Nguyên Phó Bí thư huyện tiên phong đưa người chết vào quan tài ở Mường Lát

Hủ tục treo người chết trong nhà 7 ngày của người đồng bào dân tộc Mông (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) đã dần được xóa bỏ bởi đề án 'đưa người chết vào quan tài', mà nguyên Phó Bí thư Huyện ủy là người tiên phong trong cuộc cách mạng này.

XEM CLIP:

Mường Lát là huyện xa xôi nhất của tỉnh Thanh Hóa. Từ trung tâm thành phố ngược lên phía Tây chừng hơn 250km, là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc, trong đó dân tộc Mông chiếm hơn 40%.

Trước đây, đồng dân tộc Mông có một hủ tục là khi người chết, thi hài người quá cố được trói lại và treo trong nhà 7 ngày để cúng, làm tang, sau đó mới đưa đi chôn.

Nhà có người chết, mỗi ngày gia đình phải mổ một con trâu mời hàng xóm. Nhà có điều kiện thì không sao, những nhà không có trâu phải đi vay mượn để mua về làm lễ, mời làng xong, khiến gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, cuộc sống của người dân nơi đây đã nghèo càng thêm khó khăn vì hủ tục.

Ông Pó (phải) đang vận động người dân về việc đưa người chết vào quan tài. Ảnh: CT

Ông Pó (phải) đang vận động người dân về việc đưa người chết vào quan tài. Ảnh: CT

Ông Lâu Minh Phó, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho biết, ông là người tiên phong trong việc vận động người dân khi gia đình có người chết phải đưa vào quan tài. Cuộc vận động đó với ông như một cuộc cách mạng.

Ông Pó kể, năm 1993 Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”. Khi đó, ông Pó đang là Phó Ban Tổ chức Huyện ủy, cũng là thời điểm ông nội của ông là Lâu Chứ Dơ qua đời. Với quyết tâm đưa hủ tục này ra khỏi đời sống đồng bào mình, ông đã cùng một số anh em trong dòng họ kiên quyết đưa người chết vào quan tài.

“Lúc này tôi chỉ suy nghĩ, muốn vận động được các gia đình khác có người chết đưa vào quan tài, đầu tiên mình phải vận động được chính người thân trong gia đình mình, mà cụ thể là đám ma của ông nội. Khi tôi quyết tâm đưa ông nội vào quan tài, tôi đã bị cả dòng họ chỉ trích. Bố tôi còn nói, từ bao đời nay người Mông không làm thế, nếu đưa ông vào quan tài thì sẽ bị tổ tiên trách phạt. Sau khi thấy tôi cương quyết, mọi người cũng miễn cưỡng chấp nhận”, ông Pó nhớ lại.

Hủ tục treo người chết trong nhà 7 ngày và mổ trâu bò mời hàng xóm. Ảnh: CT

Hủ tục treo người chết trong nhà 7 ngày và mổ trâu bò mời hàng xóm. Ảnh: CT

Đám ma của gia đình ông Pó cũng là đám tang đầu tiên của người Mông đưa người chết vào quan tài. Khi đó, họ cho rằng ông Pó là người bất hiếu, vì làm như vậy chẳng khác nào nhốt ông nội mình vào quan tài kín bưng.

Họ còn cho rằng, một hai tháng nữa hồn ma của ông nội sẽ về bắt ông Pó đi vì, ông đã làm trái với tục lệ của dân bản.

Theo ông Pó, trước đây, hủ tục treo người chết 7 ngày trong nhà là một thói quen của người dân chứ không phải phong tục, tập quán của người Mông.

“Để xác chết 7 ngày, thi thể đã bốc mùi thối. Còn khi đưa vào quan tài, chỉ 3 ngày là đi chôn nên rất sạch sẽ”, ông Pó nói.

Dù đã nghỉ hưu nhưng hàng ngày ông Pó vẫn đi vào các bản, làng để vận động người dân. Ảnh: CT

Dù đã nghỉ hưu nhưng hàng ngày ông Pó vẫn đi vào các bản, làng để vận động người dân. Ảnh: CT

Khi làm Phó Bí thư Huyện ủy, ông nhận thức cần phải thay đổi hủ tục lạc hậu này nên đã cùng cấp ủy chính quyền lặn lội vào những bản xa xôi nhất của huyện Mường Lát như đỉnh Pha Đén, Sài Khao để tiếp tục tuyên truyền vận động.

Đến nay, dù đã về hưu nhưng vì mong muốn bà con dân bản thay đổi nên ông vẫn dành toàn bộ thời gian, tâm huyết đi tới từng bản làng, gõ cửa từng nhà để tiếp tục tuyên truyền cho bà con thực hiện nếp sống mới trong văn hóa tang ma. Đến nay, đề án đã làm thay đổi nhận thức của đồng bào Mông ở huyện Mường Lát.

Lê Dương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguyen-pho-bi-thu-huyen-tien-phong-dua-nguoi-chet-vao-quan-tai-o-muong-lat-2377452.html