Nguyên nhân Iraq bất ngờ thông báo chuẩn bị bầu Tổng thống mới

Trong khoảng thời gian từ 7/2 đến 30/3 năm nay, Iraq đã 3 lần thất bại trong việc bầu ra một Nguyên thủ Quốc gia mới.

Theo hệ thống chia sẻ quyền lực được thiết kế để tránh xung đột giáo phái ở Iraq, Tổng thống là người Kurd, Thủ tướng là người Shiite và Chủ tịch Quốc hội là người Sunni.

Văn phòng của Chủ tịch Quốc hội Mohammed al-Halbussi cho biết cơ quan lập pháp Iraq sẽ nhóm họp trong ngày 13/10 để bầu ra Tổng thống mới. Đây là một động thái bất ngờ nhưng được coi là nỗ lực nhằm chấm dứt nhiều tháng bế tắc chính trị ở quốc gia Trung Đông này.

Trong khoảng thời gian từ 7/2 đến 30/3 năm nay, Iraq đã 3 lần thất bại trong việc bầu ra một Nguyên thủ Quốc gia mới.

Văn phòng của ông Al-Halbussi cho biết hôm 11/10 - hơn một năm kể từ cuộc tổng tuyển cử cuối cùng - rằng phiên họp quốc hội sẽ có “một mục duy nhất trong chương trình nghị sự là cuộc bầu cử Tổng thống của nước Cộng hòa Iraq”.

Bế tắc chính trị

Người Iraq bỏ phiếu lần cuối vào ngày 10/10/2021, trong một cuộc tổng tuyển cử được tổ chức sớm do làn sóng biểu tình của quần chúng nhằm phản đối nạn tham nhũng và thất nghiệp tràn lan cũng như sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng.

Nhà lãnh đạo Hồi giáo dòng Shiite theo chủ nghĩa dân túy Muqtada al-Sadr đã chiến thắng vang dội, nhưng không thu hút được đủ sự ủng hộ để thành lập chính phủ.

Những người biểu tình ủng hộ giáo sĩ Muqtada al-Sadr tập trung tại Quảng trường Tahrir ở trung tâm thủ đô Baghdad của Iraq vào ngày 28/9/2022 trước phiên họp quốc hội ở Vùng Xanh an ninh cao gần đó. Ảnh: The Arab Weekly

Những người biểu tình ủng hộ giáo sĩ Muqtada al-Sadr tập trung tại Quảng trường Tahrir ở trung tâm thủ đô Baghdad của Iraq vào ngày 28/9/2022 trước phiên họp quốc hội ở Vùng Xanh an ninh cao gần đó. Ảnh: The Arab Weekly

Các thành viên vũ trang của Saraya al-Salam (Lữ đoàn Hòa bình) ủng hộ ông Muqtada al-Sadr, tham gia các cuộc đụng độ với dân quân đối thủ và lực lượng an ninh Iraq tại Vùng Xanh của Baghdad, ngày 30/8/2022. Ảnh: The Arab Weekly

Các thành viên vũ trang của Saraya al-Salam (Lữ đoàn Hòa bình) ủng hộ ông Muqtada al-Sadr, tham gia các cuộc đụng độ với dân quân đối thủ và lực lượng an ninh Iraq tại Vùng Xanh của Baghdad, ngày 30/8/2022. Ảnh: The Arab Weekly

Các phe phái Hồi giáo Shiite đối kháng trong quốc hội đã tranh giành ảnh hưởng và quyền lựa chọn Thủ tướng và chính phủ mới.

Ông Al-Sadr đã rút 73 nghị sĩ của mình khỏi quốc hội và hồi cuối tháng 8 đã tuyên bố sẽ từ bỏ chính trường, gây ra làn sóng bạo lực tồi tệ nhất ở Baghdad trong nhiều năm, khiến hơn 30 người thiệt mạng.

Những người trung thành với ông Al-Sadr đã xông vào Văn phòng Chính phủ ở "Vùng Xanh" an ninh cao của Baghdad và chiến đấu với các nhóm Shiite đối thủ, hầu hết trong số họ là lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi được trang bị vũ khí dày đặc và được Iran huấn luyện.

