Nguyễn Thị Hạnh - Niềm tự hào của người dân Mỹ Hạnh

Nguyễn Thị Hạnh là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, là niềm tự hào của người dân Mỹ Hạnh Nam nói riêng và Đức Hòa, Long An nói chung.

Nữ anh hùng kiên gan

Nữ anh hùng Nguyễn Thị Hạnh được ngợi ca trong vở cải lương Người không cô đơn và bài tân cổ giao duyên Cô gái tưới đậu, vốn không hề xa lạ với người mộ điệu cải lương trong cả nước. Hình ảnh nữ anh hùng được nhắc đến một cách khéo léo, nhẹ nhàng nhưng đủ để người nghe hiểu rõ đó là một phụ nữ bình dị và tài giỏi “Chị Hạnh năm trước, cũng tương tự như em và giản dị, bình thường…”.

Chân dung Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Hạnh

Chân dung Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Hạnh

Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Hạnh tên thật là Trần Thị Bé, được sinh ra ở làng Mỹ Hạnh (nay thuộc xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa) trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Gia đình bà có 7 anh chị em, trong đó, 5 người tham gia cách mạng. Khi các anh chị tập kết ra Bắc, bà ở lại quê nhà vừa làm ruộng nuôi mẹ, vừa tích cực tham gia cách mạng: Nuôi giấu cán bộ, canh gác, điều tra, phát hiện bọn gián điệp ngầm,... Bằng sự thông minh, linh hoạt của mình, bà gây dựng cơ sở bí mật trong các ấp chiến lược, động viên người dân một lòng tin tưởng cách mạng, sẵn sàng cho con em tham gia công tác mặc dù bị địch thường xuyên o ép, hăm dọa, bắt bớ, đánh đập. Bà nhiều lần trực tiếp đi đón bộ đội về phối hợp đội du kích mật của xã, đánh phá đồn, bót địch, cảnh cáo và trừng trị bọn ác ôn, hỗ trợ đồng bào phá ấp chiến lược, trở về làng cũ. Bà từng trực tiếp tham gia chiến đấu, chỉ huy đội du kích đánh hàng trăm trận, diệt 345 tên địch.

Để qua mắt kẻ thù, hoạt động trong lòng địch, bà luôn thể hiện tinh thần gan dạ, mưu trí, bằng mọi cách hoàn thành nhiệm vụ được giao. Khi thì ngồi trên xe bò chở lúa quan sát và ghi nhớ kỹ cách bố trí hỏa lực và đội hình quân địch để về vẽ lại bản đồ, lúc dắt xe đạp đi qua chỗ địch đóng quân, nhẩm đếm số bước chân để tính cự ly chính xác cho bộ đội pháo kích, cũng có khi bà giấu mìn, lựu đạn, truyền đơn,... trong giỏ đựng quần áo rồi mang đi qua mặt lính gác của địch,...

Anh hùng Nguyễn Thị Hạnh (bìa phải) chụp ảnh lưu niệm cùng các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tại Đại hội Liên đoàn anh hùng chiến sĩ thi đua

Trong vở cải lương Người không cô đơn có chi tiết bà giả điên đi lang thang để thu thập tin tức trong lòng địch. Điều đó được ông Trần Văn Vinh (ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam) - cháu ruột anh hùng Nguyễn Thị Hạnh, cũng là người đang trực tiếp thờ cúng bà xác nhận. Ông Vinh nói: “Cô Bảy (Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Hạnh) tôi đi cách mạng lấy tên Hạnh vì đó là tên làng. Tôi không biết nhiều về việc cô làm nhưng tôi vẫn nhớ là cô thương tôi lắm. Ngày tôi lên năm, bảy tuổi, cô hay cõng tôi trên lưng đi khắp xóm. Mỗi lần nghe cô gọi “lại Bảy cõng đi chơi” là tôi hớn hở theo ngay. Sau này tôi mới biết lúc đó cô giả điên, cõng tôi đi để che mắt địch, thu thập thông tin”. Cũng theo ông Vinh, hình ảnh má Bảy được nhắc đến trong bài tân cổ Cô gái tưới đậu cũng là nhân vật có thật, từng tham gia hoạt động cùng Anh hùng Nguyễn Thị Hạnh tại làng Mỹ Hạnh xưa.

Tiếp nối truyền thống anh hùng

Vào dịp giỗ nữ anh hùng hàng năm, ông Vinh thường mời đại diện UBND xã, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học (TH) Nguyễn Thị Hạnh cùng các cựu chiến binh, lão thành cách mạng tại địa phương đến dự. Ngoài ra, mỗi năm vài lần, gia đình ông Vinh đều đón tiếp đoàn học sinh Trường TH Nguyễn Thị Hạnh đến thắp nhang, tưởng nhớ nữ anh hùng. Phó Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Thị Hạnh - Lê Văn Thắng cho biết, Ban Giám hiệu nhà trường đặc biệt chú trọng việc giáo dục truyền thống, giúp học sinh hiểu rõ về nữ anh hùng của quê hương Mỹ Hạnh Nam. “Theo đó, tiểu sử của bà được ôn lại thường xuyên trong các buổi sinh hoạt dưới cờ và phát đến từng lớp để học sinh có nhiều cơ hội tìm hiểu và nắm rõ. Các lớp thuộc khối 5 được phân công chăm sóc tượng nữ anh hùng tại sân trường. Ngoài ra, hàng năm, nhà trường còn phối hợp Đoàn xã đến nhà thắp nhang nữ anh hùng”.

Ông Trần Văn Vinh là người trực tiếp thờ phụng nữ anh hùng

Ông Trần Văn Vinh là người trực tiếp thờ phụng nữ anh hùng

Nhằm tiếp nối truyền thống, thầy và trò Trường TH Nguyễn Thị Hạnh luôn nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng dạy và học. Năm học 2022-2023, trường có 28 lớp với 565 học sinh. Tỷ lệ học sinh lên lớp hàng năm đều trên 99%. Nhiều năm liền, trường không có học sinh bỏ học. Năm học 2022-2023, trường có 1 giáo viên đoạt giải Ba cuộc thi Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh cấp tiểu học, 3 giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp huyện cấp tiểu học. Học sinh được tạo điều kiện tham gia các cuộc thi: Tin học trẻ không chuyên, vẽ tranh, viết chữ đẹp và đạt thành tích tốt.

Về Mỹ Hạnh Nam ngày nay, hỏi về nữ anh hùng Nguyễn Thị Hạnh hầu như ai cũng biết, bà là chiến sĩ cách mạng mưu trí, anh hùng, là niềm tự hào của làng Mỹ Hạnh xưa và xã Mỹ Hạnh Nam ngày nay./.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nguyen-thi-hanh-niem-tu-hao-cua-nguoi-dan-my-hanh-a153953.html