Nguyên nhân nhiều dự án đầu tư công tại Nghệ An chậm giải ngân
Mặc dù đã hết quý 1/2024, nhưng tại Nghệ An có 26/68 đơn vị giải ngân dưới 10%, trong đó có 13 đơn vị chưa giải ngân (0%).
Năng lực một số chủ đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu
Ngày 15/5, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế-xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024.
Việc triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024 tại tỉnh Nghệ An khá thuận lợi, với việc đã hoàn thành giao chi tiết 100% vốn cho các dự án ngay từ đầu năm. Vì vậy, kết quả giải ngân 4 tháng đầu năm 2024 đạt khá (21,37%), cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (15,3%) và cao hơn bình quân chung cả nước (17,46%).
Tuy nhiên, một số nguồn vốn giải ngân còn chậm như: Ngân sách Trung ương nguồn vốn trong nước mới đạt 13,01%, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân còn thấp (lần lượt là 6,9% và 11,02%); Có 26/68 đơn vị giải ngân dưới 10%, trong đó có 13 đơn vị chưa giải ngân (0%).
Còn 72/160 dự án chuyển tiếp nguồn đầu tư công tập trung, 356/870 dự án chuyển tiếp nguồn Chương trình MTQG chưa giải ngân (0%). Đối với dự án khởi công mới, có 21/33 dự án nguồn đầu tư công tập trung, có 68/152 dự án nguồn Chương trình MTQG đang ở bước đấu thầu tư vấn và thiết kế bản vẽ thi công.
Có 21/160 dự án với số vốn bố trí 1.280 tỷ đồng đang gặp khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng.
Nguyên nhân được xác định là thời gian triển khai thực hiện kế hoạch năm 2024 chưa nhiều, các chủ đầu tư chủ yếu đang tập trung hoàn tạm ứng khối lượng của kế hoạch năm 2023.
Ngoài ra, năm 2024 là năm đầu triển khai thực hiện Luật Đấu thầu mới, phải chờ các văn bản hướng dẫn của trung ương nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thủ tục đấu thầu các dự án khởi công mới.
Hơn nữa, đặc thù của chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là triển khai trên địa bàn miền núi có địa hình phức tạp, điều kiện giao thông đi lại khó khăn hay xảy ra thiên tai… ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.
Liên quan đến việc này, UBND tỉnh Nghệ An cũng xác định nguyên nhân chủ quan do công tác chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, một số sở ngành chưa thực sự quyết liệt.
Trong đó, năng lực một số chủ đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là các huyện miền núi cáo, công tác chuẩn bị đầu tư còn hạ chế. Cụ thể là việc khảo sát thiết kế không kỹ, không sát dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, mất nhiều thời gian.
Đặc biệt, việc giải phóng mặt bằng, ngoài nguyên nhân khách quan về thể chế cũng có nguyên nhân chủ quan từ sự thiếu chủ động của các chủ đầu tư, thiếu quyết liệt của UBND các chuyện, thành phố, thị xã, dẫn đến tình trạng vướng mặt bằng kéo dài…
Phấn đấu đến quý II không còn đơn vị, dự án chưa giải ngân (0%)
Về nhiệm vụ, giải pháp năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các ngành, các cấp, các đơn vị cần xác định vai trò, vị trí của vốn đầu tư công có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, là vốn mồi thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Giám đốc các sở, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan cần bám sát kế hoạch, cam kết giải ngân đã đăng ký để tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra (bao gồm vốn của năm 2024 và vốn kéo dài của các năm trước).
Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện; hàng tháng có đánh giá thực hiện cam kết để có giải pháp điều chỉnh kịp thời, bảo đảm hoàn thành mục tiêu giải ngân đạt tối thiểu 95% kế hoạch giao.
Lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án theo từng tháng, từng quý; bám sát, nắm chắc tình hình triển khai từng dự án, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Đối với các dự án không có vướng mắc, các đơn vị tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn kịp thời.
Đối với các dự án đang còn vướng mắc hoặc đang triển khai hồ sơ thủ tục, các đơn vị chủ động xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc kịp thời, có phân công, giao trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng bộ phận, từng cá nhân, lấy hiệu quả xử lý công việc để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với các dự án khởi công mới, cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác đấu thầu (cả đấu thầu tư vấn và đấu thầu xây lắp) để lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án. Đối với các dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án trọng điểm, UBND các huyện, thành phố, thị xã cần tập trung xử lý dứt điểm, không để kéo dài.
Các tổ công tác cấp phòng tiếp tục hướng dẫn các huyện xử lý vướng mắc theo phương châm cầm tay, chỉ việc. Các địa phương quan tâm các dự án do cấp xã làm chủ đầu tư, đảm bảo chất lượng, hiệu quả các công trình.
Phấn đấu đến tháng 6/2024 không còn đơn vị, dự án chưa giải ngân (0%). Đến tháng 9/2024 tất cả các dự án phải xong hồ sơ thủ tục, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để thi công. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh tiến độ phải gắn với đảm bảo chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.