Nguyên tắc vàng trong làm việc nhóm
Làm việc nhóm - kỹ năng rất quan trọng nhưng có lẽ lại là một trong những điểm khá yếu của người Việt Nam. Hầu như ai cũng biết làm việc nhóm sẽ hiệu quả, tiết kiệm chi phí và tổng hợp sức mạnh. Sau làm việc nhóm, mỗi người sẽ tự hoàn thiện bản thân khi cảm nhận giá trị của đồng đội, sức mạnh của tập thể. Biết là một chuyện, còn thực hành lại là một vấn đề khác. Thực hành trên các nguyên tắc cốt lõi là một vấn đề khoa học - khoa học của tâm lý hành động.
“17 nguyên tắc vàng trong làm việc nhóm” được John C.Maxwell biên soạn nhằm chia sẻ những nguyên tắc sống còn trong làm việc nhóm. Không chỉ là lý thuyết sáo rỗng, bạn đọc hoàn toàn có thể tìm mình trong những trải nghiệm thú vị của thủ tướng Winston Churchil thực hành nguyên tắc toàn cảnh; chứng kiến sự vươn lên của IBM trở thành một trong những tập đoàn máy tính lớn trên thế giới và lý giải thành công của hãng phim hoạt hình nổi tiếng thế giới Walt Disney.
Là người rất thích và rất muốn làm việc nhóm, tôi vô cùng ngỡ ngàng khi đọc những dòng này của John C.Maxwell: Thái độ là người thủ thư của quá khứ, là người phát ngôn của hiện tại và là sự tiên đoán cho tương lai chúng ta. Thì ra là vậy, khi xác định tâm thế làm việc nhóm, thay vì chọn người, chọn mục tiêu thì căn cốt nhất là tìm hiểu chính mình và thái độ chính mình. Trong một nhóm sẽ có người mạnh, người chưa mạnh. Với người mạnh thì việc truyền lửa sẽ rất nhanh, vậy với người chưa mạnh cần có thái độ ứng xử thế nào? Là tận tình yêu thương và giúp đỡ chân thành và nếu đến điểm tối hạn cuối cùng thì vẫn phải thẳng thắn và kiên quyết để họ tự rời nhóm và tìm công việc khác phù hợp hơn với họ. Những điều ấy nói tưởng dễ mà thực hiện lại không phải ai cũng đủ kiên quyết, bản lĩnh để triển khai.
Một câu hỏi cốt tử đặt ra làm thế nào để nhận diện các thành viên có đủ tố chất kết hợp nhóm và đạt mục tiêu của nhóm. Bằng trải nghiệm và nghiên cứu của mình John C.Maxwell đã chỉ ra một công thức: Khả năng phối hợp = tính cách + năng lực + sự tận tâm + phong độ + sự đoàn kết. Trong đó tính cách tạo nên niềm tin và nhất quán; năng lực được xem là nguyên liệu chính, tận tâm chính là hồn thổi lửa, phong độ là chất dẫn để duy trì và phát triển nhóm; đoàn kết chính là bước nhảy về lượng, là ngọn đuốc để dẫn nhóm tới một mục tiêu và cấp độ cao hơn. Bởi John C.Maxwell đã nói: “Nếu không đoàn kết thì đó không phải là một nhóm thật sự, đó chỉ là những cá nhân làm việc trong cùng một tổ chức”.
John C.Maxwell phải nói là đã đi đến cùng vấn đề, không chỉ đưa ra công thức mà còn tiếp tục hướng dẫn chúng ta đến một bước quan trọng: Làm thế nào để nhận diện và đo lường các tố chất làm việc nhóm. Mọi người hãy để ý bộ câu hỏi sau:
- Bạn có được tin tưởng không (tính cách).
- Bạn có thực hiện công việc một cách xuất sắc không (năng lực).
- Bạn có góp phần vào thành công của nhóm không (sự tận tâm).
- Bạn có dễ dàng bị hoàn cảnh tác động không (phong độ ổn định).
- Hành động của bạn có giúp cả nhóm gắn bó với nhau không (sự đoàn kết).
Nếu trả lời hết bộ câu hỏi này, tức là lúc ấy bạn đã nhận diện ra rằng bạn và đồng đội có thỏa mãn các phẩm chất cơ bản để kết hợp nhóm không?
Dừng lại thật lâu trước nguyên tắc thứ 10 mà John C.Maxwell đã chỉ ra: Nguyên tắc đánh đổi; hay hiểu một cách nôm na là 5 phẩm chất trên là điều kiện cần còn thấm nhuần và thực thi nguyên tắc đánh đổi là điều kiện đủ. Bạn và nhóm của bạn sẽ không thành công nếu không thực thi nguyên tắc đánh đổi. Dẫn ví dụ về một trong những công ty kinh doanh bán lẻ lâu đời nhất ở Mỹ bị phá sản năm 2000, mà người dẫn dắt công ty từng khởi nghiệp thành công ở tuổi 25 - Montgomery Ward. Tại sao công ty phá sản và Ward bị công ty của Robert E. Wood vượt mặt? John C.Maxwell đã lý giải đó là do công ty hay đúng hơn là nhóm của Ward đã bỏ lỡ nhiều cơ hội và vi phạm nguyên tắc đánh đổi. Bốn chân lý mà John C.Maxwell đã tìm ra, tôi tin con người thường chần chừ khi quyết định, nhưng khi đã cột mình vào đó thì ắt hẳn thành công sẽ tìm đến với họ. Đó là, mọi người đều phải đánh đổi cho những cái đáng giá, luôn luôn phấn đấu, đầu tư cho chiến thắng và cái giá không giờ giảm. Biết cho đi, sẽ nhận lại nhiều hơn.
Khi bạn chiến thắng sẽ chẳng còn nỗi đau đớn nào - đó cũng là cái giá cuối cùng của nỗ lực không ngừng nghỉ vì bạn - vì tôi - vì nhóm của tất cả chúng ta. Cảm ơn John C.Maxwell đã làm tường tận hệ thống các nguyên tắc khi làm việc nhóm - biểu hiện sinh động của tinh thần tổ chức, đoàn kết, nhân văn trong mỗi con người.