Nguyên Phó Chủ tịch Phú Yên nói gì về việc bán sỉ 262 lô đất tại khu kinh tế Nam Tuy Hòa?
Theo Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên, việc bán 262 lô đất tại KKT Nam Tuy Hòa là quyết định tập thể, giải quyết nhiệm vụ 'đặc biệt cấp bách' của địa phương.
Ngày 10/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Phú Yên đã khởi tố vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan đến việc cho phép giảm giá 5% tiền bán đấu giá quyền sử dụng đất 262 lô đất khu đô thị mới Nam Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên).
Ông Nguyễn Chí Hiến - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2015 – 2020, Nguyên Chủ tịch Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất tỉnh Phú Yên – cho rằng, việc bán đấu giá các khu đất nêu trên nhằm giải quyết "nhiệm vụ đặc biệt cấp bách" của địa phương.
Tại sao UBND tỉnh Phú Yên đấu giá quyền sử dụng đất khu đô thị mới Nam Tuy Hòa?
Lúc đó, UBND tỉnh Phú Yên đang có nhu cầu cấp bách, giải quyết các khoản tiền trả nợ cho NSNN (thực hiện hoàn trả tạm ứng ngân sách nhà nước) phát sinh từ nhiều năm trước đó.
Chính vì vậy, chúng tôi mới quyết định bán đấu giá quyền sử dụng đất hình thành trong tương lai, đây là trường hợp đặc biệt để giải quyết nhiệm vụ cũng đặc biệt cấp bách.
Căn cứ vào quy định nào để UBND tỉnh hỗ trợ giảm giá 5% cho người trúng đấu giá?
Vào thời điểm đó, thị trường bất động sản ở Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung rất trầm lắng, thanh khoản khó khăn và giá trị giảm sút nên việc bán dự án đất nền chưa có hạ tầng rất khó. UBND tỉnh cũng đã cử đoàn công tác đi học hỏi các địa phương đã từng thực hiện bán dự án tương tự để học hỏi kinh nghiệm nhằm bán đấu giá thành công.
Theo kinh nghiệm từ UBND TP Đà Nẵng, thì việc chiết khấu 5% không bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị mà chỉ bị kiến nghị đối với việc không bán đấu giá theo quy định mà chỉ định bán.
Đây là một kênh thông tin quan trọng để các cơ quan tham mưu xây dựng các văn bản xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh cũng như xây dựng phương án đấu giá sau này.
Từ nhận thức chung rằng HĐND là cơ quan quyền lực dân cử tại địa phương nên khi phát sinh những vướng mắc khi triển khai, áp dụng chính sách trên thực tế nên chúng tôi đã có văn bản xin ý kiến của HĐND tỉnh và được chấp thuận.
Không chỉ như vậy, UBND tỉnh còn xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy về chủ trương này nên UBND tỉnh thực hiện việc hỗ trợ 5% giá trị là có căn cứ, có cơ sở thực tiễn và đã tuân thủ quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, chấp hành sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Tỉnh ủy Phú Yên.
Theo ông, việc giảm giá có gây thiệt hại cho ngân sách không?
Theo các cơ quan chức năng của tỉnh thì khi xây dựng giá đất, qua so sánh thực tế thì giá cơ sở quá cao so với mặt bằng chung. Đồng thời, các cơ quan tham gia đều có chung nhận định rằng với việc tăng nguồn cung đột ngột với số lượng lớn như vậy sẽ dẫn đến giá đất sẽ giảm mạnh và khó tìm được người mua.
Chính vì lẽ đó Hội đồng định giá đã xây dựng giá đất cao hơn so với thị trường cùng thời điểm và linh hoạt, sử dụng biện pháp hỗ trợ dưới hình thức chiết khấu để kích cầu, thu hút đầu tư, đấu giá thành công... Sau này, Kiểm toán Nhà nước cũng đã có văn bản gửi cho UBND tỉnh Phú Yên với nội dung xác nhận phù hợp đối với quyết định chiết khấu 5% giá trị tài sản trúng đấu giá.
Điều kiện của những người tham gia đấu giá có đúng quy định của pháp luật không?
Các cơ quan tham mưu chuyên ngành như Sở Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính đã rà soát, sau đó tổ giúp việc cũng đã đối chiếu các quy định của pháp luật thì thấy đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 55, điểm đ; Khoản 1 Điều 56 Luật Đất đai cũng như các quy định khác của pháp luật. Tất cả các nhà đầu tư tham gia đấu giá đã đáp ứng yêu cầu theo quy định và phương án đấu giá quyền sử dụng đất.