Nguyên nhân nào khiến sedan cỡ C mất dần sức hút tại thị trường Việt?
Chậm cải tiến và nâng cấp sản phẩm, cùng với sự lên ngôi của những mẫu xe gầm cao đa dụng trong những năm gần đây, khiến doanh số các mẫu sedan cỡ C mất dần sức hút.
Doanh số ngày càng sụt giảm
Tổng số lượng xe bán ra ở phân khúc sedan cỡ C trong quý đầu năm 2024 là 2.302 xe, thấp hơn 37% so với cùng kỳ năm trước. Trong số những dòng xe bán chạy nhất tại thị trường nhiều tháng trở lại đây, những mẫu xe gầm thấp cỡ C gần như biến mất.
Nếu như trước đây, Toyota Altis, Kia K3 hay Mazda 3 vẫn nhận được sự quan tâm nhất định từ người tiêu dùng thì nay doanh số của các mẫu xe này ngày càng sụt giảm.
Tính trong quý đầu năm 2024, tổng doanh số của tất cả các mẫu xe sedan cỡ C chỉ nhỉnh hơn 259 chiếc, con số rất nhỏ so với doanh số của sedan cỡ A (2.043 xe). Trong đó bộ đôi xe Nhật - Hàn là Mazda3 (982 xe) và Kia K3 (552 xe) vẫn chiếm phần lớn thị phần.
Tuy vậy so với cùng kỳ năm 2023, hai mẫu chủ lực này cũng ghi nhận lượng bán ra sụt giảm nghiêm trọng. Nếu như Mazda3 bán được 1.206 xe thì con số của Kia K3 là 879 xe.
Các mẫu xe còn lại trong phân khúc cũng chịu chung số phận, khi Hyundai Elantra là mẫu xe bán chạy thứ 3 trong quý nhưng cũng chỉ giao 378 xe giao đến khách hàng, thấp hơn 46% so với doanh số 704 xe vào cùng kỳ năm trước.
Mazda 3, mẫu sedan cỡ C có doanh số tốt nhất trong phân khúc.
Hai mẫu nhập khẩu là Honda Civic và Toyota Altis thậm chí có doanh số còn khiêm tốn hơn với lần lượt là 268 xe và 122 xe.
Nhìn rộng ra, hiện nay tại thị trường Việt Nam chỉ có các nhà sản xuất đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc là còn góp thêm các sản phẩm trong phân khúc này. Điều này cho thấy sedan hạng C đang dần mất sức hút từ khách hàng, khi giờ đây người tiêu dùng ưa chuộng những xe gầm cao hơn là những chiếc sedan gầm thấp.
Đâu là nguyên nhân?
Trong dải phân khúc xe sedan, chỉ có duy nhất sedan cỡ B là vẫn còn chỗ đứng khi những Honda City, Hyundai Accent, Toyota Vios và phần nào đó là Mitsubishi Attrage là vẫn được người dùng lựa chọn. Còn lại, những mẫu xe gầm thấp cỡ C hay cỡ D ngày càng đánh mất vị thế của mình.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sa sút của những dòng xe gầm thấp phân khúc hạng C này. Theo nhiều chuyên gia nhận định, thị hiếu người tiêu dùng ngày càng hướng tới các mẫu xe gầm cao trong những năm gần đây được xem là nguyên nhân cốt lõi.
Các dòng xe gầm cao từ 5-7 chỗ bao gồm SUV, CUV và MPV đã chứng minh được sự ưu việt của mình bởi các yếu tố như: mang lại trải nghiệm người lái tốt hơn, không gian lái xe rộng rãi, tầm quan sát tốt, phù hợp với nhiều cung đường và nhiều mục đích sử dụng hơn. Ngoài ra, xe gầm cao mang lại tính ổn định, đầy đủ tiện nghi cũng như khả năng an toàn cao.
Quan trọng hơn, giá bán của những chiếc xe gầm cao này ngang ngửa thậm chí còn thấp hơn những mẫu sedan cỡ C hiện nay tại thị trường.
Người tiêu dùng Việt ngày càng ưa chuộng những dòng xe gầm cao như SUV và MPV.
Đơn cử như chiếc Toyota Altis, chiếc sedan cỡ C nhà Toyota, đang có giá bán từ 719 đến 860 triệu đồng. Trong khi một chiếc SUV đô thị cùng cỡ C là Mazda CX-5 có giá bán cũng chỉ từ 749 triệu đồng, hay Hyundai Tucson cũng chỉ nhỉnh hơn đôi chút khi có giá 769 triệu đồng.
Như vậy có thể thấy, với giá bán không chênh lệch quá nhiều cùng với những lợi ích mà các dòng xe gầm cao mang lại, nhiều người tiêu dùng thờ ơ với những chiếc xe gầm thấp cỡ C là điều dễ hiểu.
Một lý do nữa được đưa ra đó chính là sự chậm cải tiến và nâng cấp sản phẩm. Trong vài năm qua, phân khúc sedan gần như không có nhiều đổi mới khi chỉ có một vài cái tên quen thuộc. Trong khi hầu hết phân khúc khác, xe mới liên tục cập bến thị trường, giúp đa dạng hóa lựa chọn cho người dùng.
Chính vì những lý do trên, không chỉ có sedan cỡ C, cỡ D mà các dòng xe gầm thấp nói chung đang dần dần tự biến mất mình, không còn là lựa chọn được ưu tiên của người tiêu dùng.