Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - con người hành động
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu không còn nữa! Cả cuộc đời ông sống giản dị, gần gũi với đồng đội, đồng chí cũng như lớp trẻ, cấp dưới. Thế hệ chúng tôi, qua những câu chuyện với những người quen biết ông cũng như các bài viết, bài phát biểu trên cương vị là người lãnh đạo Đảng của quân đội, đều hiểu và quý ông.
Kỷ niệm trước ngày giải phóng Sài Gòn
Tôi có một kỷ niệm với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lúc ông còn trong quân đội, trước cửa ngõ Sài Gòn cận kề ngày giải phóng 30-4-1975. Sau gần 1 tháng hành quân từ Bắc vào Nam, chứng kiến những trận đánh trực tiếp của quân và dân ta ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, tôi và Hoàng Thiệm (đều thuộc Thông tấn Quân sự) được lệnh của Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) tìm kiếm, liên hệ với Quân đoàn 2 tiến về Sài Gòn.
Những phóng viên mặt trận chúng tôi luôn được cán bộ chiến sĩ và người dân ở vùng mới giải phóng ưu ái, giúp đỡ.
Chiều 28-4-1975, chúng tôi tìm được Sở Chỉ huy cánh Đông Nam ở Xuân Lộc. Trời lất phất mưa trong cánh rừng cao su, chúng tôi gặp Trung tướng Phạm Hồng Cư (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị), lúc đó là Cục trưởng Văn hóa, đặc trách công tác chính trị của cánh quân này. Ông hồ hởi truyền đạt như một mệnh lệnh: “Các cậu hãy tìm cách liên hệ với Quân đoàn 2. Sở Chỉ huy của Quân đoàn 2 nằm cách đây không xa”. Chúng tôi không kịp nghỉ ngơi, xốc lại ba lô, kiểm tra máy ảnh, sổ ghi chép và thuốc men.
Chiều 29-4, chúng tôi có mặt và nhờ các chiến sĩ ở Cục Chính trị Quân đoàn 2 đưa thẳng chúng tôi đến gặp thủ trưởng Lê Khả Phiêu, lúc đó là Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 2. Ông lộ vẻ vui mừng, nói rành rọt không hề gợn một chút mệnh lệnh, mà như lời động viên: “Các đồng chí đến hơi muộn, chúng tôi vừa tổ chức một tổ quay phim theo mũi nhọn tiến vào Sài Gòn. Bây giờ tôi cho anh em chiến sĩ “truyền đạt” dẫn các đồng chí đến mũi tiến công của Sư đoàn 304 đang phối hợp với Lữ đoàn xe tăng 203”.
Nhìn khuôn mặt đôn hậu với đôi mắt trũng sâu của người chỉ huy sau bao ngày bám sát mặt trận, bám sát đơn vị và những cử chỉ thân thiện, trong lòng chúng tôi hồi hộp và niềm vui khôn tả như được vị cứu tinh giúp đỡ, chỉ dẫn. Khi các chiến sĩ “truyền đạt” có mặt, ông bắt tay truyền hơi ấm và niềm tin sẽ hoàn thành nhiệm vụ trong mỗi chúng tôi. Chúng tôi kịp tiếp cận với đơn vị thông tin của Sư đoàn 304.
Sau một đêm vượt qua hỏa lực, xe tăng, pháo binh của địch, rạng sáng 30-4-1975, sau khi vượt căn cứ Nước Trong, chúng tôi nhảy lên xe tăng của Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203 bắt đầu theo hướng 15, đè bẹp các ổ đề kháng còn lại của địch ở Thủ Đức, vượt cầu xa lộ sông Đồng Nai nhằm thẳng hướng nội thành Sài Gòn mà tiến. Cũng nhờ đó mà tôi và anh Hoàng Thiệm có mặt ở Dinh Độc Lập vào những giờ phút đầu tiên khi nội các của ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.
