Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thành: Một đời tận hiến
Dù đã quá hiểu quy luật sinh tử nhưng khi tin ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai qua đời ở tuổi 98, nhiều người không khỏi tiếc thương.
Đi gần trọn 1 thế kỷ đầy biến động của đất nước, ông đã tận hiến cả đời mình cho cách mạng, cho sự phát triển chung của tỉnh. Trong tâm trí người ở lại, hình bóng vị cán bộ lão thành cách mạng sẽ mãi được khắc nhớ bằng chính sự nhiệt thành, sâu sát thực tiễn và trí tuệ mẫn tiệp.
“Lớn lên nhờ cách mạng”
Trong bài viết “Ký ức một chặng đường” (tập hồi ký “Lớn lên nhờ cách mạng” do Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Gia Lai-Kon Tum soạn thảo và ấn hành tháng 9-1986), ông Ngô Thành đã hồi tưởng sống động về những ngày đầu tham gia cách mạng.
Ông sinh năm 1927 tại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình nông dân nghèo. Mẹ ông là cơ sở cách mạng từ năm 1941; anh trai là đảng viên từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Nhà ông là nơi in báo Cờ độc lập và nuôi giấu cán bộ.
“Dù tuổi còn nhỏ nhưng tôi được các đồng chí ấy tin, đưa vào tổ chức thiếu niên cứu quốc mà tôi là tổ trưởng. Tôi được giao đi mua báo Đông Pháp để mang về cho các đồng chí theo dõi tình hình. Ngày ngày tôi còn được làm một việc mà tuổi thiếu niên cảm thấy rất trọng đại nữa, ấy là đi chợ mua rong biển và nấu thành rau xoa để làm phương tiện in báo cho các anh. Báo in vào ban đêm. Tôi vừa gác vừa làm người phục vụ. Cứ tối là mang những đồ đạc dụng cụ in từ ngoài hầm vào, mờ sáng lại mang đi cất giấu. Công việc đơn giản nhưng tôi làm hào hứng say mê, cảm thấy những trang báo bí mật kia có sự đóng góp nhỏ bé của mình”-ông viết.
Năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông tham gia cao trào khởi nghĩa giành chính quyền. Khi chính quyền cách mạng thành lập, ông được cử làm Thư ký Ủy ban xã kiêm Bí thư Thanh niên. Chính trong những ngày sôi sục ấy, ông được kết nạp vào Đảng khi mới 18 tuổi. Sang năm 1946, người thanh niên yêu nước được bầu làm Phó Bí thư Chi bộ xã, cuối năm 1947 thì vào bộ đội. Sau những thử thách bước đầu, ông được chọn đi học văn hóa ở Trường Trung học bình dân rồi Trường Võ bị Trần Quốc Toản-Quân khu 5.
Ông Ngô Thành kể lại: “Cứ nghĩ rằng rồi đời mình sẽ gắn liền với cây súng, sẽ được thử thách trong những trận đánh hào hùng. Nhưng học xong, ra trường chẳng được bao lâu, cuộc đời tôi được rẽ sang một hướng khác”. Đó là khi ông được điều về Trung đoàn 120 nhận công tác ở Đội Vũ trang tuyên truyền 118, địa bàn hoạt động là Tây Nguyên để làm công tác địch hậu, vận động đồng bào các dân tộc đoàn kết để đánh Tây.
“Đây là một nhiệm vụ quan trọng, một vinh dự lớn, nhưng vô cùng nặng nhọc và gian khổ. Ta phải giành dân với địch. Ta phải thắp lên ngọn lửa căm thù và yêu nước, đưa ánh sáng cách mạng vào tận các buôn làng, đập tan chính sách kỳ thị chủng tộc mà kẻ thù đã gieo rắc…”-ông hồi tưởng.
Ấy là cơ duyên khiến một người con xứ Quảng gắn bó trọn đời mình với vùng đất của nắng và gió. Trao đổi với P.V, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh nhận định: “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Ngô Thành là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh học tập, noi theo. Từ những năm tháng hoạt động trong khu căn cứ cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang) đến khi giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng tỉnh nhà.
