Nguyên nhân tụt hậu của thể thao Việt Nam ở Olympic
Olympic Paris là thế vận hội thứ hai liên tiếp Đoàn Thể thao Việt Nam không giành được huy chương nào.
Lần gần nhất thể thao Việt Nam trải qua hai kỳ trắng tay liền đã diễn ra từ thế kỷ trước (Olympic 1996 và 1992). Kể từ huy chương bạc của Trần Hiếu Ngân ở Sydney 2000, thể thao Việt Nam luôn cố gắng có ít nhất một huy chương tại mỗi kỳ Thế vận hội (không thành ở năm 2004 và 2020). Sau thành công rực rỡ của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Rio 2016, chúng ta thậm chí từng nghĩ về những điều lớn lao hơn.
Nhưng không có sự tiến bộ nào cả. Hai kỳ Olympic không huy chương đã cho thấy vị thế thực của nền thể thao, đồng thời đặt ra những câu hỏi về định hướng và đầu tư trong thời gian tới.
Kết quả không bất ngờ
Những người theo dõi thể thao Việt Nam lâu năm thực ra không hề bất ngờ với thành tích tại Olympic Paris.
Đoàn Thể thao Việt Nam đến Pháp với 16 VĐV, dự thi 11 môn. 16 vốn đã là con số vượt quá mục tiêu từ 13-15 giành vé Olympic mà ngành thể thao đặt ra. Tuy nhiên, đây vẫn là con số khiêm tốn.
Trong 4 kỳ gần đây, Paris 2024 chứng kiến ít VĐV Việt Nam hơn cả. Chúng ta có 18 người dự Olympic 2012 và 2020, 23 người dự Olympic Rio 2016. Số lượng VĐV phản ánh thực lực của đoàn thể thao đồng thời trực tiếp cho thấy cơ hội giành huy chương. Không hề tình cờ khi năm 2016 chứng kiến kỷ lục về số VĐV Việt Nam đi Olympic, cũng là kỳ Thế vận hội thành công nhất lịch sử thể thao Việt Nam với hai huy chương (một vàng, một bạc) của Hoàng Xuân Vinh.
Nhìn sang các nước Đông Nam Á, điều tương tự cũng diễn ra.
Đoàn Malaysia mang 26 cái tên tới Olympic, giành 2 huy chương. Indonesia mang 29 người, giành 3 huy chương. Thái Lan sở hữu lực lượng hùng hậu hơn cả khi 51 VĐV của họ mang về tới 6 huy chương, trong đó có một huy chương vàng.
Quy mô đoàn Việt Nam ở Paris kém khá xa cả Singapore (23 VĐV) hay Philippines (22 VĐV). Thành tích dưới kỳ vọng của đoàn Việt Nam vì thế không bất ngờ.
Số lượng chưa đủ, chất lượng VĐV Việt Nam cũng không tốt. Xạ thủ Trịnh Thu Vinh là tên tuổi duy nhất của đoàn Việt Nam đủ thực lực cạnh tranh huy chương khi về thứ 4 nội dung 10 m súng ngắn hơi, thứ 7 25 m súng ngắn thể thao. Trịnh Văn Vinh cũng được kỳ vọng nhưng còn không hoàn thành bài thi. Vài điểm sáng khác như Lê Đức Phát, Nguyễn Thùy Linh hay Hà Thị Linh đều chỉ có một chiến thắng.
Số lượng ít, chất lượng không đủ là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới thành tích của thể thao Việt Nam ở Olympic Paris 2024.
Olympic hay SEA Games?
Nghịch lý là trong khi chật vật tại sân chơi Olympic, thể thao Việt Nam lại đang thống trị đấu trường SEA Games.
Đoàn Việt Nam đã đứng đầu hai kỳ đại hội khu vực gần nhất, trong đấy chiến thắng ở Campuchia hồi năm ngoái là ấn tượng hơn cả. Không có lợi thế sân nhà, những VĐV Việt Nam vẫn giành tới 136 HCV, bỏ xa những vị trí phía sau như Thái Lan (108 HCV), Indonesia (87 HCV) và hơn gấp đôi Philippines (58 HCV).
Một năm sau, cả ba quốc gia này đều có HCV Olympic. Việt Nam thì không.
Chiến thắng ở SEA Games vì thế phản ánh sâu sắc vấn đề của thể thao Việt Nam. Chúng ta vẫn không ngừng nói về việc chuyển hướng đầu tư cho các môn thể thao Olympic. Nhiều nỗ lực đã được thực hiện, thể thao Việt Nam cũng đã nâng đáng kể tỷ lệ huy chương ở nhóm môn Olympic tại SEA Games. Nhưng các nỗ lực đó dường như là chưa đủ. Ưu tiên thực sự của thể thao Việt Nam vẫn là dấu hỏi khi phải lựa chọn giữa Olympic và SEA Games.
Vấn đề ấy đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, phản ánh qua sự đầu tư cho những VĐV trọng điểm mà Nguyễn Thị Ánh Viên hay Nguyễn Huy Hoàng là điển hình. Họ đều là những tài năng đặc biệt của nền thể thao, thể hiện ấn tượng khi còn trẻ, giành huy chương Olympic trẻ và được kỳ vọng sẽ cạnh tranh thực thụ tại Olympic. Nhưng việc phải dàn sức cho sân chơi khu vực, cụ thể là SEA Games, đều khiến Ánh Viên và Huy Hoàng không phát huy được thực lực.
