Nguyễn Ngọc Bảo: Người anh hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), có rất nhiều tấm gương anh hùng có thành tích, chiến công rất đáng khâm phục, song chưa được nhiều người biết đến. Một trong số đó là anh hùng liệt sỹ Nguyễn Ngọc Bảo (1927-1954) - người con ưu tú của quê hương Ninh Bình đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1995 được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Về xã Yên Mạc (huyện Yên Mô), nơi anh hùng Nguyễn Ngọc Bảo sinh ra và lớn lên, chúng tôi được trò chuyện với nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo xã qua các thời kỳ. Cộng thêm việc tìm hiểu qua các tài liệu ghi chép, câu chuyện về cuộc đời, chiến đấu của anh hùng Nguyễn Ngọc Bảo dần được sáng tỏ.
Năm 1927, anh hùng Nguyễn Ngọc Bảo được sinh ra trong một gia đình nông dân yêu nước ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô. Năm 18 tuổi, ông lên đường nhập ngũ. Với lòng dũng cảm, mưu trí, quyết đoán và táo bạo, ông đã trưởng thành từ người chiến sỹ lên tới chức Đại đội trưởng, rồi đến lúc hy sinh là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn trinh sát 426, trực tiếp chỉ huy Đại đội trinh sát 62, Cục Quân báo - Bộ Tổng tham mưu.
Trong 9 năm - kể từ khi nhập ngũ đến khi hy sinh, ông đã lập nhiều chiến công. Cụ thể như tháng 3 năm 1949, ông chỉ huy đại đội của mình diệt 4 xe quân sự của địch, bắt sống 4 tù binh trong trận Tiểu đoàn 426 đánh phục kích giao thông ở Điền Xá (đông bắc Lạng Sơn). Tháng 9 năm 1951, trong trận tiêu diệt đại đội Commăngđô 14 tại Kim Anh (Đông Anh, Hà Nội), ông chỉ huy đại đội chiến đấu diệt nhiều tên địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Ngọc Bảo giữ cương vị Tiểu đoàn phó trực tiếp chỉ huy Đại đội 62 trinh sát. Yêu cầu bức thiết của Bộ chỉ huy chiến dịch là lấy được bản đồ chi tiết khu vực bố trí của địch. Ông đã chỉ huy đại đội đột nhập vị trí đóng quân của địch để nắm tình hình, thu được tập bản đồ 1/25.000 gồm toàn khu vực Điện Biên Phủ do máy bay địch thả dù cho Bộ chỉ huy của tướng Đờ Cát. Tổ trinh sát của Đại đội 62 đã lập chiến công xuất sắc, được tặng thưởng Huân chương Chiến công.
Khi chiến dịch vào giai đoạn 2, ta siết chặt vòng vây, địch cố thủ đồi A1, cụm cứ điểm mạnh nhất của địch trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đợt tiến công của ta vào đồi A1 chưa thu được kết quả. Yêu cầu của Bộ chỉ huy chiến dịch là phải xác định được vị trí hầm chỉ huy địch ở A1 để ta đào đường hầm đưa khối lượng lớn thuốc nổ vào tiêu diệt. Nhiệm vụ này được giao cho Tiểu đoàn 426.
Thực hiện nhiệm vụ, ông Nguyễn Ngọc Bảo đã dẫn đầu tổ trinh sát tiến hành tiếp cận mục tiêu, xác định chính xác vị trí hầm ngầm để công binh, bộ binh xây dựng phương án tiêu diệt địch. Trong khi thực hiện nhiệm vụ, địch bắn trả quyết liệt, ông đã anh dũng hy sinh.
Anh hùng Nguyễn Ngọc Bảo đã ngã xuống trước thềm chiến thắng lẫy lừng của dân tộc, nhưng tấm gương của ông đã trở thành biểu tượng cổ vũ, động viên thế hệ chiến sĩ trinh sát tiếp theo cống hiến hết mình cho Tổ quốc.
Chỉ trong 9 năm chiến đấu, ông đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, hai Huân chương Chiến công hạng Nhì. Ngày 30/8/1995, Nguyễn Ngọc Bảo được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
69 năm đã trôi qua nhưng chiến công của người anh hùng Nguyễn Ngọc Bảo vẫn mãi mãi khắc sâu vào tim những người đang sống. Đối với thế hệ trẻ ngày nay, hành động dũng cảm của ông là tấm gương sáng về sự xả thân hy sinh, cống hiến quên mình vì Tổ quốc. Từ đó khơi dậy ý chí, khát vọng xây dựng và bảo vệ quê hương ngày càng phát triển.
Đồng chí Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Mạc chia sẻ: Đối với quê hương Yên Mạc, anh hùng Nguyễn Ngọc Bảo là nguồn cảm hứng mãnh liệt cho lớp lớp thanh niên xung phong lên đường nhập ngũ. Trong tấm bia tưởng niệm liệt sỹ của xã Yên Mạc, anh hùng Nguyễn Ngọc Bảo cùng hơn 160 cái tên khác, là người con của quê hương Yên Mạc đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, giành độc lập và tự do cho Tổ quốc.
Diện mạo nông thôn mới xã Yên Mạc (Yên Mô).
Phát huy truyền thống cách mạng đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Yên Mạc ngày nay đang ra sức lao động, sản xuất để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Năm 2018, xã Yên Mạc đạt chuẩn nông thôn mới.
Hiện nay thu nhập bình quân của người dân trong xã năm 2022 là 49 triệu đồng, số hộ nghèo chỉ còn 2,4%. Xã đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu đến năm 2024 sẽ "về đích" nông thôn mới nâng cao.
Bài, ảnh: Thái Học