Vị thủ lĩnh dòng Shiite này ban đầu đã tìm cách thành lập đa số nghị viện bằng cách liên minh với các đảng Hồi giáo người Kurd và Sunni, ngoại trừ các nhóm Shiite do Iran hậu thuẫn.

Tổng thống là một vị trí chủ yếu mang tính chất nghi lễ, nhưng cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống mới ở Iraq là một bước quan trọng trong quy trình chính trị vì Tổng thống là người sẽ chỉ định ứng cử viên của khối nghị viện lớn nhất thành lập chính phủ và bổ nhiệm chức vụ Thủ tướng.

Các ứng cử viên

Theo hệ thống chia sẻ quyền lực được thiết kế để tránh xung đột giáo phái ở Iraq, Tổng thống là người Kurd, Thủ tướng là người Shiite và Chủ tịch Quốc hội là người Sunni.

Bất đồng giữa các đảng người Kurd chính điều hành khu vực người Kurd bán tự trị ở miền bắc Iraq đã cản trở việc lựa chọn Tổng thống.

Đảng Liên minh Yêu nước của người Kurd (PUK) đã nắm giữ quyền lực của Tổng thống từ năm 2003. Đối thủ của đảng này là Đảng Dân chủ Kurdistan (KDP). KDP đã giành được số phiếu bầu lớn nhất cho đến nay của người Kurd và đang tìm cách đưa ứng viên của chính họ ra tranh cử.

Hiện tại có 2 ứng cử viên cho chức Tổng tống Iraq: Tổng thống đương nhiệm Barham Saleh của PUK, và Bộ trưởng Nội vụ đương nhiệm Rebar Ahmed của KDP.

Một khi quốc hội Iraq bầu ra Tổng thống mới, nhiệm vụ của tân Tổng thống sẽ là chỉ định Thủ tướng, người giành được liên minh lớn nhất trong quốc hội.

Ông Mahma Khalil, một nhà lập pháp từ KDP, cho biết họ vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào với PUK.

“Các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra với PUK và chúng tôi cần thêm thời gian”, ông Khalil nói với hãng tin Reuters. “Không nên bầu Tổng thống trước khi chúng tôi đạt được thỏa thuận”.

Ông Gayath al-Sorchi, một thành viên cấp cao của PUK, nói với Reuters: “Không có thỏa thuận nào đạt được vào thời điểm này, và nó có vẻ như là một vấn đề hóc búa”.

Chủ tịch Quốc hội Iraq Mohammed al-Halbussi, ngồi ở vị trí trung tâm trong bức ảnh tư liệu này, cho biết các nhà lập pháp Iraq có kế hoạch bầu Tổng thống mới cho đất nước vào ngày 13/10/2022. Ảnh AFP đăng trên France24

Chủ tịch Quốc hội Iraq Mohammed al-Halbussi, ngồi ở vị trí trung tâm trong bức ảnh tư liệu này, cho biết các nhà lập pháp Iraq có kế hoạch bầu Tổng thống mới cho đất nước vào ngày 13/10/2022. Ảnh AFP đăng trên France24

Trước thông báo về bầu cử Tổng thống của Chủ tịch Quốc hội Al-Halbussi, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã thúc giục các đảng phái chính trị chấm dứt tình trạng bế tắc, đồng thời cảnh báo rằng “Iraq đang không còn nhiều thời gian”.

Iraq đã đạt được nguồn thu khổng lồ từ xuất khẩu năng lượng trong năm nay và Ngân hàng Trung ương nước này đang nắm giữ một khoản dự trữ ngoại hối khổng lồ 87 tỷ USD.

Tuy nhiên, số tiền này vẫn bị phong tỏa vì quyền Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi không được phép đệ trình ngân sách nhà nước hàng năm lên quốc hội Iraq với tư cách là Thủ tướng tạm quyền.

LHQ cho biết, Iraq “bắt buộc” phải thông qua ngân sách trước cuối năm nay.

Minh Đức (Theo Al Jazeera, France24)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nguyen-nhan-iraq-bat-ngo-thong-bao-chuan-bi-bau-tong-thong-moi-a574318.html