Nguyễn Trọng Thế - Người có công khai phá vùng đất Lộc Giang

Tại ấp Lộc Chánh, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, có khu lăng mộ cổ còn tương đối nguyên vẹn trên một gò cao, cây cối rậm rạp. Lăng có chiều dài 8m, rộng 4m, cổng lăng rộng 2m, xung quanh xây tường. Nhìn tổng thể, lăng có hình bán nguyệt, trong lăng có 2 ngôi mộ. Đây là lăng mộ của ông Nguyễn Trọng Thế và bà Nguyễn Thị Dơn - phu nhân ông.

Đình Lộc Giang, thờ ông Nguyễn Trọng Thế

Đình Lộc Giang, thờ ông Nguyễn Trọng Thế

1. Theo truyền thuyết và tư liệu còn lưu giữ của Ban Quý tế đình thần Lộc Giang, ông Nguyễn Trọng Thế sinh ra tại Gia Định, sau đó theo phò Tả quân Lê Văn Duyệt, giữ chức vụ Cai cơ[*], chỉ huy khoảng 500 quân lính. Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi (năm 1802), ra lệnh giải tán phần lớn quân lính, cho họ về khai hoang, sản xuất nông nghiệp, mở rộng vùng đất phương Nam. Nhân cơ hội này, Nguyễn Trọng Thế xin phép vua cho từ quan, đưa quân lính về vùng đất Lộc Giang - Đức Hòa ngày nay khai hoang, chia đất cho mọi người cày cấy. Đồng thời, ông có nhiệm vụ chỉ huy phòng thủ phía Tây thành Gia Định. Vùng đất Lộc Giang lúc bấy giờ khá rộng, bao gồm các xã: Tân Mỹ, Hiệp Hòa, An Ninh Đông, An Ninh Tây ngày nay. Dưới sự chỉ huy của ông Nguyễn Trọng Thế, cả một khu vực rộng lớn được khai phá, trồng lúa, dần dần ổn định, hình thành xóm làng và cộng đồng dân cư. Từ đó, nhiều dòng họ ra đời, duy trì và phát triển đến ngày nay.

Trải qua bao khó khăn, gian khổ, vùng đất Lộc Giang và các xã lân cận từ vùng đất hoang vu đã trở thành đồng ruộng, nhà cửa mọc lên ngày một nhiều. Tương truyền, Nguyễn Trọng Thế chia 1/3 số ruộng đất khai phá cho 4 tộc họ đông nhất thành 7 xóm, được xác định tương ứng với 7 ấp của xã Lộc Giang hiện nay: Họ Nguyễn ở xóm Rạch Bà Mãng (ấp Lộc Chánh); họ Lê ở xóm Cây Mai (ấp Lộc Hòa); họ Trần ở xóm Bàu Khách (ấp Lộc Thuận); họ Trần ở xóm Hố Tre (ấp Lộc Thạnh); họ Lê, họ Hà ở xóm Mía (ấp Lộc Bình); họ Lê, họ Nguyễn ở xóm Bàu Dài (ấp Lộc Hưng) và họ Lê, họ Hà ở xóm Mới (ấp Lộc An). Phần lớn ruộng đất còn lại, ông chia cho tất cả mọi người để canh tác.

Khu lăng mộ ông Nguyễn Trọng Thế và bà Nguyễn Thị Dơn

Khu lăng mộ ông Nguyễn Trọng Thế và bà Nguyễn Thị Dơn

Do tuổi cao, sức yếu, bệnh tật thường xuyên nên ông Nguyễn Trọng Thế qua đời vào ngày 15 tháng 02 (Âm lịch) năm Bính Thân (năm 1836). Tưởng nhớ công lao của ông, dân làng xây dựng lăng mộ tại ấp Lộc Chánh ngày nay. Sau khi tạ thế, người dân tôn vinh ông như một vị thần, có công khai phá vùng đất Lộc Giang nên lập đền thờ ông gần lăng mộ. Sau đó, ngôi đền này được bà Nguyễn Thị Dơn (phu nhân của ông) sửa lại thành ngôi chùa, dân làng gọi là chùa Bà Quan (nay gọi là chùa Phước Long). Ngôi chùa này là nơi thờ ông Nguyễn Trọng Thế, hàng năm, vào ngày rằm tháng 02 Âm lịch, phật tử gần xa đến cúng bái khá đông. Hiện nay, bài vị ông bằng chữ Hán được thờ tại chùa Bà Quan. Ông Nguyễn Trọng Thế và bà Nguyễn Thị Dơn có 2 cô con gái, tên là Nguyễn Thị Ngươn và Nguyễn Thị Dị. Sau khi qua đời, 2 người được chôn cất gần lăng mộ ông bà. Hiện nay, 2 ngôi mộ này vẫn còn.

2. Năm 1862, Ban Hội tề làng Lộc Giang cho xây dựng đình thần tại bến đò Lộc Giang để thờ ông Nguyễn Trọng Thế, ông được tôn thờ như vị tiền hiền của làng. Đến năm 1946, sau khi giặc Pháp tái chiếm Lộc Giang, địch cho đóng đồn tại đình, vì vậy, người dân dời ngôi đình về ấp Lộc Bình (đình thần Lộc Giang hiện nay) để tiếp tục thờ ông.

Sau ngày miền Nam giải phóng (30/4/1975) đến nay, hàng năm, vào ngày rằm tháng 02 Âm lịch, tại đình Lộc Giang, Ban Quý tế và người dân địa phương long trọng tổ chức lễ Kỳ yên; đồng thời, đây cũng là lễ cúng ông Nguyễn Trọng Thế, thu hút đông đảo người dân tham dự. Trong lễ Kỳ yên, Ban Quý tế đến chùa Phước Long rước bài vị ông Nguyễn Trọng Thế về đình, sau khi cúng bái xong hồi bài vị trở về chùa. Lễ Kỳ yên là lễ hội thường niên ở đình Lộc Giang, đây là dịp để người dân địa phương tỏ lòng thành kính và tri ân công lao ông Nguyễn Trọng Thế - người có công khai phá vùng đất Lộc Giang.

Đã hơn 2 thế kỷ qua, các thế hệ tiền nhân đã khai mở, vun bồi để Lộc Giang hôm nay trở thành một vùng đất trù phú, KT-XH ngày càng phát triển. Với truyền thống Uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta, người dân Lộc Giang luôn tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền nhân, các thế hệ cha ông có công khai hoang mở cõi; trong đó, ông Nguyễn Trọng Thế là nhân vật tiêu biểu, xứng đáng được tri ân và tôn thờ./.

Văn Hiếu

[*] Cai cơ thời Nguyễn là một chức võ quan. Cai cơ đứng đầu một cơ. Về phẩm tước, Cai cơ hàm Chánh tứ phẩm. Về cấp bậc, Cai cơ cao hơn Cai đội và thấp hơn Chưởng cơ, Lãnh binh, Vệ úy và Đốc binh. Về số quân thời Nguyễn, một Cơ gồm 10 đội, một đội nhiều hoặc ít hơn 50 lính. Như vậy, một cơ từ 500-600 lính.

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nguyen-trong-the-nguoi-co-cong-khai-pha-vung-dat-loc-giang-a152171.html