Nguyên nhân nhiều cửa hàng xăng dầu ở miền Tây đồng loạt đóng cửa

Hàng loạt cửa hàng xăng dầu ở miền Tây đồng loạt đóng cửa vì nguồn hàng khan hiếm, lỗ chi phí, không có nhân viên phục vụ…

Ngày 8/2, nguồn tin của VietNamNet cho biết, Cục quản lý thị trường tỉnh An Giang vừa có báo cáo về tình hình hoạt động xăng dầu trên địa bàn.

Tại An Giang có 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu; 7 tổng đại lý; 9 tổng đại lý ngoài tỉnh và 489 doanh nghiệp.

Một cửa hàng ở An Giang treo bảng hết xăng. Ảnh: T.N

Một cửa hàng ở An Giang treo bảng hết xăng. Ảnh: T.N

Theo Cục quản lý thị trường tỉnh An Giang, thời quan do áp lực về nhu cầu tăng cao trong dịp Tết, nguồn cung không đảm bảo, từ đó phát sinh một số cửa hàng doanh nghiệp đóng cửa, tạm ngưng hoạt động.

Cụ thể, tại huyện Thoại Sơn có tình trạng không còn xăng để bán cho người tiêu dùng, phải ngưng hoạt động – những trường hợp này có báo cáo Sở Công Thương và ngành chức năng địa phương.

Các cửa hàng đưa ra lý do tạm ngưng là do hết xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời – hệ thống PVoil. Cụ thể tại huyện Thoại Sơn có 7 trường hợp ngưng hoạt động, nhưng đến nay đã có một số cửa hàng hoạt động lại.

Tại huyện Phú Tân có 5 trường hợp ngưng hoạt động. Lý do các cửa hàng đưa ra do, lỗ chi phí, không có nhân viên phục vụ, sang nhượng cửa hàng…

Trong đó, một cửa hàng ở xã Phúc An ngưng hoạt động từ ngày 2/2. Phòng Kinh tế - Hạ Tầng huyện đã đề nghị UBND xã lập biên bản, sau đó mời chủ doanh nghiệp đến làm việc. Các huyện Châu Thành, An Phú, Châu Phú có 11 doanh nghiệp ngưng hoạt động, với lý do hết xăng, nguồn cung không được cung cấp kịp thời, nhân viên bị nhiễm Covid-19…

Trước tình trạng nói trên, Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang đã có văn bản gửi các đơn vị đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát, xác minh, làm rõ và xử nghiêm các trường hợp có dấu hiệu đầu cơ, găm hàng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang, tình hình cung ứng xăng dầu đang diễn biến hết sức phức tạp, thời gian đã xuất hiện nhiều cửa hàng đóng cửa, tạm ngưng hoạt động chưa đúng quy định, gây bức xúc cho dư luận, khó khăn cho công tác quản lý.

Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang đề nghị các đơn vị tăng cường kiểm tra, xác minh, làm rõ từng trường hợp đóng cửa không hoạt động, nếu vi phạm xử lý nghiêm.

Thiếu hụt trầm trọng nguồn cung?

Ngày 7/2, Giám đốc Công ty CP thương mại hóa dầu RESSOL Trương Minh Chí, địa chỉ tại phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, có văn bản gửi Sở Công thương TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng về việc đề nghị tạm đóng cửa một số cửa hàng xăng dầu trực thuộc công ty.

Theo công văn của Công ty CP thương mại hóa dầu RESSOL, từ đầu tháng 1 đến nay, tình hình kinh doanh xăng dầu đang gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt trầm trọng nguồn cung.

Công ty RESSOL cho biệt, đơn vị là thương nhân phân phối xăng dầu luôn cố gắng duy trì nguồn cung cho các cửa hàng trực thuộc và khách hàng thuộc hệ thống đại lý của công ty – đặc biệt trong giai đoạn trước, trong và sau tết nguyên đán.

“Hiện nay, nguồn cung xăng dầu liên tục bị đứt đoạn. Công ty chúng tôi dù đã cố gắng mở rộng thị trường để tìm kiếm nguồn xăng dầu mới nhưng việc khan hiếm hàng hóa, thương nhân đầu mối chỉ cung cấp nhỏ giọt hoặc có thời điểm không tiến hành hoạt động mua bán dẫn đến chúng tôi dù chấp nhận thiệt hại nhưng vẫn không đủ hàng hóa để cung cấp cho các cửa hàng và đại lý bán lẻ”, Giám đốc công ty RESSOL Trương Minh Chí trình bày.

Từ đó, Công ty RESSOL đề nghị chấp thuận cho tạm đóng cửa một số cửa hàng trực thuộc sau khi đã bán hết lượng hàng tồn hiện tại và tạm ngưng cung cấp hàng hóa cho các đại lý bán lẻ...

Cà Mau 'cầu cứu' Bộ Công thương trước tình trạng khan hiếm nguồn cung xăng dầu

Ngày 8/2, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau Dương Vũ Nam xác nhận, đơn vị đã có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị hỗ trợ trước tình hình khó khăn về cung ứng xăng dầu trên địa bàn.

Trước đó, Sở Công thương Cà Mau đã có công văn triển khai đến các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu và các đơn vị có liên quan về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn. Tuy nhiên, tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Cà Mau vẫn hết sức khó khăn.

Cụ thể, các thương nhân phân phối xăng dầu không mua được xăng dầu từ các thương nhân đầu mối nên không đảm bảo việc cung cấp kịp thời, đủ lượng xăng dầu cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ và thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu để phục vụ người dân trong tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh.

Theo Công ty TNHH Lý Tấn Tài - một đơn vị phân phối xăng dầu, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn cung xăng dầu.

“Nguồn hàng của doanh nghiệp được mua từ các đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Nhưng thời gian gần đây, do tình hình nguồn cung hạn chế, giá dầu thô thế giới tăng liên tục và nhu cầu tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán tăng cao, các đầu mối nhập khẩu xăng dầu không đủ nguồn cung nên đều từ chối cung cấp hàng”, Công ty Lý Tấn Tài nêu khó khăn.

Cũng theo Công ty Lý Tấn Tài, trước tình hình khó khăn trên, doanh nghiệp không thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong thời gian tới.

Hiện Sở Công Thương Cà Mau kiến nghị Bộ Công Thương có giải pháp ổn định thị trường xăng dầu nội địa.

Hoài Thanh - Chúc Ly

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/nguyen-nhan-nhieu-cua-hang-xang-dau-o-mien-tay-dong-loat-dong-cua-814126.html