Nguyên Tư lệnh tối cao NATO khẳng định 'Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền sai trái đối với phần lớn Biển Đông'

Trong bài viết 'Chiến tranh lạnh đang nóng lên ở Biển Đông' đăng trên Bloomberg, James Stavridis - cựu Đô đốc Mỹ, nguyên Tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khẳng định, 'Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền sai trái đối với phần lớn Biển Đông'.

Tàu hải quân Trung Quốc. Ảnh: AFP/Getty Images

Tàu hải quân Trung Quốc. Ảnh: AFP/Getty Images

James Stavridis nhắc đến "nền tảng lịch sử của các yêu sách Trung Quốc" chính là hành trình của Trịnh Hòa - một đô đốc thế kỷ 15 (người mà ông đã viết trong cuốn Sailing Sailing True North)với những chuyến thám hiểm trên Biển Đông, Ấn Độ Dương, vùng biển châu Phi và vùng biển Ả Rập là huyền thoại.

Theo như James Stavridis giới thiệu, phần lớn thời gian trong sự nghiệp đi biển của ông là ở Thái Bình Dương và Biển Đông.

Biển Đông có kích thước của vùng Caribbean và Vịnh Mexico cộng lại. Đáy biển đầy dầu và khí tự nhiên. Gần 40% lượng hàng hải quốc tế được vận chuyển qua vùng biển này.

Tuy nhiên, cựu Đô đốc Mỹ khẳng định, "Đó không phải là cơ sở pháp lý để Trung Quốc tuyên bố toàn bộ Biển Đông là của riêng. Lập luận này đã bị các quốc gia ven biển Đông và các tòa án quốc tế bác bỏ".

Đánh giá tình hình hiện nay, James Stavridis cho rằng, khi mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc xấu đi do bất đồng liên quan đến dịch COVID-19 toàn cầu, cơ hội cho một cuộc xung đột ở Biển Đông lại đang tăng lên.

Để đẩy lùi các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, Hải quân Hoa Kỳ tiến hành cái gọi là "tự do tuần tra hàng hải" để chứng minh rằng đây là những vùng biển quốc tế. Song, nguyên Tư lệnh tối cao NATO thừa nhận, "Những cuộc tuần tra này có thể gây căng thẳng".

Thực tế, trong những tuần gần đây, một số tàu chiến của Hoa Kỳ - bao gồm cả khu trục hạm Barry mà James Stavridis từng chỉ huy vào đầu những năm 1990 - đã đối đầu với tàu Trung Quốc trong khi tiến hành tuần tra, nhưng họ đã tránh được sự leo thang căng thẳng.

"Những vụ việc này sẽ tiếp tục gây xáo trộn trong quan hệ Mỹ-Trung và sẽ lặp đi lặp lại thường xuyên hơn trong những năm tiếp theo. Các tàu chiến của Mỹ đã tìm ra cách để cân bằng khi bị các tàu của Iran đối đầu và quấy nhiễu tại vùng Vịnh, và họ sẽ cần làm như vậy ở Biển Đông - nơi lợi ích của Mỹ còn lớn hơn" - ông James Stavridis viết.

Theo cựu Đô đốc, "chìa khóa để giải quyết tình hình là dần dần uốn cong hành vi của Trung Quốc mà không phá vỡ mối quan hệ quốc tế theo cách dẫn đến Chiến tranh Lạnh hoặc xung đột vũ trang. Cách tốt nhất để làm điều đó là kêu gọi thêm nhiều đồng minh quốc tế tham gia vào tự do tuần tra hàng hải (bao gồm các đối tác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương cùng với Australia và Nhật Bản); xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ hơn với các quốc gia khác ven Biển Đông.

Các biện pháp đối đầu này phải được kèm theo một loạt các đề nghị để có được sự hợp tác của Trung Quốc. Có thể bao gồm các thỏa thuận thương mại và thuế quan tiếp tục cung cấp quyền truy cập vào các thị trường Hoa Kỳ sau khi hai nước đạt được thỏa thuận thương mại trước khi xảy ra đại dịch COVID-19; hợp tác trên các tuyến thương mại Bắc Cực và các tiêu chuẩn môi trường ở đó, một điều mà Bắc Kinh rất mong muốn; tiến hành các hoạt động nhân đạo chung; xây dựng chuẩn mực hành vi giữa hải quân hai nước và tìm hiểu khả năng có được các thỏa thuận kiểm soát vũ khí chiến lược và chiến thuật.

Với những nhận định về tình hình Biển Đông qua mối quan hệ Mỹ-Trung, Nguyên Tư lệnh tối cao NATO đưa ra dự báo là "tình hình Biển Đông sẽ thực sự khó khăn".

Cựu Đô đốc Stavridis kể lại: “Một vài thập kỷ trước, khi tôi còn chỉ huy một nhóm tàu khu trục hoạt động tại vùng biển này, các tàu của tôi đã thực hiện nhiệm vụ tương tự. Bao gồm việc đi qua các vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, ngày nay là khu vực có các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa với việc triển khai tên lửa, xây dựng đường băng, bố trí súng tầm xa và triển khai quân đội.

Trung Quốc thường cho các máy bay lượn qua lượn lại phía trên các tàu khu trục – đôi khi chúng chỉ bay trước mũi tàu vài chục feet – hoặc điều tàu chiến và tàu khu trục để thách thức tàu của Mỹ. Hoạt động đe dọa có thể bao gồm việc yêu cầu tàu Mỹ phải dừng lại, dọa nạt qua sóng radio, hướng hệ thống radar điều khiển hỏa lực chính xác về phía tàu Mỹ, chĩa tên lửa và súng nhằm vào hướng các lực lượng Mỹ và áp sát các tàu của chúng tôi ở khoảng cách gần, đe dọa đảm bảo an toàn”.

Huy Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/quoc-te/nguyen-tu-lenh-toi-cao-nato-khang-dinh-trung-quoc-co-tuyen-bo-chu-quyen-sai-trai-doi-voi-phan-lon-bien-dong-520608.html