Nguyên tắc bất di bất dịch
Tập trung dân chủ (TTDC) là nguyên tắc tổ chức cơ bản nhất, là xương sống bảo đảm cho sự tồn tại và địa vị lãnh đạo của các Đảng Cộng sản Mác-xít - Lê-nin-nít nói chung và Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng. Nhờ giữ vững nguyên tắc TTDC mà trong hơn 90 năm qua, Đảng đã lãnh đạo đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa Đảng ta trở thành người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế, đã xuất hiện tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị ở một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng, trong đó có việc coi nhẹ, thậm chí vi phạm nguyên tắc TTDC. Vì vậy, xây dựng và chỉnh đốn Đảng không thể không nhận diện và kiên quyết đấu tranh phê phán, loại bỏ các biểu hiện vi phạm nguyên tắc cốt tử này. Có thể điểm qua một số biểu hiện như sau:
Vi phạm nguyên tắc TTDC trong sinh hoạt đảng. Đảng lãnh đạo thông qua việc đề ra các chủ trương, đường lối, chính sách, mà muốn vậy, phải thông qua các cuộc hội nghị, cuộc họp, tức là phải thông qua sinh hoạt tổ chức đảng. Vi phạm nguyên tắc TTDC trong sinh hoạt đảng sẽ dẫn đến việc quyết nghị các chủ trương, đường lối, chính sách không đúng, nếu không muốn nói là sai lầm, bởi vì, thông qua sinh hoạt trí tuệ của tập thể sẽ được phát huy đầy đủ nhất. Vì vậy, nếu không có TTDC trong sinh hoạt đảng thì đi đến việc quyết nghị theo ý chí của một người, một nhóm nhỏ người nào đó. Vi phạm này có thể là mất dân chủ, độc đoán, chuyên quyền hoặc ý kiến phân tán, “chín người, mười ý”; hay duy trì sinh hoạt không nghiêm, không đúng quy trình, quy định, trình tự, thủ tục, bỏ qua một khâu, một số khâu, một số bước quan trọng trong quy trình sinh hoạt. Nội dung sinh hoạt nghèo nàn, hình thức đơn điệu, qua loa, đại khái, làm cho xong, làm chiếu lệ. Trong thảo luận, bàn bạc thì né tránh các vấn đề quan trọng, nhạy cảm, phức tạp, coi nhẹ ý kiến thuộc về thiểu số; gian dối, thiếu trung thực, không thừa nhận khuyết điểm của cá nhân, đơn vị mình; nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý”, “gió chiều nào che chiều ấy”. Đảng viên thì ngại sinh hoạt đảng, bỏ sinh hoạt hoặc tham gia thờ ơ, thiếu trách nhiệm; ngại phê bình, không phê bình việc mà phê bình người, lợi dụng phê bình để đấu tố, triệt hạ uy tín của nhau, kéo bè kết cánh, cục bộ. Hậu quả là tổ chức đảng mất sức chiến đấu, mất khả năng lãnh đạo.
Vi phạm nguyên tắc TTDC trong xây dựng và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng. Các chủ trương, đường lối của Đảng được thể hiện thông qua các chỉ thị, nghị quyết, quy chế, quy định, quyết định…, trong đó, nghị quyết là một hình thức thể hiện quan trọng nhất, đầy đủ và có tính cô đọng nhất. Vi phạm này là tình trạng nghị quyết ban hành mà không lấy ý kiến thảo luận, góp ý của đảng viên hay chỉ làm một cách hình thức, qua loa, chiếu lệ; là tình trạng thảo luận, góp ý xuôi chiều, “vuốt đuôi”, các vấn đề bàn bạc chưa có sự thống nhất đã vội kết luận hoặc kết luận theo ý kiến chủ quan của một cá nhân, một vài cá nhân lãnh đạo mà bỏ qua ý kiến của đại đa số đảng viên trong tổ chức đảng. Không dành thời gian thích đáng cho thảo luận, bàn bạc hoặc không tích cực tham gia ý kiến xây dựng nghị quyết, không có chính kiến cá nhân đối với các vấn đề được đề cập trong dự thảo nghị quyết mặc dù biết rõ mười mươi các nội dung đó là chưa chín muồi, không đúng, không có tính khả thi. Vi phạm nguyên tắc TTDC trong tổ chức thực hiện nghị quyết là tình trạng “nói một đường, làm một nẻo”, trong hội nghị thì phát biểu phải thế này, thế kia, song không thực hiện hoặc thực hiện ngược lại với những gì đã nói; trong hội nghị thì nhất trí song khi thực hiện thì tỏ thái độ hoài nghi, thiếu tin tưởng vào các chủ trương, biện pháp mà tập thể đã quyết định. Bề ngoài nhất trí với nghị quyết song bên trong lại cố ý làm trái với nghị quyết; thiếu gương mẫu trong công tác, thiếu trách nhiệm, làm việc cầm chừng, được chăng hay chớ, qua loa, đại khái, tùy tiện, đụng đâu làm đó mà không có lộ trình, quy củ, bài bản; nói trong hội nghị khác mà nói ngoài hội nghị lại khác; khi đương chức nói thế này song khi về hưu lại nói thế khác.
