Nguyên nhân khiến căng thẳng mới giữa Pháp và Algeria bùng phát

Quyết định của Tổng thống Macron ủng hộ kế hoạch của Maroc đối với Tây Sahara không chỉ làm gia tăng căng thẳng giữa Pháp và Algeria mà còn làm dấy lên những tranh cãi trong chính trị Pháp.

Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune (phải) và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Anadolu (AA)

Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune (phải) và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Anadolu (AA)

Theo tờ Politico (Mỹ), sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đối với kế hoạch của Maroc nhằm biến Tây Sahara thành một khu vực tự trị đã làm dấy lên căng thẳng đáng kể giữa Pháp và Algeria. Quyết định này đã khiến Algeria triệu hồi đại sứ của mình tại Pháp ngay lập tức và chỉ trích mạnh mẽ chính quyền của Tổng thống Macron, đồng thời làm bùng lên những tranh cãi về lập trường chính trị của Pháp đối với khu vực Bắc Phi này.

Maroc từ lâu đã tuyên bố chủ quyền đối với Tây Sahara, một vùng lãnh thổ ven biển ở Bắc Phi, trước đây thuộc về Tây Ban Nha. Tuy nhiên, Algeria đã ủng hộ Mặt trận Polisario, một nhóm đấu tranh cho quyền tự quyết của Tây Sahara trong nhiều thập kỷ. Kế hoạch của Maroc cho Tây Sahara - nhận được sự hỗ trợ từ Tây Ban Nha, Mỹ và một số quốc gia khác - là thành lập một khu vực tự trị dưới sự kiểm soát của Maroc, theo mô hình các khu vực tự trị ở Tây Ban Nha như Catalonia và Xứ Basque.

Ngày 4/8, Tổng thống Macron đã công khai ủng hộ kế hoạch này, nhấn mạnh rằng hậu thuẫn của Pháp đối với kế hoạch của Maroc là "rõ ràng và không lay chuyển". Ông Macron cho rằng "quyền tự chủ theo chủ quyền của Maroc là khuôn khổ để giải quyết vấn đề Tây Sahara". Động thái này đã làm gia tăng căng thẳng giữa Pháp và Algeria.

Phản ứng từ các bên

Algeria đã ngay lập tức phản ứng bằng cách triệu hồi đại sứ tại Pháp và chỉ trích Tổng thống Macron. Bộ Ngoại giao Algeria cáo buộc Pháp đã ủng hộ "chế độ thực dân áp đặt lên Tây Sahara" và hành động này là "thiếu thận trọng". Algeria cho rằng Chính phủ Pháp hiện tại đã thực hiện một bước đi mà không một chính phủ Pháp nào trước đó coi là cần thiết, và đã "lờ đi luật pháp quốc tế" khi tách mình ra khỏi nỗ lực của Liên hợp quốc.

Sự ủng hộ của Tổng thống Macron đối với kế hoạch Tây Sahara của Maroc không chỉ tạo ra phản ứng mạnh mẽ từ Algeria mà còn làm dấy lên các tranh cãi trong chính trị Pháp. Việc ông Macron đưa ra sự ủng hộ đã được ca ngợi bởi nhiều nghị sĩ và các đảng phái chính trị, bao gồm cả nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen. Bà Le Pen đã chỉ trích chính phủ Pháp trước đó vì "chậm trễ trong việc công nhận kế hoạch của Maroc".

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với lập trường của Tổng thống Macron. Một số nhà lãnh đạo cánh tả, chẳng hạn như Marine Tondelier của đảng Xanh, đã chỉ trích ông Macron vì "đi ngược lại lập trường lịch sử của Pháp" và hành động mà không tham khảo ý kiến của các phe phái chính trị hàng đầu trong bối cảnh chính trị hiện tại của Pháp.

Pháp cai trị Algeria như một thuộc địa cho đến năm 1962, trong khi Maroc vẫn là lãnh thổ bảo hộ của Pháp cho đến năm 1956. Paris vẫn có mối quan hệ thường xuyên căng thẳng với cả hai quốc gia Bắc Phi này.

Căng thẳng bùng phát giữa Pháp và Maroc vào năm 2021, khi Paris giảm một nửa số thị thực được cấp cho công dân Maroc. Pháp đã từ bỏ chính sách này hai năm sau đó. Algeria vẫn có mối quan hệ căng thẳng với Pháp vì những vấn đề liên quan đến việc bồi thường và trả lại các vật phẩm lịch sử của Algeria do các tổ chức của Pháp nắm giữ.

Mối quan hệ giữa Pháp và Algeria cũng có tầm quan trọng chiến lược: Lượng khí đốt nhập khẩu từ Algeria vào Pháp đã tăng lên kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo AA)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nguyen-nhan-khien-cang-thang-moi-giua-phap-va-algeria-bung-phat-20240805161348808.htm