Nguyên Phó giám đốc Sở Tài chính Sơn La giữ quyền im lặng tại tòa
Bị quy kết ban hành kế hoạch sai, nguyên phó giám đốc sở dùng quyền im lặng đồng thời hỏi ngược kiểm sát viên. Vị này khẳng định kế hoạch của mình giúp ổn định đời sống người dân quanh dự án thủy điện Sơn La và không vi phạm pháp luật.
Bị cáo đặt câu hỏi với kiểm sát viên
Sáng 19/7, TAND tỉnh Sơn La tiếp tục xét xử vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng dự án thủy điện Sơn La.
Được xét hỏi đầu tiên, bị cáo Trương Tuấn Dũng – nguyên Phó GĐ Sở Tài chính Sơn La tái khẳng định không đồng ý với quan điểm buộc tội mình của VKSND tỉnh Sơn La.
Theo cáo trạng, năm 2005, công tác chi tiền bồi thường cho các hộ dân theo hình thức đất đổi đất tại khu vực nhà máy thủy điện Sơn La đã hoàn thành. Tuy nhiên, khu tái định cư không thể bố trí đất ruộng, ao cho người dân như nơi họ phải chuyển đi nên Chính phủ và UBND tỉnh Sơn La cho phép bồi thường thêm phần chênh lệch giá trị đất giữa nơi đi và nơi đến.
Lúc này, bị cáo Trương Tuấn Dũng là Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La đã ban hành Kế hoạch số 41 triển khai đo đạc, bồi thường cho người dân. Cơ quan truy tố khẳng định, có sai phạm trong việc ban hành Kế hoạch 41 dẫn tới việc bị cáo Đèo Văn Ban được bồi thường sai gần 1,2 tỷ đồng.
Tại tòa, ông Dũng cho rằng Kế hoạch 41 đã giúp người dân ổn định cuộc sống, ông cũng như các bị cáo khác không hề vụ lợi hoặc cố tình gây thất thoát ngân sách. “Bị cáo không sai phạm gì, nếu có chỉ là lỗi vi phạm hành chính” – Trương Tuấn Dũng nói.
Kiểm sát viên liên tục đặt câu hỏi xoay quanh quy trình ban hành Kế hoạch 41 và kế hoạch này tạo tiền đề dẫn tới sai phạm của các bị cáo khác trong vụ... Tuy nhiên, bị cáo Dũng từ chối trả lời đồng thời đề nghị kiểm sát viên trả lời cho mình một số câu hỏi, tránh việc bị: “Đánh tráo khái niệm như phiên tòa lần trước”.
Khi bị cáo Dũng đang hỏi kiểm sát viên, luật sư Trần Thu Nam cho rằng thân chủ của ông không thể hỏi kiểm sát viên; những vấn đề muốn làm rõ phải được giải quyết trong quá trình tranh luận, không thể tiến hành ở phần xét hỏi như hiện nay. Chủ tọa đồng tình ý kiến này.
Cách ly xét hỏi
Cũng tại tòa, nông dân Đèo Văn Ban tiếp tục kêu oan, khẳng định không phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Ban bị quy kết liên tục khiếu kiện đòi bồi thường đất dù không có căn cứ chứng minh được giao đất.
Bị cáo này sau đó được các bị cáo Bùi Văn Tân – cán bộ Văn phòng đăng ký đất tỉnh Sơn La và Vũ Hồng Giang – nhân viên Cty đo đạc Bảo Bình nâng diện tích đất, chuyển loại từ đất nương sang đất ruộng dẫn tới ông Ban nhận bồi thường sai gần 1,2 tỷ đồng.
Tại tòa, bị cáo Vũ Hồng Giang khai diện tích đất trong vụ án đã nằm dưới lòng hồ nên phải gọi người dân trong bản đến tự khoanh vẽ, nhận diện tích đất nhà mình trên bản đồ. Bị cáo Bùi Văn Tân khai không thỏa thuận, bàn bạc với ông Ban việc chuyển loại đất sang đất trồng lúa để nhận đền bù.
Sau khi ông Tân ra ngoài, Đèo Văn Ban vào phòng xử và khai có nhờ bị cáo này chuyển 1ha thành đất trồng lúa để nhận đề bù cao hơn. Lý do, Đèo Văn Ban khai năm 2005 đã nhận đủ tiền đền bù với diện tích hơn 21.000m2 đất có trong sổ đỏ nhưng diện tích đất thực tế của ông lớn hơn rất nhiều. Số cây cối, hoa màu của ông được Nhà nước đền bù trước đó có thể chứng minh việc này.
Vì vậy, ông Ban đã quay trở lại diện tích chưa được bồi thường để sinh sống. Khi được Bùi Văn Tân đến làm hồ sơ bồi thường, bị cáo đã xin chuyển loại đất cho mình để gia đình đỡ thiệt thòi. “Không đền bù hết nên tôi về. Giấy tờ có hay không thì do cán bộ Nhà nước, các hộ khác cũng không có giấy tờ nhưng được bồi thường hết. Tôi không có tội gì cả”.
Đến đây, luật sư Hoàng Tùng – bảo vệ Đèo Văn Ban đề nghị chủ tọa cần nói rõ nội dung khai báo của các bị cáo được xét hỏi trước cho các bị cáo sau. Căn cứ, Điều 309 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: “Nếu lời khai của bị cáo này có thể ảnh hưởng đến lời khai của bị cáo khác thì chủ tọa phiên tòa phải cách ly họ. Bị cáo bị cách ly được thông báo lại nội dung lời khai của bị cáo trước và có quyền đặt câu hỏi đối với bị cáo đó”.
Theo luật sư Tùng, dù đã cách ly toàn bộ, xét hỏi nhiều bị cáo nhưng chủ tọa chưa thông báo cho họ nội dung khai báo của người được hỏi trước. Chủ tọa cho biết sẽ xem xét thực hiện việc này.