Nguyên nhân nào khiến các dự án văn hóa- xã hội của Hà Nội chậm?

Trong tổng số 337 dự án được giao của Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình văn hóa- xã hội TP Hà Nội, đến nay có 25 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng; tiến độ giải ngân đạt 33% so với so với kế hoạch vốn giải ngân xây dựng cơ bản năm 2019.

Chiều 1-10, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình văn hóa-xã hội TP Hà Nội cho biết: Năm 2017 tổng số dự án được giao trên địa bàn TP đến hết 25-12-2017 là 127 dự án. Kế hoạch vốn đã được giao sau điều chỉnh là 549.154 triệu đồng; giá trị giải ngân vốn đến 25-12-2017 là 403.100 triệu đồng, đạt 74% so với kế hoạch vốn giao.

Năm 2018 tổng số dự án được giao là 106 dự án, kế hoạch vốn đã đưọc giao năm 2018 sau điều chỉnh là 551.206 triệu đồng, giá trị giải ngân đến hết 25-12-2018 là 305.969 triệu đồng, đạt 55% kế hoạch.

Tổng số dự án được giao năm 2019 là 104 dự án, giá trị giải ngân vốn đến 25-9-2019 là 537.324 triệu đồng, đạt 33% so với kế hoạch vốn giải ngân xây dựng cơ bản năm 2019.

Nói về nguyên nhân giải ngân năm 2019 chưa cao, ông Nguyễn Ngọc Tường cho rằng, năm 2019 Ban Quản lý dự án chủ yếu thực hiện các dự án mới, do đó phải triển khai thực hiện nhiều thủ tục để có đủ điều kiện khởi công mới các dự án. Ngoài ra, công tác thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy còn gặp nhiều khó khăn khiến quá trình thực hiện công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công dự toán kéo dào.

Năm 2019 đối với các dự án thực hiện, khởi công mới phải thực hiện giải phóng mặt bằng cho 18 dự án, do đó quá trình thực hiện kéo dài, chờ mặt bằng để triển khai công tác khởi công, thi công công trình và giải ngân vốn; một số dự án lớn phải thực hiện công tác điều chỉnh, thiết kế, dự toán dẫn đến việc triển khai dự án chậm tiến độ.

Đến nay tổng số 16 dự án dự án đã dược phê duyệt chủ trương đầu tư, Ban Quản lý dự án đang phối hợp với các đơn vị tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật để trình thẩm định và phê duyệt theo quy định; Tổng số 18 dự án đang trình Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định và báo cáo UBND TP phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong 9 tháng đầu năm đã khởi công được 23 dự án mới. Hiện đang thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu 15 dự án…

Ông Nguyễn Ngọc Tường, PGĐ Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình văn hóa- xã hội TP Hà Nội trả lời báo chí tại Hội nghị chiều 1-10 (ảnh: T.A)

Ông Nguyễn Ngọc Tường, PGĐ Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình văn hóa- xã hội TP Hà Nội trả lời báo chí tại Hội nghị chiều 1-10 (ảnh: T.A)

Hiện đã có 25 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, trong đó có một số dự án y tế như: BV Phụ sản Hà Nội, BV Thanh Nhàn, Cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng trang thiết bị y tế phục vụ Trung tâm kỹ thuật cao-BV Đa khoa Xanh-Pôn, nhà A1-BV Đa khoa Xanh-Pôn; BV đa khoa Sóc Sơn, BV Đa khoa Đông Anh; BV Tâm thần Mỹ Đức.

Lý giải về nguyên nhân các dự án triển khai chậm, ông Nguyễn Ngọc Tường cho biết: Chúng tôi có nhiều dự án, có những dự án chuyển giao từ năm trước sang. Số lượng dự án hoàn thành ít do một dự án từ khi hoàn thành chủ trương đầu tư đến khi lập, phê duyệt, đấu thầu, lựa chọn thi công, đàm phán hợp đồng, chọn nhà thầu… mất rất nhiều thời gian. Chúng tôi phải làm đủ quy trình. Các quy trình là quy định ngặt nghèo chúng tôi không thể bỏ được.

Chúng tôi đã thử thống kê, có những dự án thủ tục hơn 1 năm, chưa kể vướng mắc giải phóng mặt bằng, phân chia thừa kế; rồi những hộ không đồng ý… những yếu tố này khiến mất thời gian.

Bên cạnh đó, một số dự án lớn có thiết kế cơ sở nhưng trong quá trình triển khai thấy cập nhật công nghệ tiên tiến hiện đại chúng tôi đề xuất TP thay đổi vì 1 dự án của TP không thể làm công trình lạc hậu được-mà quy trình điều chỉnh lại lâu… Nguyên nhân khách quan và cũng một phần do chúng tôi muốn công trình chất lượng hơn, đẹp hơn nên tiến độ chậm.

T. An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguyen-nhan-nao-khien-cac-du-an-van-hoa-xa-hoi-cua-ha-noi-cham-164550.html