Nguyên nhân cá ở Hồ Tây chết dưới góc nhìn chuyên gia môi trường

Kết luận về nguyên nhân cá chết ở Hồ Tây, liên ngành TP. Hà Nội cho biết, vào khoảng thàng 9 và 10, khi thời tiết giao mùa thường xảy ra hiện tượng cá chết ở hồ Tây.

Cá thường chết vào thời tiết giao mùa tháng 9, 10

Sở Xây dựng Hà Nội vừa báo cáo UBND TP nguyên nhân cá chết, trôi dạt ven bờ hồ Tây. Kết quả này dựa trên thực tế và quan trắc chất lượng nước hồ Tây của liên ngành gồm Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, Công ty Thoát nước Hà Nội và UBND quận Tây Hồ.

Báo cáo cho thấy, hiện tượng cá chết trên mặt hồ Tây bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 9. Số lượng cá chết lác đác, phân tán trên hồ vào ban đêm và rạng sáng, trôi dạt vào ven hồ khu vực đường Nguyễn Đình Thi, Trích Sài, Thanh Niên.

Qua theo dõi về công tác duy trì, vận hành mực nước hồ Tây phục vụ thoát nước, hàng năm, liên ngành thành phố Hà Nội cho biết, vào khoảng các tháng 9, 10 khi thời tiết giao mùa thường xảy ra hiện tượng cá chết lác đác trên các hồ nội thành.

Báo cáo kết quả quan trắc thụ động sau khi tiến hành khảo sát xung quanh hồ Tây, lấy mẫu phân tích chất lượng môi trường nước hồ Tây tại 7 vị trí khác nhau mới đây cũng cho thấy, nồng độ oxy hòa tan của 7/7 mẫu đều nằm trên ngưỡng giới hạn tối thiểu cho phép (≥ 4 mg/l) khi có nồng độ dao động 6,95- 7,64 mg/l.

Hiện tượng cá chết ở Hồ Tây diễn ra nhiều năm mà vẫn chưa có giải pháp chặn tận gốc.

Hiện tượng cá chết ở Hồ Tây diễn ra nhiều năm mà vẫn chưa có giải pháp chặn tận gốc.

Bên cạnh đó, 7/7 mẫu đều có 4/16 thông số BOD (thước đo lượng oxy cần thiết để loại bỏ các chất thải hữu ra khỏi nước trong quá trình phân hủy bởi vi khuẩn hiếu khí), COD (nhu cầu oxy hóa học), Amoni (chất khí không màu có mùi khai) xấp xỉ hoặc vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn. Riêng vị trí cửa cống thông hồ Trúc Bạch có thêm thông số tổng Coliforms vượt quy chuẩn so sánh 2 lần (15.000/7.500). Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp các sở theo dõi chất lượng nước các hồ của thành phố và báo cáo UBND TP khi có diễn biến bất thường.

PGS.TS Vũ Thành Ca, Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường tại Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết ông ngạc nhiên về báo cáo liên ngành Hà Nội kết luận nguyên nhân cá chết ở Hồ Tây. Phải khẳng định cá chết là do nước Hồ Tây bị ô nhiễm mới đúng.

Oxy hòa tan trong nước là thành phần môi trường quan trọng nhất của nước. Oxy hòa tan đặc biệt quan trọng đối với động vật, nhưng thực vật cũng bị chết nếu thiếu oxy hòa tan trong nước. Tuy vậy, các loài động, thực vật khác nhau yêu cầu lượng oxy khác nhau. Nhiều loài động vật thủy sinh sống tại tầng đáy như cá, tôm, cua, sò, ốc cần rất ít oxy hòa tan. Các loài động vật sống tầng mặt yêu cầu lượng oxy nhiều hơn. Thiếu hụt oxy có thể làm cho động vật thủy sinh chết hàng loạt, nhất là trong hồ và trong những năm gần đây, tại đáy vùng biển gần bờ.

Thiếu hụt oxy hòa tan trong sông hồ Hà Nội chủ yếu gây ra do ô nhiễm hữu cơ. Trong trường hợp các hồ bị ô nhiễm hữu cơ ở mức độ khá cao như Hồ Tây, là kết hợp giữa ô nhiễm hữu cơ và điều kiện thời tiết đặc biệt. Nguồn ô nhiễm hữu cơ là chất thải (chủ yếu là nước thải) chưa qua xử lý bị xả thẳng ra sông, hồ. Trong các hồ ô nhiễm như Hồ Tây, chất ô nhiễm hữu cơ lơ lửng trong nước hoặc bị chìm lắng xuống đáy sẽ bị các vi sinh vật phân hủy để tạo ra năng lượng và chất dinh dưỡng.

