Nguyên nhân khiến công nhân chết ngạt dưới cống tại TPHCM
Việc rác thải, nước thải phân hủy trong những môi trường không có oxy như cống rãnh, giếng sâu… thường sinh ra nhiều khí độc gây tử vong.
Việc một công nhân tử vong do mắc kẹt trong cống trên đường Trần Văn Giàu (huyện Bình Chánh, TPHCM) ngày 26/7 khiến dư luận xót xa. Ngay sau đó, 4 đồng nghiệp nhảy xuống giải cứu cũng rơi vào tình trạng ngộ độc khí và phải điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Liên quan đến sự việc này, trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Trần Hồng Côn (Đại học KHTN, ĐHQG Hà Nội) cho biết: Rác thải, nước thải tù đọng, phân hủy trong các môi trường kín thường giải phóng rất nhiều khí CO2 và các loại khí độc khác như Hydro Sunfua (H2S)…
Vào thời điểm công nhân xuống dưới đường cống là đã vào môi trường thiếu oxy thì rất dễ bị ngạt do khí CO2. Ngoài ra, nếu công nhân ngộ độc khí H2S thì hoàn toàn có thể suy hô hấp tế bào, ngừng hô hấp và ảnh hưởng não, tim… dẫn đến tử vong.
Còn theo PGS.TS Bùi Thị An (Nguyên Phó Chủ tịch hội Hóa học Việt Nam), trong trường hợp cụ thể vấn đề chết người tại đường Trần Văn Giàu, thường phải trải qua các thí nghiệm để tìm ra nguồn khí cụ thể. Thế nhưng, tại nơi có rác thải, nước bẩn thì sẽ có chứa nhiều khí độc, có thể Sunfua Đioxit (SO2), Amoniac (NH3)… Đây đều là những khí gây chết người.
"Nguồn khí này sinh ra từ các chất bẩn, xác chết động vật phân hủy, cống bảo quản không an toàn, nước ngấm vào đất… Trong trường hợp tại TPHCM chúng ta cần xét xem đường cống có dân cư, sinh hoạt, khu công nghiệp hay không để đưa ra kết luận chính xác, nhưng thực tế thì đã có hiện tượng ngạt khí độc dẫn đến tử vong…", bà An nói.
Đoạn cống nơi xảy ra sự việc thương tâm khiến một công nhân tử vong (Ảnh: Hoàng Hướng).
Để đảm bảo không còn trường hợp đáng tiếc xảy ra, PGS.TS Bùi Thị An cho biết, thứ nhất, nguyên tắc trước quá trình làm việc người lao động luôn phải học qua các lớp an toàn lao động. Thứ hai, để đảm bảo thì công nhân cần đeo mặt nạ phòng độc đảm bảo đúng tiêu chuẩn theo quy định nhà nước.
Thứ ba, thời gian làm việc trong các môi trường trên thường phải đúng theo quy định, không làm quá sức. Thứ tư, cơ quan quản lý phải có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra từng cá nhân, từng dụng cụ phòng chống để đảm bảo tính mạng cho lao động.
Còn đối với quá trình tác nghiệp, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết công nhân cần kiểm tra sự thoáng khí của cống rãnh, môi trường kín. Sau đó, phải mở cống và quạt làm thoáng khí để đảm bảo an toàn trước khi làm việc.
"Trong rừng sâu hay đi đào giếng khơi, người dân cũng thường xuyên bắt gặp khi CO2 này và tử vong, vì vậy luôn đặt an toàn lên hàng đầu", ông Côn nói.
Trước đó, khoảng 9h20 ngày 26/7, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TPHCM nhận được tin báo có nhóm người bị mắc kẹt dưới cống trên đường Trần Văn Giàu.
Lực lượng chức năng huyện Bình Chánh đã điều động nhiều cán bộ, chiến sĩ cùng xe chuyên dụng đến hiện trường.
Danh tính nạn nhân tử vong là Kim Long (39 tuổi). 4 nhân viên khác trong quá trình giải cứu đồng nghiệp cũng bị ngộ độc khí, nhanh chóng được người dân chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.
Sau hơn 1 ngày điều trị, hiện sức khỏe các bệnh nhân đã cải thiện rất tốt, các chỉ số xét nghiệm trở về bình thường. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã cho 2 bệnh nhân xuất viện vào chiều cùng ngày và tái khám theo lịch.