Nguyên thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bị đề nghị mức án tử hình

Sáng 17/7, phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ 'chuyến bay giải cứu' đã bước vào phần luận tội. Đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị mức án với các bị cáo...

Trục lợi, gây khó khăn cho doanh nghiệp

Theo VKS, dịch Covid-19 gây ra hậu quả nặng nề về đời sống, kinh tế, sức khỏe, ảnh hưởng tới nhiều người Việt Nam ở nước ngoài. Từ đó, Chính phủ đã tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước.

Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa.

Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa.

Tháng 11/2020, do nhu cầu của công dân về nước tăng cao, Chính phủ đã tổ chức 10 chuyến bay combo và giao tổ công tác 5 Bộ tổ chức các chuyến bay. Các doanh nghiệp đã tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước thể hiện chủ trương nhân đạo trong công tác bảo hộ công dân, thể hiện chủ trương đúng đắn, kịp thời và có sự ủng hộ của đồng bào trong và ngoài nước.

Trong lúc toàn Đảng, toàn dân cùng chung tay chống dịch, thì một số bị cáo trong vụ án đã lợi dụng chủ trương nhân đạo tốt đẹp của Nhà nước để trục lợi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, tạo cơ chế xin cho buộc doanh nghiệp phải nâng vé máy bay, gây ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan Nhà nước.

Cụ thể, trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 - 12/2022, có 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.

Đại diện VKS xác định 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng. Việc các bị cáo đưa ra giá, mặc cả giá và gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp dẫn đến việc đưa tiền của nhiều doanh nghiệp.

Trong vụ án này, VKS xác định, bị cáo Phạm Trung Kiên – nguyên Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế là người nhận số tiền nhiều nhất, số lần nhận tiền nhiều nhất và thủ đoạn cũng trắng trợn nhất. Bị cáo Kiên đã nhận hơn 42 tỷ đồng với 253 lần. Ngoài ra, theo VKS, khi vụ án bị khởi tố, bị cáo đã chuyển khoản trả lại cho các doanh nghiệp là hơn 12 tỷ đồng và nhờ các doanh nghiệp khai báo là tiền vay mượn cá nhân. Vì vậy, VKS cho biết cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất.

Đối với các bị cáo khác trong nhóm tội “Nhận hối lộ”, căn cứ vào các lời khai cùng các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, VKS xác định các bị cáo đã có hành vi “Nhận hối lộ” như đúng cáo trạng quy kết.

Xét hành vi “Đưa hối lộ” của các bị cáo là đại diện doanh nghiệp, VKS xét thấy các bị cáo này đã nhiều lần trực tiếp đưa tiền cho những người có chức vụ, nhằm để được cấp phép chuyến bay…

Các bị cáo tại phiên tòa.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Các mức án cụ thể với 54 bị cáo

Từ những nhận định nêu trên, đại diện VKS đề nghị HĐXX xử phạt các mức án đối với các bị cáo. Cụ thể, với nhóm bị cáo phạm tội “Nhận hối lộ” gồm: Tô Anh Dũng - cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao từ 12 - 13 năm tù; Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao từ 18 - 19 năm tù; Đỗ Hoàng Tùng - cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao từ 9 - 10 năm tù; Nguyễn Quang Linh - cựu Trợ lý Phó Thủ tướng từ 7 - 8 năm tù; Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tử hình...

Đối với 23 bị cáo phạm tội “Đưa hối hộ” gồm: Nguyễn Thị Thanh Hằng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky 10 - 11 năm tù; Lê Hồng Sơn - Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky từ 11- 12 năm tù; Hoàng Diệu Mơ - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch dịch vụ Hàng không An Bình từ 8 - 9 năm tù; Đào Minh Dương - Giám đốc Công ty CP Vijasun từ 3 - 4 năm tù…

4 bị cáo tội phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" gồm: Trần Việt Thái - cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia từ 5 -6 năm tù; Nguyễn Lê Ngọc Anh - cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia từ 4 - 5 năm tù; Nguyễn Hoàng Linh - cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia từ 4 - 5 năm tù và Đặng Minh Phương - cựu kế toán Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia từ 2 - 3 năm tù.

4 bị cáo phạm tội “Môi giới hối lộ” gồm: Nguyễn Anh Tuấn - cán bộ Công an nghỉ hưu từ 6 -7 năm tù; Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty CP xúc tiến thương mại và du lịch Việt Nam 2 – 3 năm tù; Bùi Huy Hoàng - cựu chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế từ 3 – 4 năm tù và Phạm Thị Kim Ngân - cán bộ Phòng Trị sự, Tạp chí Thanh tra từ 2 - 3 năm tù.

Bị cáo Hoàng Văn Hưng - cựu cán bộ Công an từ 19 – 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bị cáo Trần Minh Tuấn - Giám đốc Công ty CP xây dựng Thái Hòa từ 14 - 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và 1 - 2 năm tù về tội “Đưa hối lộ", tổng hình phạt chung bị cáo này bị đề nghị xử phạt là từ 15 – 17 năm tù.

Nguyên Bảo

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nguyen-thu-ky-thu-truong-bo-y-te-bi-de-nghi-muc-an-tu-hinh.html