Nguyên nhân cái chết của người đầu tiên được cấy ghép tim lợn đã hé lộ
Ông David Bennett, người được cấy ghép tim lợn biến đổi gien đầu tiên trên thế giới bị chết có thể do một loại vi rút ở lợn gây nên.
Theo tiến sĩ Muhammad Mohiuddin, đồng lãnh đạo nhóm y khoa Đại học Maryland (Mỹ), người đã thực hiện ca cấy ghép cho ông Bennet ngày 7.1, một loại vi rút có tên cytomegalo có thể là một trong một số yếu tố gây nên cái chết của bệnh nhân.
Ông Bennett chết 2 tháng sau khi được cấy ghép tim lợn nhân tạo. Ông mắc bệnh tim giai đoạn cuối và không đủ điều kiện để cấy ghép tim thông thường hoặc dùng máy bơm tim nhân tạo. Cấy ghép tim lợn là lựa chọn khả dụng duy nhất vào thời điểm đó.
Khám nghiệm tử thi sau cái chết của Bennett cho thấy tim lợn cấy ghép đã bị nhiễm vi rút cytomegalo ở lợn. Loại vi rút này có thể gây hàng loạt triệu chứng như đau mắt đỏ, hắt hơi, biến chứng khi mang thai, thai chết lưu.
Ảnh: AP
Tuy nhiên, họ lại không tìm thấy bằng chứng cho thấy vi rút này đang gây ra tình trạng nhiễm trùng trên quả tim được cấy ghép. Nhóm nghiên cứu cho biết họ vẫn đang tìm hiểu và chưa thể kết luận liệu vi rút này có góp phần vào cái chết của bệnh nhân hay không.
Mohiuddin cho biết vi rút không được phát hiện trước khi họ phẫu thuật cấy ghép. Tim của con lợn cũng đã được kiểm tra vi rút bằng tất cả các phương pháp xét nghiệm hiện có.
Con lợn sử dụng để lấy tim cấy ghép được nuôi dưỡng bởi Công ty Công nghệ sinh học Revivicor. Các chuyên gia tại đây đã thay đổi bộ gien của nó nhằm giảm nguy cơ hệ miễn dịch bài trừ cơ quan nội tạng mới.
Mối lo lớn về việc cấy ghép từ động vật sang người là nguy cơ lây các loại bệnh lây nhiễm mới cho con người. Trong nhiều thập niên, các bác sĩ đã tìm cách sử dụng nội tạng động vật để cứu sống người nhưng không thành công.
"Hiểu chính xác điều gì đã dẫn đến cái chết của Bennett sẽ giúp lĩnh vực cấy ghép từ động vật sang người tránh được những tình huống tương tự trong tương lai", ông Mohiuddin chia sẻ.
Trước đây, loại vi rút này cũng có liên quan đến những thất bại trong việc cấy ghép nội tạng lợn ở khỉ đầu chó.
Bác sĩ phẫu thuật Muhammad Mohiuddin xử lý một trái tim lợn biến đổi gien dùng để cấy ghép - Ảnh: EPA-EFE
Tổ chức Bảo vệ quyền động vật - People for the Ethical Treatment of Animals (PETA) cho biết sự hiện diện của vi rút cytomegalo ở lợn làm dấy lên mối lo ngại rằng việc sử dụng nội tạng lợn sẽ truyền vi rút sang người.
"Người ta không mấy mặn mà với sự điên rồ, mù quáng của những người làm thí nghiệm gây lãng phí sinh mạng, thời gian và tiền bạc. Bên cạnh đó có nhiều khả năng khiến con người nhiễm những loại vi rút mới đột biến bắt nguồn từ việc cấy ghép từ động vật sang người", Phó chủ tịch cấp cao của PETA Kathy Guillermo cho biết trong một tuyên bố.
Song ông Mohiuddin vẫn nói rằng cái chết của bệnh nhân Bennett không gây cản trở việc cấy ghép tạng từ động vật sang người.
"Tôi chưa bao giờ hết hy vọng", ông Mohiuddin nói.
Đầu năm nay, nhóm nghiên cứu nói trên đã tiến hành phẫu thuật đột phá ở bệnh nhân Bennett. Ông đã hồi phục ngoạn mục sau ca phẫu thuật ghép tim lợn và đem đến hy vọng mới cho y học thế giới.
Tuy nhiên sau 2 tháng, ông Bennett bỗng tồi tệ hơn sau khi thức dậy, với các triệu chứng tương tự nhiễm trùng nhưng các cuộc kiểm tra nhằm xác định nguyên nhân không đem lại kết quả rõ ràng.
Các bác sĩ đã nỗ lực cứu ông bằng nhiều loại kháng sinh, thuốc kháng vi rút, một liệu pháp tăng cường miễn dịch... nhưng không thành công. Quả tim heo bị sưng tấy, ứ dịch và cuối cùng ngừng hoạt động.
Trên thực tế, phẫu thuật ghép tạng từ động vật sang người - có tên khoa học là "xenotransplantation - là phương pháp đã có từ lâu. Hàng trăm năm trước, nhiều bác sĩ đã thử nghiệm bơm máu và ghép da của động vật cho các bệnh nhân.
Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, một số bệnh nhân đã được ghép thận của tinh tinh, song người sống lâu nhất chỉ được 9 tháng. Năm 1984, một bé sơ sinh - được đặt tên là "Baby Fae" - đã được ghép tim từ khỉ đầu chó. Tuy nhiên, cô bé không qua khỏi sau 20 ngày.