Nguyên nhân nào dẫn đến các vụ cháy rừng ở Việt Nam?
Có nhiều nguyên nhân gây cháy rừng, tuy nhiên có 2 nguyên nhân chính là nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo.
Theo các chuyên gia, cháy rừng chỉ xảy ra khi có sự kết hợp đồng thời của 3 yếu tố là ô xy, vật liệu cháy và nguồn nhiệt.
Trong đó, ôxy là chất duy trì sự cháy, sẵn có trong không khí. Dưới tán rừng tỷ lệ này có thể thấp hơn một chút do quá trính phân giải một số hợp chất hữu cơ làm cho lượng CO2 tăng lên.
Vật liệu cháy là chất bị cháy, có sẵn trong rừng. Vật liệu cháy là tất cả những chất có khả năng bén lửa và bốc cháy trong điều kiện có đủ nguồn nhiệt và ô xy. Thông qua nghiên cứu, đã rút ra được kết luận nguồn vật liệu cháy có độ ẩm ≤ 25% có khả năng bắt lửa dễ dàng.
Nguồn nhiệt là yếu tố duy nhất không sẵn có trong rừng. Nhiệt độ cần để đốt cháy vật liệu cháy ở thời điểm ban đầu gọi là điểm bén lửa. Các vật liệu cháy trong rừng thường có điểm bén lửa trong khoảng từ 220 – 2500C. Hầu hết nguồn nhiệt gây cháy rừng được xuất phát từ các hoạt động của con người.
Có nhiều nguyên nhân gây cháy rừng, tuy nhiên có 2 nguyên nhân chính là nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo.
Nguyên nhân tự nhiên gây cháy rừng
Thời tiết và các nhân tố khí tượng là một tác nhân cho sự phát sinh và phát triển của một đám cháy rừng. Yếu tố cơ bản ảnh hưởng tới cháy rừng và dự báo cháy rừng bao gồm nhiệt độ, độ ẩm và gió.
Địa hình ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến cháy rừng và liên quan trực tiếp đến sự phát triển của đám cháy; có tác động ngăn chặn các hệ thống gió, hình thành các khu vực tiểu khí hậu khác nhau tạo ra các khu vực thường xuyên có mưa hoặc khu vực khô hạn. Ngoài ra, các điều kiện địa hình tạo ra có ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện bốc hơi nước của vật liệu cháy hoặc chi phối quy mô, tốc độ lan tràn các đám cháy rừng.
Kiểu rừng và loại thực bì có liên quan trực tiếp đến nguồn vật liệu cháy, tính chất và khối lượng của vật liệu cháy do đặc điểm của kiểu rừng và loại thực bì quyết định, từ đó dẫn đến tính dễ bắt lửa và quy mô đám cháy.
Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân khác như cháy rừng do sấm, sét; cháy rừng do đạn, thuốc súng còn sót lại trong chiến tranh ở các khu rừng ở Tây Nguyên và miền Trung khi gặp điều kiện thuận lợi cũng có thể nổ gây cháy rừng; v.v.
Nguyên nhân nhân tạo gây cháy rừng
Do hoạt động của con người, các hoạt động sản xuất của con người như đốt rừng làm nương rẫy, đốt than, đốt thực bì để thu nhặt kim loại, hun khói để lấy mật ong và nhiều hoạt động khác có thể gây cháy rừng. Hoạt động khai thác rừng hoặc vô ý gây cháy rừng cũng có thể là nguyên nhân gây cháy rừng.
Do các hoạt động xã hội khác như trẻ em chăn trâu đốt lửa để sưởi ấm; đốt hương đi tảo mộ; phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thả đèn trong các ngày lễ hội vô ý gây cháy; các hoạt động dã ngoại và bắn đạn thật trong quân đội gây cháy rừng; v.v.
Về mức độ gây thiệt hại
Đối với tài nguyên rừng, cháy rừng thu hẹp nhanh chóng diện tích rừng có giá trị kinh tế. Nếu tính bình quân một ha rừng cho khoảng 50 m3 gỗ, thì những thập kỷ gần đây cháy rừng gây thiệt hại khoảng 10 triệu m3 gỗ, chưa kể nguồn cây dược liệu, chim thú mất môi trường sống, mất nguồn thức ăn và phải di chuyển đến nơi khác gây mất cân bằng sinh thái và khó khăn cho công tác quản lý, theo dõi.
Đối với thực vật rừng, ảnh hưởng trực tiếp đến quần thể thực vật rừng chủ yếu thông qua sát thương, sau cháy rừng một số loài cây ưa sáng mọc nhanh phát triển phá vỡ cấu trúc của rừng, ảnh hưởng đến tổ thành rừng và diễn thế rừng.
Đối với động vật, ảnh hưởng trực tiếp, sát thương động vật, thiêu cháy động vật, ảnh hưởng tới nguồn thức ăn và môi trường sống.
Đối với vi sinh vật, cháy rừng ảnh hưởng tới cấu trúc, số lượng và hoạt động của các vi sinh vật trong đất.
Đối với môi trường, với môi trường đất, sau khi cháy rừng hàm lượng các nguyên tố dinh dưỡng tăng lên. Tuy nhiên thời gian sau do không có độ che phủ của tán rừng và lớp thực bì (mất nguồn cung cấp chất dinh dưỡng và bảo vệ đất) nên nhanh chóng trở nên bạc màu, xói mòn, rửa trôi, sạt lở…
Với môi trường nước, cháy rừng có thể gây ra những ảnh hưởng sâu sắc tới đặc điểm thủy văn. Mất rừng làm mất khả năng điều tiết nguồn nước, tạo nên lũ quét khi có mưa kết hợp với địa hình dốc, phức tạp. Ảnh hưởng đến mực nước ngầm cũng như khả năng dự trữ nước ở các vùng hạ lưu. Trong nhiều trường hợp, cháy rừng còn làm ô nhiễm nguồn nước.
Đối với không khí và khí hậu, cháy rừng sinh ra các loại bụi và khí đa số là ảnh hưởng xấu tới sinh trưởng của cây rừng. Sau khi cháy rừng, tiểu khí hậu bị biến đổi theo hướng bất lợi: nhiệt độ tăng, độ ẩm giảm, gió thổi mạnh,…
Đối với xã hội, cháy rừng ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là đời sống người dân sống trong và gần rừng. Trong nhiều trường hợp dẫn đến hậu quả di dân tự do đến nơi khác an toàn hơn, ảnh hưởng đến công tác quản lý rừng của địa phương. Đôi khi cháy rừng còn gây thiệt hại cả tính mạng con người.