Nguyên nhân ban đầu vụ cháy nhà ở Hà Nội khiến 4 bà cháu tử vong
Ngôi nhà xảy ra hỏa hoạn có lối thoát hiểm tuy nhiên khi phát hiện cháy trong nhà chỉ có bà già và 3 cháu nhỏ dẫn đến hoảng loạn.
Lãnh đạo UBND phường Quang Trung (quận Hà Đông, TP Hà Nội) thông tin, tang lễ của 4 bà cháu tử vong thương tâm trong vụ cháy nhà được tổ chức vào sáng nay (14/5), tại nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 103.
Theo chia sẻ, khi ngôi nhà bị cháy, chị H. (mẹ của 3 cháu nhỏ) đi làm được khoảng 30 phút, còn người chồng là anh M. vừa rời khỏi nhà.
Sau đó, anh M. nhận được điện thoại của mẹ báo ở nhà xảy ra cháy, nên vội vã quay trở lại nhà. Khi anh M. quay về thì ngôi nhà đang cháy lớn. Anh cố gắng tìm cách lao vào để cứu mẹ và 3 con nhỏ nhưng bất thành.
Người dân đã ngăn anh M. lại, không cho anh lao vào đám cháy. Anh M. bị bỏng 2 tay, sau đó được đưa đến Viện Bỏng quốc gia điều trị.
"Ngọn lửa lúc đấy bùng phát quá nhanh nên chúng tôi gần như bất lực, không thể dập nổi. Anh M. dù đã bị bỏng vẫn cố lao vào đám cháy nhưng chúng tôi đã phải ngăn lại", một người hàng xóm kể.
Lãnh đạo phường Quang Trung cũng cho hay, căn nhà rào sắt chuồng cọp bịt kín mặt tiền tầng 2 và tầng 3, gây khó khăn trong công tác chữa cháy. Tuy nhiên, phía sau ngôi nhà cũng có lối thoát hiểm.
"Có thể do nạn nhân bị cuống, không xử lý kịp bởi lúc đó trong nhà chỉ có người già và trẻ em. Người mẹ gọi điện thông báo cho con trai về đám cháy, nhưng chính cuộc gọi này làm mất thời gian vàng để người bà tìm cửa thoát nạn ở sau nhà cho mình và các cháu nội. Lúc gọi điện, có thể nạn nhân bị khói ngạt", lãnh đạo phường Quang Trung cho hay.
Cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân ban đầu vụ cháy có thể là do chập điện. Tuy nhiên các cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục làm rõ các yếu tố liên quan trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Qua quan sát, căn nhà xảy ra cháy khoảng 40m2, cao 3 tầng, 1 tum, dù mặt tiền của ngôi nhà từ tầng 2 đến tầng 3 đều được lắp kín khung sắt bảo vệ nên gây cản trở việc thoát hiểm cũng như cứu người, dập lửa. Tuy nhiên, căn nhà bị cháy có thể thoát nạn sang nhà bên cạnh và xuống dưới.
Từ vụ việc thương tâm trên, Trung tá Lê Minh Hải, Trưởng phòng Công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an) khuyến cáo, người dân không được bịt kín hoàn toàn ngôi nhà của mình mà nên chủ động mở lối thoát hiểm ở ban công hoặc khu vực tầng thượng. Trong trường hợp lắp "chuồng cọp" thì gia chủ phải thiết kế ô cửa có khóa và để chìa khóa ở nơi dễ lấy. Khóa này cũng phải được mở thường xuyên, phòng trường hợp khi xảy ra sự cố, do mất bình tĩnh nên không tìm thấy chìa khóa hoặc khóa bị gỉ sét, khó mở.
Khi xảy ra hỏa hoạn, người trong nhà có thể thông qua các ô cửa này thoát ra ngoài bằng dây thừng. Nếu trong nhà không có dây thừng, người dân có thể dùng rèm, màn, quần áo nối với nhau để trèo xuống qua ô cửa. Với những nhà xây mới, người dân nên bố trí lối thoát nạn đủ kích thước. Các nhà dân liền kề nên cùng nhau xây dựng phương án để tạo ra lối thoát hiểm ở ban công, từ nhà này sang nhà khác, khi xảy ra cháy có thể trợ giúp.
"Người dân không được chủ quan và cần có ý thức tự trang bị các kỹ năng bảo đảm an toàn phòng chống cháy, nổ; tạo lối thoát hiểm cho căn nhà, không vì phòng trộm mà tự bịt đường sống của chính mình", Trung tá Lê Minh Hải chia sẻ thêm.