Tâm hồn cách mạng và tình đồng chí thiêng liêng
Thượng tướng Lê Khả Phiêu - người gắn bó với những chiến trường ác liệt, từ mặt trận Thừa Thiên - Huế và sau này là ở Mặt trận 479, trên chiến trường Campuchia, hơn ai hết ông là người đồng cam cộng khổ, lăn lộn cùng cán bộ chiến sĩ đã tạo nên tư chất của một vị lãnh đạo luôn gắn bó, đặt niềm tin vào cán bộ chiến sĩ quân đội và nhân dân.
Sau này trở thành Tổng Bí thư, ông lăn lộn với cuộc sống của người dân, nắm bắt tường tận tình hình ở các tổ chức cơ sở Đảng. Ông đã thấy rõ những khuyết tật trong Đảng về tình trạng lộng quyền, chuyên quyền độc đoán, tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên; sức chiến đấu của một số cơ sở Đảng bị tê liệt. Từ đó, ông đã đề xuất với Bộ Chính trị, Trung ương triển khai cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cho ra đời Nghị quyết Trung ương 6 và Nghị quyết Trung ương 6 lần 2, khóa VIII.
Như một cơ may, sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, tôi về công tác ở Báo Nhân Dân rồi chuyển sang Đài Truyền hình Việt Nam. Được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình xây dựng Đảng và chuyên mục “Đảng trong cuộc sống hôm nay”, tôi có dịp nghiên cứu thấu đáo về công tác xây dựng Đảng và tinh thần của các nghị quyết Trung ương.
Làm việc với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, mà trực tiếp là đồng chí Chủ nhiệm Nguyễn Thị Xuân Mỹ cùng các đồng chí Phó Chủ nhiệm Vũ Quốc Hùng, Lê Hồng Anh lúc đó, qua các câu chuyện, tôi hiểu rõ hơn tinh thần quyết liệt của đồng chí Lê Khả Phiêu trong chỉ đạo và hành động của cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Ông lúc nào cũng đau đáu khát vọng “Đảng hãy xứng đáng với niềm tin của nhân dân”. Sau này, tinh thần đó được Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiến hành bài bản về cả lý luận và thực tiễn. Công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã thực sự mang lại niềm tin cho cán bộ đảng viên và nhân dân ta.
Những lần đi cơ sở và các bài viết của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn gây hứng khởi trong tôi về tinh thần mới mẻ trong suy nghĩ và hành động và chỉ đạo của người đứng đầu Đảng thời kỳ đó. Từ thực tiễn chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, ông luôn quan tâm đến việc đào tạo, rèn luyện bản lĩnh, sáng tạo của con người Việt Nam; biết trân quý những giá trị hy sinh của các anh hùng liệt sĩ và những cống hiến của những tấm gương tài đức, góp phần bảo vệ, xây dựng đất nước. Những bài viết của ông như tự nhắc nhở mình: “Nhưng quan trọng hơn, đem những tấm gương ấy soi lại mình, từ xúc động chân thành và lòng cảm phục tạo thành sức mạnh tự thân, kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, học tập những điều tốt đẹp để trở thành những cán bộ đảng viên trước nhân dân, trước chế độ để làm những công dân gương mẫu” (trích bài phát biểu của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ở Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ 6 tại Hà Nội, từ ngày 21 đến 24-11-2000).
Hôm nay, trước mắt tôi vẫn hiển hiện một vị Tổng Bí thư với những lời nói và hành động, khát vọng xây dựng Đảng thật sự trong sạch vững mạnh. Con người ông chân thực, tưởng chừng những tiếng nói như hạt lúa, củ khoai nhưng tâm hồn cách mạng và tình đồng chí thật thiêng liêng, dồn cả vào từng bước đi của đất nước, của nhân dân.
ĐẬU NGỌC ĐẢN
Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nguyen-tong-bi-thu-le-kha-phieu-con-nguoi-hanh-dong-679195.html