Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, đồng sáng lập Think Playgrounds!: 'Cuộc chiến' giành lại ký ức cho thế hệ mai sau
Việc chuyển hướng từ nhóm tình nguyện xây dựng sân chơi cho trẻ em bằng nguồn kinh phí vận động từ cộng đồng và các nhà tài trợ thành doanh nghiệp xã hội đã thay đổi tư duy của Nguyễn Tiêu Quốc Đạt và đội ngũ Think Playgrounds! để hoạt động theo thị trường và tiếp tục đóng góp cho xã hội.
“Nghĩ về sân chơi trong thành phố”
Như một món quà bất ngờ vào Ngày Quốc tế Thiếu nhi năm nay, Starbucks Việt Nam đồng hành cùng Tổ chức phi chính phủ HealthBridge (Canada) và Doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds! (TPG) hoàn thành xây dựng và bàn giao sân chơi cộng đồng cho khu dân cư tập thể K7, K8 Thành Công (Hà Nội).
“Thiếu vắng sân chơi cho trẻ em là một trong những vấn đề hiện tại ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM”, bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam bày tỏ.
Đây chỉ là một trong số hơn 120 sân chơi công cộng trên cả nước do TPG thực hiện trong 5 năm qua, trong đó, tại Hà Nội có 60 sân chơi, diện tích từ 10 m2 đến hơn 100 m2.
Năm 2014, Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, khi đó đang là phóng viên Tạp chí Ô tô Xe máy và Chu Kim Đức, kiến trúc sư cảnh quan, nhà làm phim cùng sáng lập TPG.
Ban đầu, TPG chỉ là nhóm tình nguyện viên với sự tham gia của nhiều kiến trúc sư. Nhóm kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng cùng nghĩ về thực trạng thiếu sân chơi trong thành phố và tìm ra phương án tối ưu nhất để đưa sân chơi vào trong các khu trung tâm.
“Chúng tôi miệt mài hoạt động với hy vọng sẽ tạo cảm hứng cho cộng đồng, các tình nguyện viên trẻ và kéo các bạn sinh viên kiến trúc cùng tham gia”, Đạt nói. Với anh và các thành viên trong nhóm, TPG không chỉ là “nghĩ” (think), mà còn là một hạt giống tạo động lực cho các hành động cụ thể trong cuộc sống.
Kinh phí để làm sân chơi được TPG vận động từ cộng đồng và một phần tài trợ từ các tổ chức như Trung tâm Hành động vì đô thị, HealthBridge…
Điều thú vị là, cái tên Think Playgrounds! với ý nghĩa: “Nghĩ về sân chơi trong thành phố!” được đặt bởi bà Judith Hansen - một phụ nữ Mỹ 70 tuổi đáng quý, nhiệt tình và cũng là một nhà tài trợ nhiệt thành cho hoạt động của nhóm.
Từ khi hoạt động, TPG nhận được hưởng ứng mạnh mẽ từ truyền thông, các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu đô thị, nhà hảo tâm… Đây là yếu tố giúp Đạt và các thành viên TPG gõ được các cánh cửa để tiến vào trung tâm thành phố.
Đến năm 2016, Đạt cùng người đồng sáng lập nâng cấp quy mô hoạt động của TPG thành doanh nghiệp. Anh cũng quyết định từ bỏ nghề phóng viên để dành toàn tâm, toàn ý cho TPG.
“Do nhu cầu lớn, chúng tôi không thể mãi vác tù và hàng tổng, mà cần phải có nguồn sống cho mình, đồng nghiệp và những người thợ, nhưng hoạt động vẫn có ý nghĩa xã hội”, Đạt giải thích. Việc chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội đã thay đổi tư duy hoạt động của TPG theo thị trường. Chỉ cần thị trường còn nhu cầu, thì TPG không sợ thiếu đất sống và trên thực tế, nhu cầu sân chơi tại thành phố là rất lớn.
Từ đó, TPG không còn phải phụ thuộc vào nguồn tài trợ, đã bán được sân chơi, có đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp… Đến thời điểm này, Đạt và đội ngũ tự hào, TPG là đơn vị thiết kế sân chơi từ vật liệu tự nhiên, tái chế đẳng cấp nhất Việt Nam.
Không sợ thiếu đất sống
Bất cứ ai sinh ra và lớn lên trong thành phố đều đối mặt với không gian chật hẹp. Nhưng có lẽ, do thích ứng với hoàn cảnh, nên đôi khi, chúng ta quên mất rằng, trẻ em cần không gian để vận động. Hiện nay, trẻ em thành phố rất thiếu chỗ chơi, hoặc muốn chơi thì phải trả phí.
Vì vậy, với Đạt và các thành viên TPG, việc giành lại những khu đất bị sử dụng sai mục đích để xây dựng sân chơi cho trẻ em chính là một “cuộc chiến” giành lại ký ức và bảo vệ những ký ức cho thế hệ đi sau. Không chỉ vậy, việc làm đồ chơi cho trẻ em cũng mang lại niềm vui cho các thành viên.
Theo Đạt, nếu tạo ra sân chơi miễn phí sẽ giúp mọi đứa trẻ được bình đẳng chơi trong không gian đó, kể cả những trẻ em kém may mắn, thiệt thòi trong cuộc sống.
TPG làm sân chơi handmade, làm từ gỗ mà không được phép phá rừng. Đội ngũ thiết kế tại TPG luôn hướng đến những sân chơi theo tiêu chuẩn của Nhật Bản, châu Âu. Sắp tới, TPG sẽ vươn vào TP.HCM, đến các địa điểm xa trung tâm, gần khu công nghiệp. Đạt cũng đang tìm đối tác là các xưởng gỗ lắp ráp ở TP. HCM để tiết kiệm chi phí.
Hơn một thập kỷ trước, Đạt bắt đầu nghe đến doanh nghiệp xã hội. Khi đó, anh không rõ doanh nghiệp xã hội hoạt động như thế nào và đến nay, sau khi TPG đã ổn định, anh cùng đội ngũ TPG vẫn thấy mô hình này còn mới mẻ. Tuy nhiên, khi được tận mắt chứng kiến sự thay đổi của các thành phố, nhìn thấy sự trưởng thành của những đứa trẻ, thấy các em mạnh dạn hơn, khỏe mạnh hơn, Đạt và các cộng sự thấy con đường mình lựa chọn là đúng.
“Start-up thường đi với công nghệ, ít người dũng cảm đi theo con đường doanh nghiệp xã hội, họ muốn đi thật xa. Nhưng tôi nghĩ, trước hết, hãy giải quyết vấn đề ngay tại nơi mình sống để xã hội trở nên tốt đẹp hơn”, Đạt nói và cho rằng, nghề làm sân chơi vẫn còn rất nhiều không gian để phát triển tại Việt Nam và hoàn toàn có thể giúp những người đi theo con đường này sống tốt với nghề.
Cố gắng có lãi để làm sân chơi từ thiện
Khách hàng thường xuyên của Think Playgrounds! (TPG) là các doanh nghiệp, trường học quốc tế, nông trại giáo dục, khu chung cư, khu resort… Đặc biệt, các đối tác đến từ Đức, Pháp, Nhật Bản đánh giá, sân chơi của TPG không chỉ được thiết kế ứng dụng tiêu chuẩn sân chơi từ châu Âu, mà còn mang đầy tính triết lý. “Mỗi năm, chúng tôi đều cố gắng bán thật nhiều sân chơi cho các khách hàng này để có lãi và đủ khả năng làm sân chơi từ thiện”, Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, đồng sáng lập TPG nói.