới nhờ cải thiện chất lượng hình ảnh, tiết kiệm năng lượng và tối ưu quy trình sản xuất.

Công nghệ của tương lai

Theo chia sẻ của tác giả Geoffrey Morrison, ông đã nhìn thấy một nguyên mẫu màn hình 6 inch sử dụng công nghệ chấm lượng tử mới của công ty Nanosys. Trong đó, một mê cung dây điện kết nối nó với bảng mạch nhiều tầng. Nó có độ phẳng đến khó tin, giống như một tờ giấy phát sáng rực rỡ.

Trong vài năm gần đây, các chấm lượng tử đã được nhiều nhà sản xuất TV sử dụng để tăng cường độ sáng và màu sắc của TV LCD. Theo đó, chữ "Q" trong QLED TV là viết tắt của từ “quantum”. Ban đầu, công nghệ này chỉ được tìm thấy trong các TV cao cấp.

Tuy vậy, chấm lượng tử hiện được tích hợp trên các TV trung cấp và phổ thông của nhiều thương hiệu. Chúng cho phép cải thiện màu sắc, độ sáng cao hơn và thêm nhiều tính năng bổ năng bổ trợ cho sự sắc nét.

 Màn hình chấm lượng tử mới được công ty Nanosys giới thiệu có kích thước nhỏ gọn. Ảnh: Cnet.

Màn hình chấm lượng tử mới được công ty Nanosys giới thiệu có kích thước nhỏ gọn. Ảnh: Cnet.

Hiện tại, chấm lượng tử được sử dụng trong TV được gọi là công nghệ “phát quang”. Chúng có chức năng hấp thụ và phát ra ánh sáng. Với TV LCD LED, những bóng đèn nhỏ sẽ phát ra ánh sáng xanh. Ánh sáng xanh này chính là loại màu sắc mà chúng ta nhìn thấy trên TV. Bên cạnh đó, nó cũng có tác dụng khiến các chấm lượng tử đỏ và lục phát ra ánh sáng màu của riêng chúng.

Tất nhiên, nguyên mẫu mà tác giả Morrison chia sẻ lại có cách thức hoạt động khác hoàn toàn. Chúng không có đèn LED truyền thống mà sẽ sử dụng điện thay vì hấp thụ ánh sáng để để kích thích các chấm lượng tử.

Về mặt lý thuyết, điều này sẽ giúp màn hình mỏng và tiết kiệm năng lượng hơn. Nó cũng có thể được sản xuất một cách dễ dàng và khiến giá thành sản phẩm được giảm xuống.

Hiện tại, công ty Nanosys gọi công nghệ chấm lượng tử mới của họ là nanoLED. Tuy vậy, tác giả Morrison nhận định tên gọi này rất dễ gây nhầm lẫn với các công nghệ hiện có vì chúng đều sở hữu chữ LED.

Ứng dụng vào thiết bị

Theo tác giả Morrison, việc công nghệ chấm lượng tử mới được sử dụng trên TV và màn hình smartphone là điều rất thú vị. Song, đó không phải là điểm dừng của công nghệ này. Sở hữu cấu trúc hiển thị đơn giản hơn, người dùng có thể kết hợp màn hình dựa trên chấm lượng tử trong nhiều tình huống khác nhau.

Theo đó, với việc mỏng nhẹ, người dùng có thể dễ dàng ghép nối thiết bị trên mọi loại mặt phẳng để có một màn hình hiển thị. Điều này từ lâu đã là cảm hứng của nhiều bộ phim khoa học viễn tưởng, nhưng nó mới gần trở thành hiện thực nhờ công nghệ chấm lượng tử mới này.

 Công nghệ chấm lượng tử mới có thể được ứng dụng lên kính mắt thông minh trong tương lai. Ảnh: Cnet.

Công nghệ chấm lượng tử mới có thể được ứng dụng lên kính mắt thông minh trong tương lai. Ảnh: Cnet.

Ví dụ, người dùng có thể ghép nối thiết bị lên kính chắn gió của ô tô để có màn hình hiển thị thông tin dễ nhìn và tiện lợi. Những loại màn hình chấm lượng tử này có thể sở hữu tỷ lệ truyền ánh sáng vào khoảng 95%, nghĩa là chúng trông khá giống kính bình thường khi tắt.

Ngoài ra, nó cũng có thể được ứng dụng lên các mắt kính AR hoặc VR để hiển thị nhiều thông tin hữu ích cho người dùng. Một màn hình chấm lượng tử có thể được in lên chính các mắt kính để hiển thị thông tin như tin nhắn đến, cuộc gọi video, bản đồ hoặc phim ảnh.

Tất nhiên, đây vẫn chỉ là một nguyên mẫu. Ngay cả công ty giới thiệu công nghệ này là Nanosys cũng thừa nhận màn hình chấm lượng tử vẫn cần thử nghiệm vài năm nữa trước khi được đưa vào sản xuất hàng loạt. Tuy vậy, đây vẫn là một công nghệ thú vị của tương lai, theo nhận định của tác giả Morrison.

Minh Hoàng

Theo Cnet

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguyen-mau-man-hinh-chi-co-trong-phim-vien-tuong-post1395960.html