Nguyễn Quốc Việt: Thần tượng Văn Toàn, tiết lộ bí quyết trở thành 'vua giải trẻ'

Tiền đạo trẻ Quốc Việt đang trở thành lá cờ đầu trong làng bóng đá trẻ Việt Nam sau hàng loạt danh hiệu vua phá lưới giành được, gần nhất là ở giải U19 Đông Nam Á.

Sau 5 danh hiệu Vua phá lưới giành được ở các cấp độ U17, U19 và U21, Nguyễn Quốc Việt có thêm một cột mốc nữa trong sự nghiệp đầy hứa hẹn. Tiền đạo sinh năm 2003 trở thành tiền đạo Việt Nam đầu tiên sau 9 năm giành ngôi Vua phá lưới giải U19 Đông Nam Á với 5 bàn thắng, góp công giúp U19 Việt Nam về đích thứ ba chung cuộc.

Chia sẻ với VTC News, Quốc Việt kể lại bí quyết rèn luyện để trở thành tiền đạo hàng đầu, bên cạnh hình mẫu hướng đến trong tương lai.

Tiếp nối đam mê

Trận bán kết U19 Quốc gia giữa Học viện Nutifood và Hà Nội diễn ra hồi tháng 4, một nhóm cổ động viên 10 người đã xuất hiện trên khán đài sân PVF, theo dõi trận đấu sát sao và cổ vũ nhiệt tình cho các cầu thủ. Những tiếng cổ động bền bỉ vang lê trong cả trận, nhưng luôn náo nhiệt hơn mỗi khi tiền đạo Nguyễn Quốc Việt của Học viện Nutifood chạm bóng.

Nhóm cổ động viên 10 người đó chính là người thân của Quốc Việt. 3 thế hệ trong gia đình: bà nội, bà ngoại, bố, mẹ, em trai, em gái đều đã có mặt tại khán đài của sân PVF hôm ấy để cổ vũ Quốc Việt thi đấu.

Sự nghiệp của Quốc Việt ghi đậm dấu ấn của gia đình. "Những ngày đầu tiên, bố mẹ cho tôi tập bóng đá để khỏe người và rèn nếp sống lành mạnh, nhưng càng tập, tôi lại càng thấy hứng thú hơn.

Có những ngày tôi đá say mê đến mức bật cả móng chân. Ngày ấy đá chân đất chứ không có giầy như bây giờ. Đau đớn có, nhưng đứng dậy băng chân, gạt máu và mồ hôi rồi đá tiếp", tiền đạo 19 tuổi nhớ về những ngày đầu làm quen với trái bóng.

Quốc Việt (số 9) trong màu áo U19 Việt Nam.

May mắn cho Quốc Việt, khi gia đình của tiền đạo 19 tuổi ủng hộ con cái theo nghiệp thể thao. Bố Quốc Việt dẫn dắt một đội bóng nghiệp dư. Mỗi khi đi làm, ông đưa con trai cùng ra sân tập. Nhìn đàn anh chơi bóng, Quốc Việt "cuồng chân".

Sau những ngày rong ruổi cùng bố, Quốc Việt lại tập trung cho bóng đá. Mỗi lúc quả bóng dính chân, Việt không suy nghĩ nhiều. Thế giới của Việt chỉ có quả bóng, khung thành và một trời đam mê.

"Đam mê ấy lớn dần, khiến tôi có suy nghĩ: Hay là thử sức với con đường bóng đá? Suy nghĩ hồi còn trẻ đơn giản như vậy. Ước mơ đầu tiên của tôi không phải là bóng đá, nhưng khi bén duyên với quả bóng rồi thì không dứt ra được. Tôi chỉ muốn dù theo đuổi nghề nào cũng phải làm bố mẹ tự hào", Quốc Việt nói thêm.

Quốc Việt chọn bóng đá, và bóng đá không phụ lòng tiền đạo này.

Bước ngoặt ở HAGL JMG

Trong khóa 1 Học viện HAGL JMG mà HLV Guillaume Graechen từng cất công "đãi cát tìm vàng" cách đây 15 năm, có những cầu thủ được phát hiện khi đang chơi cho đội trẻ Hải Dương như Văn Toàn, Văn Thanh.

Cái duyên của Graechen với những "măng non" ở Hải Dương sau đó được tiếp nối với chính trường hợp của Quốc Việt năm 2016, khi tiền đạo sinh năm 2003 trở thành nòng cốt giúp U13 Hải Dương vô địch Giải U13 Quốc gia năm 2016.

