Nguyên nhân khiến dư luận Ấn Độ bất bình với đề thi quốc gia
Người sử dụng mạng xã hội và nhiều phụ huynh Ấn Độ đã chỉ trích Hội đồng Giáo dục Trung học cơ sở (CBSE) do phần câu hỏi trong đề thi quốc gia.
Kênh CNN (Mỹ) ngày 14/12 đưa tin nội dung gây tranh cãi xuất hiện trong bài thi Văn học và Tiếng Anh dành cho học sinh lớp 10 (từ 15-16 tuổi) tại kỳ thi diễn ra vào cuối tuần vừa qua.
Hình ảnh về đề thi đã được chia sẻ trên mạng xã hội trong đó có một đoạn trong phần thi đọc hiểu gây chú ý. Theo đó nội dung đoạn văn tiếng Anh miêu tả “phụ nữ chỉ có thể khiến con cái nghe lời nếu chính họ biết nghe lời người chồng”. Một đoạn khác kết luận rằng “sự giải phóng những người vợ đã hủy hoại quyền thế của phụ huynh với chính con cái”.
Ngay lập tức, nhiều bậc phụ huynh và người sử dụng mạng xã hội đã bất bình về nội dung đề thi này, họ yêu cầu cơ quan quản lý giáo dục đưa ra lời giải thích. Các chính khách cũng lên tiếng yêu cầu mở cuộc điều tra và có lời xin lỗi chính thức từ CBSE.
Chủ tịch Đảng Quốc đại Ấn Độ Sonia Gandhi đã đề cập đến đề thi gây tranh cãi tại một phiên họp quốc hội vào ngày 13/12 và đánh giá các đoạn văn này là “tàn ác”. Bà nói: “Tôi phản đối nội dung có thành kiến với phụ nữ như vậy. Nó phản ánh tiêu chuẩn kiểm tra và giáo dục chưa tốt, đi ngược lại với mọi chuẩn mực và nguyên tắc của một xã hội tiến bộ”.
Chiều 13/12, CBSE ra tuyên bố rằng đoạn văn trong đề thi không “đạt tiêu chuẩn” và cơ quan này “cam kết về công bằng và ưu tú của giáo dục” đồng thời lấy làm tiếc nuối về vụ việc không may này.
CBSE sẽ thành lập một hội đồng chuyên gia xem xét và tăng cường quá trình thiết kế đề thi trong tương lai. Phần câu hỏi gây tranh cãi sẽ được đưa ra khỏi bài thi và không trừ điểm của các thí sinh.
Các câu hỏi của kỳ thi được viết bởi "người tạo bài kiểm tra" do chủ tịch CBSE chỉ định và những cá nhân này bắt buộc phải có bằng sau đại học về chủ đề mà họ viết. Các câu hỏi sau đó được xem xét và phê duyệt bởi người điều hành, cũng do chủ tịch CBSE chỉ định.