Sau khi nghỉ hưu, đồng chí vẫn tiếp tục có những đóng góp rất quan trọng như: góp ý xây dựng các chủ trương, nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tỉnh trong sạch vững mạnh; tích cực tham gia vào quá trình xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang); tham gia vào quá trình biên soạn, chỉnh lý sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai và lịch sử các ban ngành, đoàn thể của tỉnh”.
Bà Rơ Chăm H’Yéo-Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh cũng chia sẻ: “Đồng chí Ngô Thành là một trí thức từ đồng bằng lên để truyền tinh thần cách mạng của Đảng, Nhà nước. Bản thân đồng chí Ngô Thành rất trung kiên, có tinh thần đoàn kết dân tộc, luôn muốn xây dựng chính sách đại đoàn kết, bình đẳng dân tộc, cùng nhau làm giàu, cùng nhau phát triển”.
“Pho sử sống” của Gia Lai
Ngày 19-5-2018, Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong đã được khánh thành trong niềm hân hoan chung của tỉnh, của vùng đất một thời chở che cho cách mạng và của chính các cán bộ từng sống, chiến đấu tại đây, trong đó có ông Ngô Thành.
Nhưng để tái phục dựng khu di tích không phải là chuyện dễ dàng. Ông Đoàn Minh Phụng-nguyên Tổng Biên tập Báo Gia Lai-nhớ lại: Là một đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ông Ngô Thành cũng như những người trước đó từng ở căn cứ Krong luôn mong mỏi tái hiện lại khu căn cứ thời chống Mỹ của các cơ quan đầu não của tỉnh, biến nơi này thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng.
Một lần, ông Phụng (khi đó là cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy) đã có dịp tháp tùng Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Sỹ và Anh hùng Núp trở lại thăm vùng căn cứ vào năm 1988. Khi đó, ý tưởng này đã nhen nhóm. Nhưng thời điểm này, tỉnh còn nhiều khó khăn nên việc lo cuộc sống trước mắt là ưu tiên hàng đầu, khi có điều kiện sẽ thực hiện tâm niệm với Krong.
Năm 2002, ông Phụng lần thứ hai về thăm lại Krong, đi cùng với ông Ngô Thành. Biết Thường trực Tỉnh ủy có chủ trương xây dựng Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, vị cán bộ lão thành cách mạng rất phấn khởi, tích cực tham gia các chuyến khảo sát để xác định ranh giới, vị trí các cơ quan của Tỉnh ủy.
“Ngay trong cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy nhưng nhiều nhân viên ngày đó cũng không thể tường tận vị trí từng lán trước kia. Vì vậy, chú Ngô Thành là người phác thảo sơ đồ đầu tiên. Lúc đó, chú đã 75 tuổi nhưng lúc nào cũng xăm xăm đi trước, cô Mỹ-vợ chú theo sau. Những chỗ không có đường mòn mà đi, chú nhanh nhẹn cầm chiếc rựa vừa đi vừa phát dọn cây”-ông Phụng vẫn còn kính phục khi nhắc đến những chi tiết ấy. Ông khẳng định: Đó là việc cần làm cho mai sau trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với thế hệ đã từ đó trưởng thành, cống hiến cho tỉnh nhà.
Với nhiệt huyết cách mạng và trí tuệ mẫn tiệp, ông Ngô Thành còn được xem là “pho sử sống” nên thường xuyên được các nhà sử học, nhà báo đặt lịch hẹn làm việc. Với ai ông cũng tiếp chuyện hết sức cởi mở, nhã nhặn.
Tiến sĩ Sử học Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh-bồi hồi kể lại: “Có lẽ chú Ngô Thành là người cuối cùng ở Gia Lai gắn bó với lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam từ thời chống Pháp đến chống Mỹ. Không thể nhớ đã có bao nhiêu lần tôi được làm việc với chú. Ông thân thiết đến nỗi cần là mình chạy thẳng đến nhà và chú chưa bao giờ từ chối nếu mình nói, chú ơi hôm nay con cần gặp chú.
