Nguyên nhân khiến giá khí LNG khu vực Châu Á rơi xuống mức thấp kỷ lục

Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại khu vực Châu Á đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong bối cảnh nguồn cung tăng cao nhưng nhu cầu sử dụng suy giảm tại Trung Quốc và Nhật Bản.

Trong tuần trước, giá khi tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên thị trường Châu Á đã giảm mạnh còn 2,95 USD/mmBtu – mức thấp nhất kể từ năm 2010. Tình trạng dư cung cộng hưởng với việc nhu cầu sử dụng khí LNG xuống thấp đã đẩy mức giá khí LNG xuống thấp kỷ lục như hiện nay.

Nếu so với thời điểm giữa tháng 10/2019 khi các nước Đông Á chuẩn bị bước vào mùa đông và giá khí LNG đạt 6,80 USD/mmBtu thì mức giá hiện nay đã giảm khoảng 57%. Dữ liệu lịch sử cũng cho thấy, giá khi LNG hiện tại đã giảm tới 74% so với mức giá cao nhất của năm 2018 và giảm tới 86% so với mức đỉnh xác lập hồi tháng 2/2014.

Giá khí LNG giao đến Ấn Độ hiện cũng đã giảm xuống. Tập đoàn công nghiệp Reliance của Ấn Độ đã đặt mua một lô khí LNG giao tháng 4/2020 chỉ với giá 2,80 USD/mmBtu. Đây có thế là mức giá thấp nhất đối với thị trường Ấn Độ trong nhiều năm trở lại đây, theo nhận định của các đơn vị giao dịch.

Nhu cầu sử dụng khí LNG từ Nhật BảnTrung Quốc, hai quốc gia tiêu thụ khí LNG lớn nhất thế giới, đã giảm mạnh trong thời gian gần đây. Tại Nhật Bản, nhiệt độ mùa đông vừa qua cao hơn so với thường lệ đã khiến nhu cầu sử dụng khí đốt sưởi ấm sụt giảm. Bên cạnh đó, việc Chính phủ Nhật Bản tái khởi động lại một số nhà máy điện hạt nhân vốn bị ngưng sử dụng sau thảm họa Fukushima hồi năm 2011 cũng làm giảm nhu cầu sử dụng khí LNG trong sản xuất điện năng.

Tại Trung Quốc, suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã khiến tiến trình chuyển đổi nguồn cung năng lượng từ than sang khí đốt của chính phủ nước này chậm lại, kéo theo đó là sự sụt giảm nhu cầu sử dụng khí đốt trong các hoạt động công nghiệp lẫn dân dụng. Sự bùng phát bất ngờ của dịch virus Corona cũng là một đòn giáng mạnh vào nhu cầu sử dụng khí đốt của Trung Quốc khi các hoạt động kinh tế bị đình trệ.

Trong khi đó, nguồn cung khí ra thị trường đã tăng mạnh trong năm nay trong bối cảnh nhiều dự án khai thác tại AustraliaHoa Kỳ đồng loạt được đưa vào vận hành. Chỉ tính riêng năm nay, số lượng dự án khai thác mới đang được triển khai đã đạt tổng công suất 17 triệu tấn khí. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, hàng loạt dự án khai thác mới trên toàn cầu sẽ được triển khai thêm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tình trạng dư cung đã khiến giá khí LNG chịu áp lực giảm mạnh và khiến các đơn vị mua khí LNG có xu hướng ký kết các hợp đồng mua khí LNG ngắn hạn với mức giá linh hoạt thay vì các hợp đồng dài hạn vốn xác định giá khó LNG dựa trên giá dầu thô.

Quang Đặng (Tổng hợp)

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nguyen-nhan-khien-gia-khi-lng-khu-vuc-chau-a-roi-xuong-muc-thap-ky-luc-68702.htm