Nguyễn Tài Tuệ thanh thản 'Xa khơi'
Tin nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ ra đi đột ngột khiến nhiều đồng nghiệp không khỏi ngậm ngùi tiếc thương. Ông không chỉ để lại những tác phẩm hàng đầu cho nền thanh nhạc mà còn ghi dấu ấn tốt đẹp về nhân cách liêm khiết hiếm có.
Dòng họ Nguyễn Tài có công khai phá lập nên làng Thượng Thọ, thuộc tổng Đại Đồng xưa. Thủy tổ của dòng họ là cụ Nguyễn Hiền, Trạng nguyên khoa Đinh Mùi, năm 1247. Cha của Nguyễn Tài Tuệ, cụ Nguyễn Tài Độ, một nhà nho thức thời cũng là thầy lang.
Mới chừng 5-6 tuổi, Nguyễn Tài Tuệ đã được tiếp xúc âm nhạc dân gian qua những lần được cha đưa đi nghe ví, giặm trên sông Lam. “Khi đó, dù bé nhưng nghe câu ví, giặm tôi đã rất thích. Có những đoạn câu đối đượm buồn, tôi đã chảy nước mắt. Khi mẹ tôi biết, bà dặn bố tôi không được cho tôi đi nghe như vậy nữa. Nhưng bố tôi nói: Phải để cho con đi nghe, phải để con cảm nhận nền văn hóa, cái gốc dân gian của cha ông thì sau này con mới trưởng thành, đấy là điều hay. Khóc thế chứ, khóc 10 lần nữa cũng vẫn đưa nó đi”, ông từng kể.
Lên 5 tuổi, Nguyễn Tài Tuệ được gửi vào Sài Gòn học trường Pháp Chasseloup Laubat. Nhờ 4 năm học ở đây mà sau này ông tự học nhạc qua sách tiếng Pháp và viết những ca khúc đầu tiên như Hò dân công, Xuân ơi sao chưa về khi đang học cấp 3. Thời kỳ cải cách ruộng đất, gia đình ông lâm vào cảnh bĩ cực. Ông nghe lời cha ra Hà Nội phấn đấu tìm con đường học hành.
Khi Đại hội Văn công Quân dân toàn quốc diễn ra tại Nhà hát Lớn, ông đến xem và tìm gặp người phụ trách xin thử làm ca sĩ. Sau khi được các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và Nguyễn Văn Thương thẩm định giọng hát, Nguyễn Tài Tuệ trở thành diễn viên hát trong đoàn Đoàn văn công Nhân dân Trung ương từ 1955. Tuy nhiên ông vẫn nung nấu khát vọng sáng tác. Ông từng nói: “Âm nhạc với tôi là tất cả. Âm nhạc xâm chiếm tâm hồn tôi, đè nặng lên cuộc đời tôi. Âm nhạc là món nợ của tôi với quê hương, đất nước”.
Thời gian biệt phái lên Đoàn Ca múa Lao - Hà - Yên (Lao Cai - Hà Giang - Yên Bái), ông viết Lời ca gửi noọng, hợp xướng Xuân về trên bản và Tiếng hát giữa rừng Pác Bó khi mới 23 tuổi.
Năm 1962, Nguyễn Tài Tuệ viết Xa khơi tiếp tục gây ấn tượng lớn qua sự thể hiện của Tân Nhân. Nhưng vẫn có những phê phán về lời ca không phù hợp với tình hình sản xuất và chiến đấu của hai miền lúc đó. Với bài hát này, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước khẳng định Nguyễn Tài Tuệ là nhạc sĩ phát triển ví giặm tốt nhất từ xưa đến giờ. Nhạc sĩ An Thuyên sau này chung nhận định: “Có đến vài chục nhạc sĩ đã kế thừa vốn ví giặm, nhưng nếu cho chọn một, thì đó là Nguyễn Tài Tuệ”.
Từ năm 1966 đến năm 1972, Nguyễn Tài Tuệ được đặc cách cử đi học đại học về sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện Bình Nhưỡng, Triều Tiên, dù chưa qua đào tạo trung cấp. Ông tốt nghiệp hạng ưu sau 6 năm tu nghiệp. Nhờ du học mà ông gặp người bạn đời Vũ Thị Cẩm Tú - lúc đó là sinh viên Đại học (ĐH) Bách khoa Bình Nhưỡng. Họ có hai con trai đều theo nghiệp âm nhạc. Trước khi về hưu, ông công tác ở Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam trong vai trò sáng tác và chỉ đạo nghệ thuật.