Tất cả những công trình mà tôi viết về Gia Lai, về lịch sử địa phương trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp thì có 2 người đầu tiên kiểm duyệt trước khi tác phẩm ra đời, đó là chú Ngô Thành và chú Đỗ Hằng (nguyên Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Gia Lai-Kon Tum). Đây là 2 cán bộ tiền bối đặc biệt yêu quý, trân trọng lịch sử địa phương. Họ là người dìu dắt tôi rất nhiều trên con đường làm sử, truyền nhiệt huyết và tinh thần cách mạng từ kháng chiến cho đến thời kỳ dựng xây”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân cho biết thêm: Những năm gần đây, ông Ngô Thành tuy tuổi đã cao, sức yếu, phải đặt máy trợ tim… nhưng mỗi lần được nhờ góp ý bản thảo các công trình lịch sử thì bao giờ ông cũng rất nhiệt tình, tận tâm. Sau một tai nạn, dù phải tập viết bằng tay trái nhưng chỗ nào được, chưa được, ông đều ghi nhận xét rất kỹ, có khi dài đến mười mấy trang.
“Tôi nghĩ chú ra đi là một mất mát lớn đối với Gia Lai. Đây là người dành cả thanh xuân, dành cả cuộc đời cho cách mạng. Tôi kính nể trí nhớ của chú. Chú ghi chép rất nhiều và cũng là người trao cho tôi rất nhiều tư liệu”-nói rồi Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân đưa cho chúng tôi xem 4 tập giấy viết tay của ông Ngô Thành từ năm 1971 đến 1974 ghi lại các nhiệm vụ công tác, báo cáo, sơ kết… Nhiều trang đã bị mối xông, nhưng những thông tin hết sức chi tiết bên trong là vô cùng quý giá đối với những người làm sử.
Còn mãi tinh thần lãng mạn cách mạng
Với thói quen luôn ghi chép, trong hàng chục năm qua, ông Ngô Thành đã ra mắt nhiều tập sách riêng, chung ở cả 2 mảng thơ và hồi ký như: Lớn lên nhờ cách mạng, Sống trong lòng dân Tây Nguyên, Hương rừng, Ngược dòng ký ức, Cuộc đời và năm tháng, Gia Lai-70 năm ân tình và gắn bó…
Ông từng chia sẻ: “Tôi viết trước hết để tự nhìn nhận lại mình trong những năm tháng qua đã làm được gì, chưa làm được gì. Tiếp đến là để nhắc nhở mình không quên chặng đường đã qua để lúc nào cũng phải phấn đấu trước mọi nhiệm vụ. Qua các trang viết, tôi cũng mong muốn thế hệ sau, thế hệ con cháu hiểu được những khó khăn, gian khổ của cha anh trong kháng chiến cũng như trong xây dựng, kiến thiết đất nước, từ đó phát huy hơn nữa truyền thống tốt đẹp, đoàn kết, kiên trung của dân tộc”.
Đặc biệt, đọc những dòng thơ ông để lại có thể hiểu rõ thêm một khía cạnh khác về người từng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ người cao tuổi tỉnh. Đó là một tâm hồn rất mực nghệ sĩ, lúc nào cũng dào dạt tình yêu với đất và người cao nguyên. Từng dòng, từng chữ đều đậm chất lãng mạn thi ca, bắt đầu từ những hồi nhớ về vùng căn cứ như: “Hạ nóng, đông về rét thấu xương/Ruồi vàng, muỗi bạc, vắt kim cương/Măng chua, cà đắng, cơm canh lạt/Đối mặt hùm beo, sốt rét rừng” (Sống cùng năm tháng).
Giọng thơ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn rất hiện đại: “Đường xưa phố cũ đã canh tân/Cuộc sống hơn xưa gấp nhiều lần/Cô bán hàng rong nay chủ quán/Anh thồ đón khách đã doanh nhân” (Thành phố tôi yêu). Tình yêu quê hương thứ hai cũng được ông gửi gắm trong bài thơ “Gia Lai quê mới” viết đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng tỉnh: “Đất Gia Lai ai chưa đến đó/Dù một lần vẫn khó lãng quên/Hàm Rồng núi lửa ngủ yên/Biển Hồ soi bóng cao nguyên vào lòng (…)/Nhịp cồng chiêng dân làng mở hội/Hòa quyện cùng tiếng suối nhạc rừng/Vòng xoang bên ché rượu cần/Vơi đi bao nỗi nhọc nhằn tháng năm”.
Giờ thì ông nằm xuống sau một đời tận hiến. Ở miền mây trắng, ông đã nhẹ nhàng bỏ lại những “nhọc nhằn tháng năm” mà không có điều gì phải hối tiếc.