Nguyễn Ngọc Hạnh: Người mang thơ từ làng ra phố

Hà Nội đang thu. Nắng mật vàng tươi rót trên những vòm cây, con đường, mái phố, mặt hồ... Trong man mác hơi may, trong se lạnh của những sớm mai có lao xao lá vàng lăn trên phố, ta nhận ra một Hà Nội nằm bên sông Hồng trữ tình lên bội phần. Thu ấy, có quỹ đạo rơi của chiếc lá vàng trùng với quỹ đạo rơi của thi sĩ Nguyễn Ngọc Hạnh, người mang thơ từ làng ra phố: "Một chiếc lá vàng rơi rất thấp/ Rơi theo chiều tôi đang rơi...".

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh ký tặng sách...

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh ký tặng sách...

Sau rất nhiều biến động, thăng trầm của cuộc đời không mấy suôn sẻ và cũng nhiều cay đắng, đến khi sắp về chiều, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đã mang cái làng của mình ra Hà Nội. Một cuộc giao lưu thi ca mang tên Làng như thế nhóm lên trong lòng Hà Nội với sự góp mặt của bạn bè làm thơ và yêu thơ nơi phố cổ ngàn năm. Tôi thực sự mừng cho anh, khi trong cuộc thi ca sang trọng Phơi cơn mưa lên chiều có sự góp mặt, góp tiếng của những người nổi tiếng như các nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận phê bình Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Trác, Nguyễn Thanh Kim, Phạm Xuân Nguyên, Lương Ngọc An, Thùy Dương, Đoàn Văn Mật, Lữ Mai..., nhạc sĩ Nguyễn Cường, họa sĩ Lê Thiết Cương, người vẽ bìa và minh họa cho tập thơ cùng với khá đông bạn trẻ vì biết tên anh, yêu thơ Nguyễn Ngọc Hạnh mà đến chung vui.

Một cuộc thi ca có nhiều cung bậc nhưng chung quy lại là ấm áp và thân tình. Ấn tượng đầu tiên có lẽ phải nhắc tới, đó là LÀNG. Làng của anh, làng của tôi, làng của những người có mặt trong buổi ra mắt Phơi cơn mưa lên chiều của Nguyễn Ngọc Hạnh tại Hà Nội. Làng là như thế đấy, bình dị và sâu sắc như một bài thơ nổi tiếng của anh: Cái làng ấy ra đi cùng tôi/ Mà tôi nào hay biết/ Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết/ Con sông quê bóng núi cứ chập chờn/ Xưa tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi".

Hai câu thơ kết lại bài Làng của anh tuy giản dị nhưng đã đạt tới độ khái quát và hay. Câu thơ ấy là của Nguyễn Ngọc Hạnh nhưng khi ai đọc và lưu lại trong lòng mình thì thơ ấy thành tiếng nói tri âm. Cũng là người xa quê, tôi thấm thía điều đó. Đi đâu, ở đâu chúng ta cũng thường gánh gồng xóm mạc theo mình, không chỉ đơn thuần là cội nguồn gốc gác mà còn có bộn bề mưa nắng xa xưa. Từ một ngôi làng ở miền Trung anh mang thơ ra Thủ đô nghìn năm văn hiến. Những câu thơ, bài thơ da diết tình làng, lắng lót nghĩa quê, mặn mòi yêu thương được bạn bè anh đọc lên, ngâm lên, hát lên giữa lòng Hà Nội: Ngã ba này là bến sông xưa/ Hồn phố cổ chứa trong tà áo đẹp/ Bao năm rồi người xa biền biệt/ Bóng trăng quê giữa phố vẫn rằm... Đúng như các nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên... đã nói, thơ anh chan chứa tình và có những thi ảnh đẹp. Bài thơ Phơi cơn mưa lên chiều dịu dàng nhưng chứa đựng một nhân sinh quan đẹp, một triết lý sống đáng trân trọng: Cơn mưa phơi lên chiều trôi/ Như tóc em bay lưng trời/ Cứ thong thả thế không cần vội/ Mưa rơi chầm chậm cùng tôi...

