Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái: 'Tôi học được ở bác Trọng một nhà văn hóa, một nhân cách lớn'

'Mấy ngày qua khi nghe tin bác Trọng mất, tôi thấy hụt hẫng và buồn vô cùng. Mỗi khi tỉnh dậy, hình ảnh và những kỷ niệm 10 năm làm việc với bác lại ùa về khiến tôi không cầm được nước mắt'!

Đó là cảm xúc của đồng chí Nguyễn Công Soái, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà ông vẫn gọi với cái tên thân thương là "bác Trọng". Những ngày qua, ông thường kể cho các con, cháu mình nghe về những kỷ niệm khi làm việc với bác Trọng.

“Chúng hỏi tôi, ông ơi sao có một nhà lãnh đạo tuyệt vời đến vậy? Tôi cảm thấy thực sự may mắn và hạnh phúc khi được làm việc với bác Trọng thời gian dài như vậy”, ông nghẹn ngào kể.

Xây dựng Đảng là xây dựng con người

Năm 1996 khi làm Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Trì, lần đầu tiên đồng chí Nguyễn Công Soái gặp đồng chí Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội. Một trong những kỷ niệm mà ông còn nhớ như in, đó là lần đồng chí Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác của Thành ủy về kiểm tra Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về công tác xây dựng Đảng của huyện Thanh Trì.

Hôm đó, đồng chí Nguyễn Công Soái được phân công trình bày báo cáo Chương trình 03-CTr/HU của Huyện ủy Thanh Trì khi triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy. Sau khi báo cáo xong, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đặt nhiều câu hỏi và ông đều trả lời hết. Lúc xong việc, đồng chí Nguyễn Phú Trọng hỏi thêm: "Ai viết chương trình này? Ông trả lời: Em viết. Sau đó, bác Trọng gật đầu cười và bày tỏ sự hài lòng", đồng chí Nguyễn Công Soái nhớ lại.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng (đồng chí Nguyễn Công Soái đứng bên phải trong ảnh) xem sản phẩm thủ công tại huyện Thanh Trì, tháng 9-2000. Ảnh: HNM

Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng (đồng chí Nguyễn Công Soái đứng bên phải trong ảnh) xem sản phẩm thủ công tại huyện Thanh Trì, tháng 9-2000. Ảnh: HNM

Đồng chí Nguyễn Công Soái chia sẻ: “Khi viết Chương trình 03-CTr/HU, tôi dựa vào nội dung nghị quyết của Thành ủy và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Trì. Điểm mới của chương trình là phải nâng cao trình độ, kiến thức cho cán bộ cơ sở, nhất là ở các xã trên địa bàn. Khi đó, cả huyện có 24 xã và 1 thị trấn, song chỉ có duy nhất 1 đồng chí cán bộ cấp xã có trình độ đại học. Vì thế, tôi đặt mục tiêu là phải nâng cao kiến thức, trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong nhiệm kỳ đó”.

Từ những kết quả này, sau này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội và đồng chí Nguyễn Công Soái làm Bí thư Huyện ủy Thanh Trì, công tác đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức của huyện được nâng lên một bước rõ rệt.

Trong những cuộc làm việc sau đó, ông mới hiểu vì sao "bác Trọng" lại đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng, công tác xây dựng Đảng là xây dựng con người. Vì thế, trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều quyết sách, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời liên quan đến công tác xây dựng Đảng, trong đó có nội dung đại hội Đảng các cấp của thành phố. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo việc xây dựng chương trình công tác phải được thực hiện sau đại hội, không kéo dài thời gian, để chính quyền xây dựng các đề án, kế hoạch triển khai đưa nghị quyết vào cuộc sống kịp thời.

Thời điểm đồng chí Nguyễn Công Soái làm Bí thư Huyện ủy, Thanh Trì là một trong những "điểm nóng" về giải phóng mặt bằng của thành phố liên quan đến dự án hồ điều hòa Yên Sở khiến Trung ương phải thành lập đoàn công tác về kiểm tra. Người dân không đồng ý với chính sách đền bù nên kéo cả trăm người lên Thành ủy, rồi trụ sở Báo Hànôịmới để khiếu kiện.

Trên cương vị Bí thư Thành ủy, đồng chí Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Thường trực Huyện ủy báo cáo tình hình. “Bác luôn bình tĩnh lắng nghe, không bao giờ nổi cáu và chỉ dặn chúng tôi một điều: Các đồng chí phải làm việc thận trọng và thấy mọi việc ổn thì hãy tiến hành cưỡng chế. Nghe lời bác Trọng khuyên, sau đó chúng tôi thực hiện thành công”, đồng chí Nguyễn Công Soái nhớ lại.

Đến tháng 8-2004, đồng chí Nguyễn Công Soái được Thành ủy điều động lên làm Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, trực tiếp giúp việc cho Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng. Ngay ngày đầu nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Nguyễn Phú Trọng căn dặn: “Chú dành thời gian 3 tháng để nghiên cứu kỹ các văn bản, quy định của Thành ủy và 3 tháng sau thấy gì bất cập, vướng mắc ở Ban Tổ chức Thành ủy thì hãy điều chỉnh. Đừng có tân quan, tân chính sách”.