ĐỒNG NGHIỆP TRÂN QUÝ
NSƯT Thu Lan, nguyên Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia, từng có thời gian dạy con trai của nhạc sĩ là Nguyễn Thiều Quang. Chị khẳng định, các sáng tác của Nguyễn Tài Tuệ có tầm học thuật cao, đa số được sử dụng trong giáo trình giảng dạy. Chị cho biết: “Bài Suối Mường Hum chảy mãi rất hay, nhiều cung quãng rất thuận cho học sinh thanh nhạc mới vào học. Học sinh trung cấp chuẩn bị lên ĐH hầu như em nào tôi cũng cho học bài đấy. Xa khơi tầm ĐH và trên ĐH mới sử dụng”.
Nhiều nghệ sĩ đều chung nhận định, trong chuyên môn, Nguyễn Tài Tuệ khắt khe đến “kinh khủng”. Như phải sau nửa thế kỷ ông mới tìm được từ “sóng liệng” thay cho “sóng chiều”, “sóng liền” hay “sóng lượn” trong bài Xa khơi. Bài Mơ quê từ khi đặt bút đến hoàn thành cũng chừng 15 năm. Ca sĩ muốn hát bài của ông đều phải được ông uốn nắn tỉ mỉ, đảm bảo không bỏ qua bất cứ dấu luyến, dấu lặng nào. “Bài Mơ quê gần giống như một aria, hát còn khó hơn Xa khơi. Câu cú đâu ra đấy, lời đẹp. Ai vượt qua bài đấy coi như tốt nghiệp xong ĐH”, nhà giáo Thu Lan nhận định.
Người đầu tiên hát Mơ quê là NSƯT Tố Uyên, cùng công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc với nhạc sĩ. Bản thu đầu tiên của Tố Uyên tại Đài Tiếng nói Việt Nam do con trai của nhạc sĩ là nhà chỉ huy Nguyễn Tài Tuấn phối. Sau đó Tố Uyên nhờ nhạc sĩ Quang Vinh phối lại có tính sân khấu hơn để phát hành trong album riêng. Chị cho hay cả hai lần thu âm, nhạc sĩ đều đến tận nơi nghe và chỉnh sửa. Tố Uyên nhận định Mơ quê “đỉnh cao vừa lời vừa nhạc”, “càng hát càng thấy khó”. “Xa khơi có dạo giữa, nghỉ lưu không lấy hơi, Mơ quê lại hối hả như tâm trạng của những người xa quê mà không về được nên ngóng trông da diết, phải trường hơi mới hát được. Bài hát có những quãng chuyển từ trung trầm lên cao để không bị hổng hơi rất khó. Tôi phải buông bỏ nhiều kỹ thuật để ngả sang dân gian mới truyền tải được bài hát này”. Do ưng ý nên Tết năm đó, nhạc sĩ và vợ đến hẳn nhà Tố Uyên để cảm ơn mà chị lại không có nhà. Sau đó, ca sĩ lại đến nhà nhạc sĩ đáp lễ và được ông đưa thêm bài nữa.
Ca sĩ Anh Thơ khẳng định mình gặt hái quá nhiều thành công nhờ bài của Nguyễn Tài Tuệ. Cô nhận xét nhạc sĩ “liêm khiết đến mức phát ngại lên”: “Mình kiếm bao nhiêu tiền từ bài hát của bác mà đến tặng một chút quà Tết thôi bác cũng không nhận là không nhận”. Ông luôn nhắc các nghệ sĩ khi đến thăm mình cấm có được quà cáp, nếu trót mang đến thì ông cũng chỉ nhận hoa quả. “Bác có một sự cao thượng, khó tính, nghiêm khắc. Bác trân trọng người tài nhưng vẫn giữ cái kiêu hãnh của mình”, Anh Thơ cho hay.
Với Anh Thơ, ban đầu nhạc sĩ cũng uốn nắn chi tiết nhưng về sau ông chấp nhận khi cô sáng tạo thêm vào tác phẩm. Cô nói “Mình phiêu được những câu bác cũng thích nên bác mới để cho Thơ hát 3-4 bản Xa khơi mỗi bản một kiểu khác nhau”. Tất nhiên cũng có bản Anh Thơ nhờ nhạc sĩ Quang Vinh viết thêm câu phiêu chứ không phải lúc nào cũng ngẫu hứng. “Xa khơi và Mơ quê là hai bài khó nhất của bác và đều giúp tôi để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán giả. Mơ quê tôi cũng vẫn phiêu nhưng khác kiểu Xa khơi”, Anh Thơ nói.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguyen-tai-tue-thanh-than-xa-khoi-post1415642.tpo