Nguyên nhân đằng sau việc đồng euro tiếp tục giảm sâu
Do chịu ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine, châu Âu đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng vọt và đồng tiền mất giá.
Theo bài viết trên trang Bình luận Trung Quốc tại Hong Kong (Trung Quốc) gần đây, đồng euro ngày càng mất giá đã khiến thị trường vốn toàn cầu lo ngại. Do chịu ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine, châu Âu đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng vọt và đồng tiền mất giá.
Hồi giữa tháng 7/2022, đồng euro rơi xuống mức ngang giá với USD và thậm chí có thời điểm còn giảm dưới ngưỡng này. Đây là mức thấp nhất kể từ khi đồng euro bắt đầu được lưu hành rộng rãi vào ngày 1/1/2002. Mặt khác, giá trị đồng USD đạt mức cao nhất trong 20 năm. Tâm lý bi quan đang tràn ngập khu vực đồng euro, thị trường cũng lo lắng về xu hướng của đồng euro trong tương lai.
Sau cuộc họp về lãi suất vào ngày 21/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo sẽ tăng 50 điểm cơ bản đối với 3 lãi suất chủ chốt, đánh dấu lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2011. Tại cuộc họp báo sau cuộc họp về lãi suất, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã thẳng thắn nói rằng việc tăng lãi suất lần này cao hơn dự kiến 25 điểm cơ bản và nguy cơ sụp đổ của đồng euro là nguyên nhân chính.
Khi đồng euro ra mắt vào năm 1999, đồng tiền này giao dịch ở mức 1 euro đổi 1,18 USD. Trong hơn 20 năm được đưa vào sử dụng, đồng euro luôn duy trì là đồng tiền mạnh và về cơ bản luôn giữ quanh mức 1 euro đổi 1,2 USD. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, đồng euro đã giảm giá mạnh, gần 12%, tương phản với xu hướng tăng giá của đồng bạc xanh.
Đồng euro so với đồng USD đã giảm xuống dưới mức mang tính biểu tượng về tâm lý là “1 đổi 1” vào ngày 13/7, làm đảo lộn nhận thức cố hữu của mọi người rằng “đồng euro luôn có giá trị cao hơn đồng USD”.
Việc đồng euro giảm giá nhanh so với đồng USD không có gì đáng ngạc nhiên, nguyên nhân trực tiếp là do chính sách tăng lãi suất “diều hâu” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Hiện tại, cả Mỹ và châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát trong nước tăng vọt. Fed đã đi đầu trong việc tăng lãi suất, liên tục nâng lãi suất 25 điểm cơ bản (tương đương 0,25 điểm phần trăm), 50 điểm cơ bản, 75 điểm cơ bản và tiếp tục tăng thêm 75 điểm cơ bản lần lượt vào tháng Ba, tháng Năm, tháng Sáu và tháng Bảy. Đây là các mức tăng liên tiếp cao nhất kể từ đầu thập niên 1980.
Việc Fed tăng lãi suất nhanh và mạnh đã làm gia tăng khoảng cách lãi suất giữa đồng USD và đồng euro, khiến dòng vốn toàn cầu tập trung vào thị trường USD, đẩy đồng USD mạnh lên, trong khi đồng euro buộc phải chịu áp lực bán khống và tình hình ngày càng xấu đi.
Mặt khác, bên cạnh việc bị ảnh hưởng do Fed tăng lãi suất, bản thân nền kinh tế châu Âu cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Liên minh châu Âu (EU) đã phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu năng lượng từ Nga trong một thời gian dài. Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, EU đã từng bước áp đặt nhiều đợt trừng phạt kinh tế đối với Nga.
Nga đã trả đũa bằng cách hạn chế xuất khẩu năng lượng và lương thực, gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng và tình trạng thiếu lương thực ở EU, đẩy giá cả trong toàn khu vực đồng euro lên cao. Lạm phát liên tục đạt mức cao mới khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, tỷ lệ trao đổi xấu đi và đầu tư e dè hơn, làm tăng nguy cơ suy thoái ở khu vực đồng euro, khiến một lượng lớn vốn mất niềm tin và tháo chạy khỏi châu Âu, từ đó làm giảm giá đồng euro.
