Nguyên tắc và linh hoạt

Diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, nguy hiểm, song có những người dân ở một số địa phương vẫn còn chủ quan, chưa biết đặt lợi ích cộng đồng lên trên khi họ không thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; thậm chí, để thỏa mãn ý muốn cá nhân, họ sẵn sàng chống lại người thi hành công vụ, vì cho rằng lực lượng này quá nguyên tắc và cứng nhắc, không giải quyết linh hoạt để họ được việc.

Ít ngày qua, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng đã xử phạt nghiêm nhiều trường hợp sai phạm với “kịch bản” hao hao, như: Mượn cớ đi đổ rác để tranh thủ hút thuốc ngoài đường; cố tình ra đường tập thể dục; lấy lý do đi thăm người thân để lợi dụng vào khu vực có chợ dân sinh... Các trường hợp này sau khi bị yêu cầu về phường hoặc chốt trực phòng, chống dịch (PCD) làm việc, đều có chung một câu: “Mong các anh linh hoạt”. Và khi không xin được, có trường hợp thậm chí còn xô xát, chống lại người thi hành công vụ. Ở các chốt kiểm soát lớn trên quốc lộ hay những đoạn đường có mật độ giao thương lớn, tình hình cũng tương tự, người chở hàng, người muốn về quê... vì muốn qua chốt khi thiếu giấy tờ, tất cả đều chung một câu: “Mong các anh linh hoạt”.

 Kiểm tra giấy tờ người đi đường tại Hà Nội. Ảnh: baotintuc.vn.

Kiểm tra giấy tờ người đi đường tại Hà Nội. Ảnh: baotintuc.vn.

Tất nhiên là lực lượng chức năng đã không cho phép. Bởi họ hiểu, sự linh hoạt sai nguyên tắc sẽ là tai họa cho cả cộng đồng. Để bảo vệ vững chắc những “vùng xanh” trong thời điểm quan trọng này, rất cần sự thực thi đúng nguyên tắc. Cứng nhắc với một người để cứu nhiều người. Điều này đúng với tinh thần Công điện 1068 mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành, trong đó yêu cầu phải giãn cách, cách ly triệt để; kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu ở đó”.

Phải tuân thủ các nguyên tắc PCD, nhưng không vì thế mà cứng nhắc tới mức “bó cứng”, làm cho bộ máy không thể vận hành. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã nhiều lần khẳng định, các chỉ thị, công điện nghiêm khắc hướng tới mục tiêu cao nhất là giãn cách xã hội, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nhưng không ảnh hướng lớn đến cuộc sống của người dân. Lấy ví dụ về cách làm của TP Hà Nội. Để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, Công điện 1068, chính quyền TP Hà Nội đã quyết liệt triển khai hoạt động giám sát đối với các trường hợp di chuyển ngoài đường thông qua kiểm soát chặt chẽ các loại giấy công lệnh, giấy đi đường để hạn chế những người ra ngoài sai quy định. Tuy nhiên, các cơ quan giúp việc của thành phố rõ ràng chưa linh hoạt và thấu cảm khi liên tục yêu cầu thay đổi mẫu công lệnh khiến nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn trở tay không kịp để xoay xở giấy tờ cho nhân viên, công chức được phép tới cơ quan thi hành công vụ.

Nhân dân cũng sẽ thông cảm với lực lượng chức năng về sự bất tiện bởi những biện pháp có tính nguyên tắc nhưng cần thiết lúc này. Bởi suy cho cùng, mọi biện pháp dù có thể cứng nhắc cũng chỉ vì sự an toàn của chính chúng ta. Bởi, chỉ cần một sự linh hoạt sai chỗ, sai người, hậu quả là khôn lường. Bài học nhãn tiền từ một số địa phương thời gian qua là một điển hình.

Ở tầm vóc lớn hơn, linh hoạt đôi khi lại là cần thiết. Như việc tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã giao quyền chủ động cho Chính phủ trong công tác PCD là một tiền lệ về sự linh hoạt. Và thực tế đã chứng minh, bằng các biện pháp linh hoạt, Chính phủ từng bước tháo gỡ những ách tắc khi thực hiện mục tiêu kép. Nhiều doanh nghiệp vẫn sản xuất bình thường, các sàn chứng khoán vẫn giao dịch, nông sản vẫn thu hoạch, hàng hóa vẫn tiếp tục xuất khẩu... Vừa chống dịch vừa tạo điều kiện thuận lợi để vận tải hàng hóa lưu thông; linh hoạt rút ngắn các thủ tục hỗ trợ người nghèo, người yếu thế; rút bớt các thủ tục để vaccine sớm đến được với nhân dân; công nhân sớm được trở lại công xưởng, sản xuất được giữ nhịp. Rõ ràng, chỉ khi người dân được hỗ trợ lúc khó khăn nhất thì các biện pháp chống dịch mới phát huy hiệu quả. Trong “trận đánh” với các loại virus biến thể mới, rất cần một chiến thuật linh hoạt, hợp lý giúp chúng ta “chiến đấu” hiệu quả.

Một nhà nghiên cứu xã hội học nhận xét, dịch bệnh thời gian qua như một cuộc kiểm định toàn diện văn hóa ứng xử, tình người, sự nhân văn của từng cá nhân, gia đình hay cả cộng đồng. Những gì đã và đang diễn ra cho chúng ta thấy đạo nghĩa "thương người như thể thương thân" của ông cha ta vẫn là dòng chủ đạo. Những cán bộ, chiến sĩ, y, bác sĩ, lực lượng tình nguyện... và cả những người dân có trách nhiệm luôn biết lo cùng cái lo của thiên hạ, tự nguyện vui sau cái vui của thiên hạ vẫn đang chiếm tuyệt đại đa số trong xã hội. Tất cả đang nén lại cảm xúc, ý thích, cái tôi cá nhân để tuân thủ nguyên tắc và những biện pháp chặt chẽ, cần thiết trong thời điểm này để cho cuộc sống trở lại bình thường và tốt đẹp hơn.

NGUYỄN HÒA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/nguyen-tac-va-linh-hoat-668050