Nguyên nhân đình công chủ yếu vì quyền lợi người lao động không được đảm bảo

Nguyên nhân các cuộc đình công là do quyền lợi người lao động không được đảm bảo, việc điều chỉnh tiền lương, phụ cấp tại doanh nghiệp thiếu sự tham khảo ý kiến người lao động và tổ chúc công đoàn… Đây là những phân tích mà Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội nêu ra tại báo cáo gửi Chính phủ về tình hình đình công và việc giải quyết đình công 6 tháng đầu năm.

Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm 2019, cả nước đã xảy ra 67 cuộc đình công, giảm 1 cuộc so với cùng kỳ năm 2018. Đáng lưu ý, 82,1% số cuộc đình công xảy ra trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Số vụ đình công xảy ra nhiều nhất ở doanh nghiệp Hàn Quốc 16 cuộc đình công, doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) 16 cuộc, doanh nghiệp Trung Quốc 10 cuộc. Còn lại 17,9% số cuộc xảy ra trong các doanh nghiệp dân doanh.

Số vụ đình công xảy ra nhiều nhất ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Số vụ đình công xảy ra nhiều nhất ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Phần lớn các cuộc đình công xảy ra trong những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, ngành dệt may chiếm 28,36%; da giày chiếm 19,4%; nhựa chiếm 16,42%; gỗ chiếm 14,93% trong tổng số cuộc. Các cuộc đình công tập trung chủ yếu ở một số địa phương phía Nam, chiếm 88,1%; trong đó tỉnh Long An có 22 cuộc, tỉnh Đồng Nai có 18 cuộc, tỉnh Bỉnh Dương có 13 cuộc, Thành phố Hồ Chí Minh 6 cuộc.

Nguyên nhân các cuộc đình công chủ yếu xuất phát từ tranh chấp về lợi ích, chiếm tới 55,22%, tranh chấp về quyền chiếm 11,94%, còn lại do tranh chấp cả quyền và lợi ích chiếm 32,84%. Bình quân mỗi cuộc đình công có khoảng 470 người tham gia. Thời gian đình công bình quân kéo dài 2-3 ngày/cuộc. Đặc biệt, tất cả các cuộc đình công xảy ra đều không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nguyên nhân các cuộc đình công là do quyền lợi người lao động không được đảm bảo. Việc điều chỉnh tiền lương, phụ cấp tại doanh nghiệp thiếu sự tham khảo ý kiến người lao động và tổ chúc công đoàn; không điều chỉnh kịp thời tiền lương cơ bản của người lao động; chất lượng bữa ăn giữa ca không đảm bảo; việc đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thê còn hạn chế, thiếu thực chất.

Một vụ đình công xảy ra tại Hải Phòng. Ảnh minh họa

Một vụ đình công xảy ra tại Hải Phòng. Ảnh minh họa

Ngoài ra, một số doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về lao động đã dẫn tới đình công như: chậm thanh toán tiền lương, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; giải quyết chậm chế độ bảo hiểm xã hội; thanh toán không đúng quy định tiền nghỉ hằng năm, phụ cấp nghề độc hại, nguy hiểm; định mức lao động không phù hợp; làm thêm giờ vượt quá quy định; điều kiện làm việc, vệ sinh môi trường không bảo đảm.

Khi đình công xảy ra, các cơ quan chức năng địa phương đã có mặt kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, hướng dẫn các bên thương lượng, đối thoại để giải quyết các kiến nghị của người lao động, sớm ổn định tình hình, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trở lại bình thường.

Ngọc Tú

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nguyen-nhan-dinh-cong-chu-yeu-vi-quyen-loi-nguoi-lao-dong-khong-duoc-dam-bao-96653.html