Chính màn trình diễn xuất sắc của anh đã khiến HLV Graechen bị thuyết phục. Ngay sau giải đấu dành cho lứa tuổi thiếu niên đó, chàng trai gốc Hải Phòng đã được tuyển thẳng vào Học viện HAGL JMG.

Ở tuổi 13, Quốc Việt xa gia đình để khai phá đam mê ở chân trời mới. Đêm trước ngày gói hành lý để đi Gia Lai, Quốc Việt không ngủ được.

"Tôi vui sướng, chỉ muốn nhảy cẫng lên khi biết được tuyển vào Học viện HAGL JMG, nhưng vui nhiều mà lo lắngcũng không ít. Bóng đá có tính đào thải cao, tôi hiểu điều đó. Sự cạnh tranh sẽ rất gay gắt bởi không chỉ tôi có đam mê với bóng đá, mà có rất nhiều người cùng trang lứa cũng nuôi chung một giấc mơ thành tài.

Tôi lại tập luyện, thi đấu xa gia đình, đến nơi hoàn toàn xa lạ, không biết bạn bè, đồng đội là ai, phải trải qua những gì. Nhưng bóng đá là đam mê của tôi và của bố. Tôi chỉ nghĩ như vậy, rồi tự nhủ khó khăn đến mấy cũng không được từ bỏ", Quốc Việt khẳng định.

Video: Tài năng của Nguyễn Quốc Việt

Những ngày đầu của Quốc Việt ở HAGL JMG không dễ dàng. Ở U13 Hải Dương, Quốc Việt là ngôi sao, nhưng ở HAGL JMG, HLV Graechen có hàng trăm đứa trẻ có tiềm năng như thế, hoặc hơn thế. Bước vào guồng quay bóng đá chuyên nghiệp, nơi cầu thủ phải ra sân, cạnh tranh và chiến đấu, Quốc Việt bị "ngợp".

Với tiền đạo 2003, bóng đá không còn là chuyện thích hay không thích, mà là con đường anh bất chấp đi tới hàng nghìn cây số để theo đuổi và đặt quyết tâm cố gắng đến cùng.

"Tôi bị choáng ngợp trong những ngày đầu, với những bài tập, cả sự cạnh tranh ở đây. Mọi thứ đều nhanh, chuẩn chỉ và quy củ, khiến tôi như đặt chân vào thế giới khác. Nhưng phía sau tôi còn có gia đình. Ngày nào, bố mẹ cũng gọi điện động viên, muốn tôi nỗ lực từng ngày. Cứ nỗ lực rồi thành quả sẽ đến", Quốc Việt nhớ lại.

"Bước vào con đường này, ai cũng muốn trở thành cầu thủ giỏi. Tôi chọn vị trí tiền đạo và hạ quyết tâm phải thật giỏi. Nhưng đâu phải muốn là được ngay, mà còn phải cố gắng từng chút một".

Hành trình vươn lên của Quốc Việt mang dấu ấn của HLV Graechen. Chuyên gia người Pháp nhìn thấy trong học trò nguồn năng lượng, sự bùng nổ cùng lối chơi thông minh chỉ sau một vài trận đấu dự khán. Tuy nhiên, thầy Giôm không gò Quốc Việt vào khuôn mẫu đào tạo như Văn Toàn.

Ông chia sẻ: "Việt và Toàn phong cách chơi bóng khác nhau. Toàn cần 4 đến 5 cơ hội để ghi 1 bàn, còn Việt là 1 cơ hội, 1 bàn. Đó chính là lý do tại sao bây giờ Toàn phải dạt biên. Tuy nhiên, về cách di chuyển của 2 cầu thủ này có sự tương đồng, Việt có thể không nhanh bằng Toàn nhưng về hiệu suất ghi bàn thì cao hơn".

HLV Graechen yêu cầu Quốc Việt phải tập dứt điểm liên tục. Sút chân trái, chân phải, đánh đầu, dứt điểm từ xa, đệm bóng cận thành. "Thầy Giôm rất chỉn chu và nghiêm khắc. Từng động tác của tôi, thầy đều quan sát kỹ, uốn nắn và chỉnh sửa liên tục. Từ cách đặt chân trụ, rướn người hay tiếp bóng, mỗi khi tôi làm chưa tốt, thầy đều dừng bóng để chỉnh lại, cứ như thế đến khi chính xác thì thôi", Quốc Việt nhớ lại.

Quốc Việt (áo vàng) trong pha tranh chấp với Tiến Long của đội Hà Nội.

Khi Quốc Việt lập hattrick giúp Học viện Nutifood (chuyển giao từ HAGL) đánh bại Khánh Hòa tới 5-1, ông Giôm nửa đùa nửa thật, nói đáng ra Quốc Việt phải ghi 7 bàn. Chuyên gia người Pháp khắt khe, bởi tin rằng học trò có tố chất đặc biệt. Quan trọng hơn, Quốc Việt biết tự mài giũa khâu chọn vị trí và dứt điểm để tự nâng tầm bản thân.