Dù ECB đã ban hành hướng dẫn chính sách vào ngày 9/6, trong đó đưa ra tín hiệu rõ ràng về việc tăng lãi suất lần đầu tiên trong 11 năm vào tháng 7/2022 với mức tăng 25 điểm cơ bản, nhưng so với những lần tăng lãi suất mạnh chưa từng có của Fed, ECB đã không tăng lãi suất cho đến ngày 21/7. Việc tăng lãi suất quá muộn đã thể hiện rõ tình trạng do dự, khó quyết định của ECB.
Dù cả châu Âu và Mỹ đều coi việc kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu, nhưng vì nhiều quốc gia trong khu vực đồng euro đang vay nợ cao, việc tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí đi vay của các quốc gia này và làm tình hình tài chính thêm khó khăn. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế vốn đã mỏng manh của khu vực đồng euro. ECB tỏ ra thận trọng trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ nên đã bỏ lỡ các cơ hội.
Vì vậy, khi cuối cùng ECB cũng tăng lãi suất với mức tăng cao hơn kỳ vọng của thị trường, liệu ngân hàng có thể kiềm chế lạm phát và ngăn chặn đồng euro giảm giá? Trong trung và dài hạn, tác dụng của việc tăng lãi suất để làm tăng giá trị đồng euro là khá hạn chế, xu hướng suy yếu của đồng euro khó có thể đảo ngược. Nếu xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp diễn, thị trường châu Âu sẽ khó thoát khỏi khủng hoảng thiếu hụt năng lượng và triển vọng kinh tế sẽ đối mặt với thử thách gay gắt.
Trong thông báo kinh tế mới nhất, ECB đã hạ tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng euro từ 2,7% xuống 2,6% do có nhiều yếu tố bất lợi. Theo tính toán của tập đoàn Goldman Sachs, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng euro cứ giảm 1% thì tỷ giá hối đoái đồng euro sẽ giảm 2%. Theo dự báo của một lãnh đạo ngân hàng Deutsche Bank, nếu kinh tế châu Âu và Mỹ sẽ tiếp tục suy giảm trong quý III/2022 và đồng euro giảm xuống 1 euro đổi 0,95-0,97 USD khi Fed tiếp tục tăng lãi suất.
Đằng sau sự mất giá của đồng euro thực chất là cuộc chiến tiền tệ căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu. Trước khi đồng euro ra đời, đồng USD giữ vị thế “thống trị” và Mỹ dựa vào vị trí thống trị của mình trong hệ thống quốc tế để liên tục thu về của cải trên toàn cầu. Do đó, với tư cách là đồng tiền lớn thứ hai thế giới, đồng euro được thị trường vốn quốc tế đặt nhiều hy vọng, được xem là có khả năng thách thức quyền bá chủ của đồng USD nhất.
Vào năm 2009, dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, vấn đề nợ của Chính phủ Hy Lạp bị phơi bày. Ba tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế lớn của Mỹ, bao gồm Moody’s, S&P và Fitch, đã hạ bậc xếp hạng tín dụng quốc gia của Hy Lạp. Ảnh hưởng của việc này lan ra các nước châu Âu khác, kích nổ cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu và sức mạnh của đồng euro đã bị ảnh hưởng nặng nề. Jose Manuel Barroso, khi đó là Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), đã phát biểu rằng một vấn đề quan trọng và nhạy cảm như xếp hạng tín nhiệm của một quốc gia chỉ do ba tổ chức của cùng một quốc gia nắm giữ là không công bằng và hợp lý.
Hiện tại mới chỉ là khởi đầu cho những thách thức mà châu Âu phải đối mặt và một số phương tiện truyền thông Mỹ thậm chí đã bắt đầu thổi phồng “thuyết suy thoái đồng euro”. Một số nhà bình luận đã chỉ ra rằng sự suy yếu liên tục của đồng euro so với đồng USD không chỉ đơn giản là một vấn đề kinh tế, mà còn là một vấn đề chính trị. Điểm mấu chốt lớn nhất của suy thoái kinh tế châu Âu là cuộc xung đột Nga-Ukraine. Do đó, để có thể giải quyết khủng hoảng lạm phát châu Âu và khôi phục tỷ giá hối đoái đồng euro, ưu tiên hàng đầu của EU là thúc giục Nga và Ukraine đàm phán hòa bình và ngăn chặn xung đột kéo dài giữa hai nước này./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nguyen-nhan-dang-sau-viec-dong-euro-tiep-tuc-giam-sau/255808.html