PGS.TS Vũ Thành Ca

PGS.TS Vũ Thành Ca

Quá trình phân hủy hữu cơ tiêu thụ rất nhiều oxy. Ngoài ra, do có nhiều chất dinh dưỡng trong hồ, tảo phù du sẽ phát triển rất mạnh. Tảo phù du tác động tới lượng oxy hòa tan trong hồ thông qua 3 quá trình: quang hợp, hô hấp và tảo chết. Quá trình quang hợp của tảo tạo ra oxy, trong khi quá trình hô hấp và phân hủy tảo chết tiêu thụ oxy. Oxy thiếu hụt trong cột nước sẽ được khuếch tán từ không khí vào mặt nước.

Ở gần đáy sông, hồ, các chất ô nhiễm hữu cơ trong bùn đáy, bao gồm chất ô nhiễm hữu cơ từ nước thải chưa qua xử lý cũng như xác tảo và xác đang phân hủy của động vật chết bị lắng xuống đáy, bị phân hủy và tiêu thụ oxy trong lớp nước sát đáy. Về ban đêm, không có ánh nắng nên không có quang hợp và do vậy sông, hồ bị thiếu hụt oxy do quá trình phân hủy hữu cơ nêu trên và quá trình hô hấp của tảo phù du. Nếu sự thiếu hụt oxy này không được bù đắp bằng lượng oxy khuếch tán từ không khí, cạn kiệt oxy sẽ xảy ra làm cá chết hàng loạt.

Chặn nước thải là cách duy nhất cứu hồ Tây

Thời tiết ảnh hưởng thế nào đến chất lượng nước hồ? PGS.TS Vũ Thành Ca phân tích, trong những ngày cuối xuân, hè và đầu thu, mặt trời ở bán cầu Bắc nên đốt nóng mặt đất và mặt nước vào ban ngày mạnh. Vào ban đêm, cho dù trời lặng gió, do mặt đất và mặt nước hấp thụ nhiều nhiệt vào ban ngày nên về đêm vẫn nóng hơn lớp không khí bên trên. Kết quả là mặt đệm nóng sẽ tạo ra quá trình đối lưu không khí, giúp oxy từ các lớp không khí bên trên được vận chuyển tới mặt hồ. Lượng oxy này sẽ khuếch tán xuống hồ. Do có oxy cung cấp từ không khí, nước mặt hồ không tới mức cạn kiệt oxy về đêm nên cá có thể bơi lên mặt hồ để hô hấp và nếu có thì chỉ có một lượng rất ít cá chết.

Vào những thời điểm giao mùa như cuối thu và đầu xuân, mặt trời ở bán cầu nam nên ban ngày lượng ánh nắng xuống mặt đất ít. Vào những đêm lặng gió, mặt nước và mặt đất lạnh đi nhanh chóng, trở nên lạnh hơn lớp không khí bên trên. Do trao đổi nhiệt với mặt đất và mặt nước, lớp không khí sát mặt đất trở nên lạnh hơn lớp không khí bên trên, gây ra hiện tượng nghịch nhiệt.

Hiện tượng nghịch nhiệt sẽ ngăn cản oxy trao đổi giữa lớp không khí sát mặt hồ và lớp không khí bên trên. Vào các đêm nghịch nhiệt, quá trình phân hủy hữu cơ và hô hấp của tảo phù du trong hồ nhanh chóng làm cạn kiệt pxy trong nước. Lượng oxy trong lớp không khí sát mặt hồ cũng sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt do không có lượng oxy cung cấp từ các lớp không khí bên trên nên oxy không thể tiếp tục khuếch tán từ không khí vào nước. Kết quả là hiện tượng cạn kiệt oxy sẽ xảy ra trong toàn bộ cột nước, làm cá chết hàng loạt.

Vào ban ngày, do mặt trời đốt nóng mặt đất và nước ở tốc độ khác nhau nên tạo ra chênh lệch nhiệt độ giữa khu vực có đất và khu vực có nước. Do vậy, sẽ tạo ra gió. Gió sẽ tạo ra các xoáy rối khí quyển, mang oxy từ các lớp không khí bên trên xuống sát mặt hồ. Hơn nữa, ánh nắng mặt trời sẽ tạo ra hiện tượng quang hợp của tảo, giải phóng rất nhiều oxy và làm gia tăng nhanh chóng lượng oxy hòa tan trong nước. Đó là lý do tại sao về ban ngày lượng oxy hòa tan trong hồ khá cao, như nhận định của Liên ngành Hà Nội.

Theo PGS.TS Vũ Thành Ca, để hạn chế cá chết, có thể dùng phương pháp sục khí hoặc phun nước, giúp tăng lượng ô-xy trong nước. Tuy vậy, đây không phải là giải pháp căn cơ. Giải pháp căn cơ phải là xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng với hệ thống thoát nước mưa và thu gom toàn bộ nước thải từ các hộ dân và cơ sở dịch vụ xung quanh hồ để dẫn về hệ thống xử lý nước thải mà Hà Nội đang đầu tư xây dựng. Khi không còn nước thải, hồ sẽ trở nên sạch và hiện tượng cá chết sẽ không còn xảy ra.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguyen-nhan-ca-o-ho-tay-chet-duoi-goc-nhin-chuyen-gia-moi-truong-169221108072133555.htm