Ánh Viên đã giải nghệ với tư cách VĐV Việt Nam giành nhiều HCV nhất các kỳ SEA Games. Còn Huy Hoàng dự Thế vận hội lần này nhưng không vào được chung kết. Cả hai đều không cải thiện được thành tích tại những nội dung thế mạnh mà họ từng gây ấn tượng lúc trẻ, để phí tiềm năng hiếm có của mình.
Các nhà chuyên môn tin rằng muốn có thành công, VĐV phải được đầu tư tập trung và chuyên sâu vào chỉ một tới hai nội dung thế mạnh. Bởi đến ngay cả Michael Phelps cũng không thể tỏa sáng ở mọi nội dung. Lấy Ánh Viên làm ví dụ, cô giành 8 HCV các nội dung khác nhau tại SEA Games 2015. Ngay sau đó, cô quay lại, tập trung đầu tư cho những nội dung thế mạnh ở Olympic diễn ra vào mùa hè 2016. Từng ấy thời gian khó là đủ cho những VĐV đỉnh cao trong cuộc cạnh tranh tầm thế giới.
Bài toán đầu tư
Bên cạnh yếu tố định hướng, tài chính cũng là bài toán lớn của thể thao Việt Nam. Tháng 7/2023, mô hình Tổng cục Thể dục Thể thao được chuyển đổi bằng cấp Cục Thể dục Thể thao. Việc mô hình quản lý bị giảm xuống một bậc chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ tới đầu tư cho thể thao trong cả ngắn lẫn dài hạn.
Trước đó, nguồn lực dành cho thể thao Việt Nam vốn đã không dồi dào. Tình trạng thiếu hụt về kinh phí, dẫn tới thiếu hụt về cơ sở hạ tầng, điều kiện tập luyện, thi đấu, dinh dưỡng, chăm sóc VĐV vẫn là câu chuyện cũ của thể thao cả ở trung ương và địa phương, kể cả với nhóm VĐV trọng điểm.
Mỗi năm, ngành thể thao đều thông qua một danh sách VĐV trọng điểm, đầu tư cho những đấu trường quan trọng. Năm 2024, danh sách 65 VĐV trọng điểm hướng tới Olympic được công bố hồi tháng 2, chỉ cách Olympic chưa đầy nửa năm. Chúng ta trân trọng từng nỗ lực và đầu tư của ngành thể thao. Nhưng giới chuyên môn đều hiểu rằng muốn tăng cường dinh dưỡng, thể chất, cải thiện thành tích, cần thời gian nhiều năm chứ không phải chỉ đầu tư ngắn hạn, khi giải đấu đã cận kề.
Thực tế chứng minh nhiều VĐV đỉnh cao của thể thao Việt Nam đã gặp khó khăn trên hành trình vươn ra thế giới do vấn đề kinh phí. Câu chuyện Nguyễn Tiến Minh trước kia hay Nguyễn Thùy Linh ngày nay du đấu một mình vẫn rất sinh động.
Bên cạnh nguồn lực nhà nước, thể thao vẫn đang nỗ lực xã hội hóa. Nhưng nỗ lực ấy vẫn chưa giúp VĐV Việt Nam có đủ nguồn lực trong so sánh với thế giới hay khu vực.
Thế mạnh của thể thao việt Nam?
Nguồn lực có hạn, đầu tư dàn trải, thể thao Việt Nam càng khó vươn tới đỉnh cao khi chúng ta dường như chưa chọn được thế mạnh của mình khi bước ra thế giới.
Đây là điều các nước Đông Nam Á đều đã làm được từ lâu. 11 trên 15 huy chương của Malaysia ở Olympic tới từ các nội dung cầu lông. Singapore nổi tiếng bởi Joseph Schooling nhưng thế mạnh của họ là bóng bàn chiếm 50% số huy chương. Philippines tương tự với hai HCV của Carlos Yulo nhưng “mỏ vàng” thuộc về boxing với 10/18 huy chương qua các kỳ Thế vận hội.
Thái Lan, Indonesia cũng không khác. Hơn 80% huy chương của Thái Lan tới từ boxing, cử tạ. Indonesia còn đầu tư chuyên sâu hơn khi 95% huy chương của họ tới từ cử tạ và cầu lông.
Nhìn sang Việt Nam, chúng ta dường như chưa có thế mạnh nổi bật nào kể cả ở môn bắn súng, nơi Hoàng Xuân Vinh đã giành hai huy chương Olympic và cũng là môn thi đấu tốt nhất với Trịnh Thu Vinh tại Paris 2024. Trong 5 huy chương Việt Nam đã có, hai chiếc tới từ cử tạ, một chiếc khác là của taekwondo. Trước đó, Việt Nam cũng từng đầu tư rất lớn cho bơi lội (Ánh Viên, Huy Hoàng).
Có cảm giác, chúng ta chưa thực sự mạnh tay với bất kỳ môn thể thao nào từ gốc. Thể thao Việt Nam dường như vẫn chờ những ngôi sao mới xuất hiện rồi mới đầu tư cụ thể cho cá nhân đó. Đấy không thể là cách làm đường dài của một nền thể thao muốn cạnh tranh ở Olympic.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nguyen-nhan-tut-hau-cua-the-thao-viet-nam-o-olympic-post1480440.html