Đồng chí Nguyễn Công Soái chia sẻ, điều mà ông học được ở đồng chí Nguyễn Phú Trọng là tinh thần làm việc khách quan, công tâm và không đưa người ở cơ quan cũ đi theo mình lên cơ quan mới như nhiều cán bộ hiện nay hay làm việc theo ê kíp. Ngược lại, phải sử dụng các cán bộ, công chức hiện có để phân công đúng người, đúng việc để họ phát huy được sở trường của mình.

Một nhà lãnh đạo giản dị, gần dân

Trong suốt thời gian làm việc ở huyện Thanh Trì cũng như ở Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn nhắc nhở ông về cách ứng xử với mọi người khi làm việc.

Đồng chí Nguyễn Công Soái chia sẻ thêm: "Bác luôn nhắc nhở tôi, anh em mình dù sao cũng mang tiếng là người Hà Nội: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Vì thế, làm bất cứ việc gì cũng phải ứng xử sao cho văn hóa, văn minh".

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thời gian làm việc ở Ban Tổ chức Thành ủy, nhiều lúc đồng chí Nguyễn Công Soái gặp khó khăn trong công việc, thậm chí cảm thấy bế tắc khi giải quyết một vấn đề gì đó. Đồng chí vào phòng gặp Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng trong tâm trạng lo lắng. “Bác ân cần bảo tôi, chú cứ ngồi xuống đây uống nước. Sau đó, bác bẻ quả na làm đôi, chia cho tôi một nửa rồi hỏi han công việc. Với cử chỉ ân cần và quan tâm, không bao giờ nổi cáu của bác với cấp dưới, mọi lo toan trong tôi tan biến”, đồng chí Nguyễn Công Soái xúc động chia sẻ.

Một chi tiết nữa mà đến nay đồng chí Nguyễn Công Soái vẫn nhớ mãi, thời điểm đó, nhà ăn của Thành ủy chật chội, nên Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng bảo ông để các cán bộ, công chức, nhân viên ăn trước, khoảng 12h kém 15 phút thì đồng chí xuống nhà ăn sau.

“Khi đó có 4 người gồm: Tôi, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Tài chính quản trị và bác Trọng, tất cả mọi người ăn suất cơm như thế nào thì chúng tôi ăn như vậy, chỉ ưu ái chút là nồi cơm nóng hơn. Khi ăn xong, bác Trọng thường đọc thơ và kể những câu chuyện vui để mọi người giảm áp lực công việc. Chỉ những việc nhỏ như vậy của bác, nhưng chúng tôi luôn cảm thấy rất tình người và sự giản dị toát lên qua từng cử chỉ, hành động”, đồng chí Nguyễn Công Soái kể.

Không chỉ khoa học, chỉn chu, tỉ mỉ trong công việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Phú Trọng luôn gần dân, sát dân để hiểu dân. Đồng chí Nguyễn Công Soái cho biết, trong những năm làm Bí thư Thành ủy, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đi thăm gần hết các xã của Hà Nội và dành sự quan tâm đặc biệt cho những xã gặp khó khăn của các huyện. Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng các cán bộ, nhân viên của cơ quan Thành ủy hễ ai có việc hiếu, việc hỷ, Bí thư Thành ủy đều đến thăm và động viên.

Với 10 năm làm việc, trong đó 2 năm trực tiếp là cấp dưới làm việc ở Thành ủy Hà Nội, đồng chí Nguyễn Công Soái đặc biệt học được ở đồng chí Nguyễn Phú Trọng phong cách giản dị. Trong phòng làm việc của "bác Trọng" được bày biện rất đơn giản, chỉ hơn 10 mét vuông với một bộ bàn ghế và giá sách phía sau. Trên giá sách, Bí thư Thành ủy để những tác phẩm của Bác Hồ, Karl Marx, Lênin và những cuốn sổ tay ghi chép từng lĩnh vực để khi cần mở ra. Vào những dịp Tết, đến thăm nhà "bác Trọng" cũng chỉ thấy bày duy nhất một cây đào, một cây quất nhỏ và không phô trương hay bày biện gì để tránh lãng phí.

Dù trên cương vị nào, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn sống giản dị, gần dân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dù trên cương vị nào, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn sống giản dị, gần dân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Từ khi nghỉ hưu gần chục năm đến nay và sau đó bác Trọng lên Trung ương làm việc, tôi ít có dịp gặp lại. Nghe tin bác mất, tôi thực sự áy náy vì thời gian qua không được gặp bác lần cuối. Bác mãi là một nhà văn hóa lớn, một người thầy vĩ đại, một người anh thân thương không chỉ đối với tôi mà trong lòng nhân dân. Cả cuộc đời này tôi sẽ luôn nhớ những gì thuộc về bác”, đồng chí Nguyễn Công Soái ngậm ngùi chia sẻ.

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nguyen-pho-bi-thu-thuong-truc-thanh-uy-ha-noi-nguyen-cong-soai-toi-hoc-duoc-o-bac-trong-mot-nha-van-hoa-mot-nhan-cach-lon-672730.html