"Tôi dậy sớm hơn các bạn, tập muộn hơn các bạn và sẵn sàng xách giày ra sân tập ngay cả những hôm đội được nghỉ, những hôm trời mưa. Tôi không cho phép mình lười biếng. Sau những buổi tập và những ngày cuối tuần, tôi tự rèn thêm kỹ năng dứt điểm. Có những hôm sút đến mòn giầy, rồi gục xuống sân vì mệt, nhưng lại đứng dậy để sút tiếp, đến khi ưng ý thì thôi", Quốc Việt khắng định.

Thần tượng Văn Toàn và tiếc nuối V-League

Nỗ lực của Quốc Việt được đền đáp xứng đáng, với thành quả là ngôi Vua phá lưới ở các giải U17, U19 và U21. Khi được hỏi về bàn thắng đáng nhớ nhất, Quốc Việt không cần quá một cái chớp mắt để trả lời, đó là pha lập công ở chung kết U21 Quốc gia, giúp U21 Học viện Nutifood vô địch.

Đó là khoảnh khắc Quốc Việt chọn vị trí hợp lý, bứt lên vượt mặt đối thủ và ghi bàn với cú sút điệu nghệ. Sự dẻo dai, bền bỉ trong những phút cuối trận cô đọng 6 năm nỗ lực không ngừng của Quốc Việt, ở môi trường mà tiền đạo này từng nghĩ sẽ không trụ lại được.

Cầu thủ mang áo số 9 không đi bóng khéo léo hay tì đè ấn tượng, nhưng biết cách làm công việc quan trọng nhất của một tiền đạo, đó là ghi bàn. Quốc Việt chạy chỗ thông minh, biết tìm kiếm khoảng trống và dứt điểm cực bén.

Quốc Việt muốn dự U20 World Cup.

Ở giải U19 Đông Nam Á, cả 5 pha lập công của Quốc Việt ở đều đến từ những pha xử lý chớp nhoáng, gọn gàng. Đó cũng là lời khẳng định của tiền đạo 19 tuổi ở sân chơi lớn hơn, thay vì chỉ tung hoành ở các giải trong nước.

"Tôi không áp lực bởi danh xưng 'vua giải trẻ', mà coi đó là kim chỉ nam để phấn đấu hơn. Sự nghiệp của tôi còn rất dài, đòi hỏi bản thân phải nỗ lực nhiều hơn nữa", Quốc Việt khẳng định.

Bóng đá Việt Nam từ trước đến nay luôn thiếu những tiền đạo đá nhanh, gọn như thế. Tư duy chiến thuật là bệ phóng để Quốc Việt có thể nâng tầm, trở thành tiền đạo giỏi như thế hệ Công Phượng, Văn Toàn trước đây. Đặc biệt, Quốc Việt luôn coi Văn Toàn là hình mẫu để hướng tới.

"Các đội V-League có xu hướng sử dụng tiền đạo ngoại để có sức mạnh tì đè. Tôi không có những tố chất ấy, nhưng luôn cố gắng học hỏi Văn Toàn để tăng cường sự nhanh nhẹn, cải thiện kỹ năng di chuyển khôn ngoan cũng như săn bàn. Anh Toàn luôn là hình mẫu, là tấm gương để tôi học hỏi", Quốc Việt nhấn mạnh.

Hồi giữa tháng 7, Quốc Việt lỡ cơ hội khoác áo HAGL ở V-League 2022 bởi trước đó tiền đạo này được Học viện Nutifood cho PVF mượn đá giải hạng Nhì, nhưng giải đấu đã kết thúc khi Quốc Việt còn tập trung cho đội U19 đá giải quốc tế. Quy chế không cho phép Quốc Việt hai lần chuyển nhượng trong một mùa giải, nên giấc mơ V-League phải hoãn lại.

"Tôi tiếc nuối lắm, nếu nói không thì dối lòng. Tuy nhiên, tôi không phải người cứ nhìn lại phía sau. Tôi chỉ muốn tập trung toàn lực cho vòng loại U20 châu Á, hay xa hơn là đi tiếp con đường U20 World Cup mà lứa đàn anh đã làm được. Khó khăn chỉ làm tôi thêm quyết tâm và cố gắng hơn", Quốc Việt kết luận.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nguyen-quoc-viet-than-tuong-van-toan-tiet-lo-bi-quyet-tro-thanh-vua-giai-tre-ar690194.html