'Nguyễn Ngọc Bạch - Một đời sân khấu'

Sáng 30-10, Hội Sân khấu TP HCM đã tổ chức giới thiệu quyển sách Nguyễn Ngọc Bạch - Một đời sân khấu do NXB Tổng hợp TP HCM ấn hành năm 2020, đồng thời tọa đàm về nghệ sĩ này nhân tưởng niệm 35 năm ông qua đời (1922-1985).

Đông đảo nghệ sĩ sân khấu và nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa đã đến tham dự buổi tọa đàm. Theo các văn nghệ sĩ, NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch là một trong những nhân vật đặt nền móng cho sân khấu cách mạng tại Nam Bộ. Các văn nghệ sĩ đã ôn lại nhiều kỷ niệm khó quên về NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch, đồng thời bày tỏ tấm lòng ngưỡng mộ và ghi nhận ông là một nhà lãnh đạo sân khấu cách mạng có tâm, có tầm.

Quyển sách "Nguyễn Ngọc Bạch - Một đời sân khấu" đã để lại những ấn tượng sâu sắc qua sự khái quát chặng đường đến với sân khấu của ông. Sinh ra và lớn lên tại Chợ Mới - An Giang, ngay từ lúc còn trẻ, ông đã sớm có ý thức dùng nghệ thuật để chấn hưng tinh thần dân tộc và đánh đuổi ngoại xâm. Từ một nhà giáo rời khỏi bục giảng để tham gia kháng chiến ở Nam Bộ, ông đã cất tiếng nói vang dội bằng ca khúc "Cương quyết ra đi" viết năm 25 tuổi: "Đất nước hỡi, reo lên đi! Ta vui ca mài thanh gươm chính khí. Gió hỡi gió, ngân lên đi! Vung gươm thiêng ta lấy máu đền nợ trai…".

NSƯT Ca Lê Hồng và tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu (trái) trong buổi tọa đàm về NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch

NSƯT Ca Lê Hồng và tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu (trái) trong buổi tọa đàm về NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch

Năm 1954, ông Nguyễn Ngọc Bạch tập kết ra Bắc và bắt đầu hoạt động sân khấu chuyên nghiệp với vai trò Trưởng Đoàn Cải lương Nam Bộ. Năm 1958, ông đạo diễn vở "Máu thắm đồng Nọc Nạn", tạo tiếng vang lớn trong xã hội khi miêu tả sự phản kháng của nông dân vùng sông nước miền Tây để thoát khỏi gông xiềng. Ngoài ra, ông còn làm nức lòng người yêu sân khấu phía Bắc với những tác phẩm: "Người con gái đất đỏ", "Bên dòng Nhật Lệ"…

Sau năm 1975, Nguyễn Ngọc Bạch trở về miền Nam, tiếp tục công tác trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật. Ở cương vị lãnh đạo Sở Văn hóa - Thông tin TP HCM, ông đã tạo điều kiện để các đoàn cải lương tuồng cổ được biểu diễn trở lại ngay sau đất nước thống nhất.

"Ông là người đầu tiên sáng lập CLB Sân khấu Thể nghiệm 5B để nghệ sĩ, tác giả, đạo diễn trẻ được tìm tòi và cống hiến. Thế hệ chúng tôi có được nền tảng vững chắc, mạnh dạn thể nghiệm những sáng tạo mới cho sân khấu là nhờ sự động viên, dìu dắt của ông" - tác giả Đăng Nhân xúc động nhắc lại. NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch đã đóng góp công sức rất lớn để vở kịch "Dư luận xã hội", tác phẩm đầu tiên của CLB Sân khấu Thể nghiệm 5B, được công diễn, mở đường cho sân khấu nhỏ trở thành chiếc nôi của nhiều sân khấu xã hội hóa sau này và phát triển thành nhà hát như ngày nay.

NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch đột ngột từ trần ở tuổi 63, để lại nhiều dự án nghệ thuật dang dở và nhiều tiếc thương cho đồng nghiệp. Ông được phong tặng danh hiệu NSƯT đợt đầu tiên (1984). Các nghệ sĩ là học trò của ông đang làm thủ tục để nhà nước xét truy phong danh hiệu NSND cho ông.

Hiện nay, con gái của NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch là tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu đã nối nghiệp cha. Tuy theo chuyên ngành khảo cổ học nhưng tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cũng là tác giả quen thuộc với công chúng qua các tác phẩm: "Mỗi ngày ta sống", "Thế giới mạng và tôi", "Sài Gòn bao giờ cũng thế", "Những mảnh vỡ", "Nghĩ ngợi đường xa"… Chị xúc động bày tỏ sự cảm kích đối với các văn nghệ sĩ dự tọa đàm: "Dù ba tôi đã ra đi khá lâu rồi nhưng tình cảm vẫn còn tràn đầy trong lòng các văn nghệ sĩ. Tôi xúc động lắm và gia đình vô cùng hạnh phúc về điều này".

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/nguyen-ngoc-bach-mot-doi-san-khau-20201030220451605.htm