Sau ba tập thơ Hoa ven sông, Khi xa mặt đất và Thơ tình Nguyễn Ngọc Hạnh, nhà thơ lại trình làng một ấn phẩm mới có cái tên đầy gợi cảm Phơi cơn mưa lên chiều. Thơ anh nhiều hoài niệm, sự hoài niệm của một người từng trải đã và đang sống trong những tháng ngày không yên tĩnh. Cái biển đời vô định ấy, êm dịu chỉ là khoảnh khắc, bão giông luôn rình rập, thử thách con người. Qua muôn nẻo buồn vui, khi cuộc đời đã tà tà chiều buông, người ta thường hay hồi tưởng quá vãng. Vui thì ít, buồn thì nhiều và dường như có rất nhiều tiếc nuối. Thời xa xôi mặc nhiên trở thành miền ký ức của một người, của nhiều người trong kết nối thi ca tin cậy. Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha dẫn dắt câu chuyện thơ đầy xúc động: "Phơi cơn mưa lên chiều" là tập thơ đáng đọc, một bước đi khá xa trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Tập thơ có nhiều câu thơ rất thảng thốt, rất thi sĩ, không ra vẻ tân kỳ gì cả, nhưng Hạnh lại khẳng định được vị thế của mình trong bối cảnh thơ ca đa chiều hiện nay. Nhiều bài có tiêu đề ngỡ như một định nghĩa, triết lý mà lại không nghe tác giả giãi bày hay to tiếng cùng ai. Mỗi tứ thơ bình dị cứ "phơi" ra giữa cuộc đời này bằng chính sự trải nghiệm của một người gần cả đời mình lận đận, đắm đuối cùng thơ". Còn nhạc sĩ Nguyễn Cường thì nói rằng, thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đầy tính nhạc nên khi phổ tác phẩm của anh không mất công nhiều. Thế là, Nguyễn Cường ôm đàn hát. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì cho rằng: "Nguyễn Ngọc Hạnh đi một mình vào hoàng hôn - dĩ vãng, lấy những câu thơ để thắp đường về nhà và soi đường vào mình để khỏi "lạc giữa phố đông" như bao người. Con đường ấy hẹp dần, đời đã hẹp dần, "câu thơ cũng hẹp dần lối nhỏ/ phút giây này mấy ai cạn tỏ/ ai người bầu bạn tri âm"... Nhưng khi nhủ mình đã mòn "tận đáy rồi", nhà thơ vẫn muốn nói vọng với nhân gian rằng "mòn là yêu tha thiết".

Một chi tiếc khá xúc động là nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo dù đang bệnh nặng nhưng vẫn đến tâm tình, sẻ chia bằng những lời nhận xét, phẩm bình về thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Ông nói: "Tôi còn nhớ mấy câu thơ của Hạnh lâu rồi, từ một cái ngõ quê nho nhỏ đến nỗi chỉ một người đi, mà ai đã từng là người nhà quê hẳn vẫn còn ám ảnh: Em có về quê tôi em nhớ/ Mỗi con đường chỉ vừa đủ em đi. Những câu thơ như thế cứ ùa vào ta một cách tự nhiên rồi ở lại cùng ta bao giờ chẳng biết. Hoặc "Mấy ai từ làng ra phố/ Mà quên buổi chợ quê nghèo" (Chợ quê). Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh thường không nói lý mà chỉ nói tình; không làm mới câu thơ bài thơ bằng nhịp điệu lạ hay ngôn ngữ mới mà nó chảy ra tự nhiên trên một cái nền gần như quen thuộc vốn có như lục bát đồng dao...Vậy mà nhiều bài thơ của anh cứ đi vào hồn ta ứa lệ. Những đề tài, những tứ thơ anh chọn cũng nào có lạ gì đâu, đấy là bến quê con đò, mẹ cha, tình yêu, lời ru, bầu bạn, vậy mà nhiều câu thơ cứ ngọt ngào kết mật khiến tôi nhớ đến cái chảo nấu mật mía một lần ngang qua xứ Quảng, nước mía được nấu đặc dần thành mật thành đường".

Trong buổi ra mắt tập thơ Phơi cơn mưa lên chiều giữa thu Hà Nội còn có những bạn làm thơ và yêu thơ nghe tin tìm đến với anh dẫu không có giấy mời. Đó là hạnh phúc của người cầm bút. Cô giáo, nhà thơ Đậu Thị Thương và nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Hạnh Loan đã đi xe khách từ Hà Tĩnh ra Hà Nội dự cuộc gặp gỡ này, xúc động ngâm và hát thơ của anh. Chắc chắn Nguyễn Ngọc Hạnh sẽ khó quên trong đời kỷ niệm này và anh mãi lưu giữ trong ký ức một mùa thu tuyệt vời về Hà Nội; mùa thu với "cơn mưa phơi lên chiều", mùa thu bầu bạn, mùa thu nụ cười, mùa thu nước mắt, mùa thu của một người nhà quê mang thơ từ làng ra phố...

Nguyễn Hữu Quý

Hà Nội, thu 2018

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_195829_nguyen-ngoc-hanh-nguoi-mang-tho-tu-lang-ra-pho.aspx