Vi phạm nguyên tắc TTDC trong công tác kiểm tra, giám sát (KT,GS) và thi hành kỷ luật đảng. Đó là việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn của bản thân để can thiệp vào việc xây dựng và thi hành kế hoạch, chương trình công tác KT,GS, thi hành kỷ luật của tổ chức đảng, của các đoàn (tổ) kiểm tra, giám sát. Là việc tác động để có kết quả KT,GS tốt đẹp theo ý mình; làm sai lệch một phần hoặc hoàn toàn kết luận cuộc kiểm tra, kết quả cuộc giám sát. Sách nhiễu, gây khó khăn, mua chuộc, trù dập, khống chế, vu khống người làm công tác KT,GS hoặc người cung cấp thông tin cho đoàn (tổ) KT,GS. Trong KT,GS, không nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu, không tiến hành thẩm tra, xác minh các tài liệu có liên quan đã vội vàng kết luận hoặc tham mưu kết luận. Không phúc đáp các ý kiến thắc mắc của tổ chức đảng, đảng viên được KT,GS; không báo cáo cấp có thẩm quyền đối với các ý kiến thuộc về thiểu số của tổ chức đảng, đảng viên được KT,GS. Bỏ qua một số bước trong quy trình KT,GS, thi hành kỷ luật. Qua KT,GS phát hiện các sai phạm đến mức phải xử lý kỷ luật hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật song lại dung túng, bao che, làm sai lệch kết quả nhằm giảm nhẹ sai phạm để không xử lý kỷ luật hoặc tham mưu, kiến nghị không xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm.
Vi phạm nguyên tắc TTDC trong công tác tổ chức, cán bộ. Đó là nội bộ mâu thuẫn, bè phái, kết bè kéo cánh; “bằng mặt không bằng lòng”, đoàn kết giả tạo, đoàn kết xuôi chiều; chạy chức, chạy quyền, cánh hẩu, lợi ích nhóm, cục bộ, bản vị. Không xây dựng quy hoạch cán bộ, đề nghị bổ nhiệm, đề bạt hoặc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ tùy tiện, không đúng quy hoạch, ngoài quy hoạch, vội vàng, “thần tốc”, “nâng đỡ” vì là “con ông cháu cha”, vì “quan hệ”, “tiền tệ”.
Vi phạm các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng và các quy định về nêu gương, những điều đảng viên không được làm. Đó là không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm nguyên tắc trong tự phê bình và phê bình, về đoàn kết, thống nhất, gắn bó mật thiết với nhân dân, nguyên tắc Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Làm những việc vi phạm pháp luật nhà nước, làm những việc pháp luật không cấm song ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của tổ chức đảng và đảng viên. Không gương mẫu về phẩm chất, đạo đức, lối sống, lười làm, nói nhiều làm ít, dám làm mà không dám chịu trách nhiệm, hoặc tranh công, đổ lỗi. Quan liêu, không sâu sát cơ sở, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc, những nguyện vọng chính đáng của đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp và nhân dân.
Tóm lại, TTDC chính là chiếc “chìa khóa vạn năng” để nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảm bảo cho Đảng hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng là lãnh đạo nhân dân ta đến bến bờ vinh quang. Vi phạm nguyên tắc TTDC trong Đảng là con đường ngắn nhất để Đảng tự tan rã, tự diệt vong.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/128834/nguyen-tac-bat-di-bat-dich