Nguyễn Văn Minh- Nhà báo áo lính trên 'mặt trận không khói súng'

Mới có hơn 10 năm cầm bút, từ một sĩ quan chính trị 'rẽ ngang' trở thành một nhà báo chuyên nghiệp nhưng nghề báo dường như đã 'bén duyên' với Thượng tá Nguyễn Văn Minh, Báo Quân đội nhân dân.

Với 4 lần đoạt giải Báo chí Quốc gia, 2 lần đoạt giải Búa liềm vàng,Thượng tá Nguyễn Văn Minh là ngòi bút quen thuộc và sắc bén trong một lĩnh vực tương đối khó hiện nay: Đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, chống các quan điểm sai trái, thù địch…

Bí quyết giải thưởng

Trước thềm lễ trao giải Báo chí Quốc gia năm nay, Nguyễn Văn Minh cùng nhóm tác giả Phạm Văn Huấn, Nguyễn Tấn Tuân, Hồ Quang Phương đã đoạt giải B thể loại xã luận, bình luận, chuyên luận (không có A) với loạt bài “Kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức, chạy quyền”- vấn đề cấp bách hiện nay”. Trước đó, năm 2017, anh cùng các đồng nghiệp đã đoạt giải A Báo chí Quốc gia với loạt bài “Phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng - vấn đề sống còn của Đảng và chế độ ta”. Năm 2016, anh và các đồng nghiệp đoạt giải B Giải Báo chí Quốc gia với loạt bài “Làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”: Tỉnh táo, chủ động đấu tranh với thông tin xuyên tạc, bịa đặt’'.

Nhà báo Nguyễn Văn Minh.

Không chỉ thành công ở thể loại chính luận, Nguyễn Văn Minh còn là một cây bút viết điều tra, phóng sự có kinh nghiệm. Anh từng có 5 năm được phân công phụ trách mảng phóng sự, ký sự nhân vật của Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần và 5 năm đảm nhiệm mảng điều tra theo đơn thư bạn đọc tại Phòng Bạn đọc và Cộng tác viên Báo Quân đội nhân dân. Năm 2012, anh từng đoạt giải B (không có giải A) Giải Báo chí Quốc gia thể loại Phóng sự, Phóng sự điều tra, Ký báo chí, Ghi chép với loạt bài “Con đường Nam quốc sơn hà” viết về bộ đội mở đường tuần tra biên giới.

Chia sẻ về bí quyết giành được các giải thưởng Báo chí Quốc gia, anh cho biết: Các tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia phải tiêu biểu về đề tài, nội dung, tác động xã hội. Vì thế, ở Báo Quân đội nhân dân, những bài đoạt giải thường được tổ chức công phu, có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Biên tập. Nhóm phóng viên tham gia thường là những cây bút chủ lực hoặc những cộng tác viên có uy tín. Trước khi thực hiện, nhóm tác giả thường bàn bạc, xây dựng thống nhất đề cương và có một “kế hoạch tác chiến” rõ ràng. Tuy nhiên, cũng có lúc, đó là những tác phẩm mang dấu ấn cá nhân với những đề tài độc quyền, đột phá như loạt phóng sự “Con đường Nam quốc sơn hà” viết về bộ đội mở đường tuần tra biên giới, Nguyễn Văn Minh đã may mắn có nhiều chuyến công tác đi khắp 25 tỉnh có biên giới, đến hàng chục đơn vị mở đường, toàn những nơi hầu như ít có nhà báo nào đặt chân nên đã có được những phóng sự ấn tượng.

Muốn rèn tay nghề, phải đi và viết nhiều lĩnh vực

Chia sẻ với chúng tôi về con đường đến với nghề báo, anh cho biết: Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp ở Báo Quân đội nhân dân thường đến với nghề báo chuyên nghiệp từ vai trò của một cộng tác viên. Vào đầu những năm 2000, khi mới tốt nghiệp trường sĩ quan và là cán bộ chính trị ở Học viện Chính trị - Quân sự, tôi bắt đầu viết bài cộng tác với Báo Quân đội nhân dân. Ban đầu, tôi chỉ tham gia viết những bài viết nhỏ trong mục “Thư về tòa soạn”. Tôi viết những gì mình thấy hằng ngày, trên đường đi công tác. Thật bất ngờ, sự cộng tác của tôi được tòa soạn chú ý. Đồng chí Trưởng phòng Bạn đọc và Cộng tác viên, một đại tá, nhà báo kỳ cựu đã viết thư tay (khi đó internet, điện thoại di động chưa thông dụng như bây giờ) động viên tôi cộng tác để trở thành một nhà báo chuyên nghiệp. Chính tình cảm đó thôi thúc tôi cộng tác tích cực hơn và sau đó được Báo Quân đội nhân dân “xin” về. Năm 2007, tôi được Bộ Quốc phòng điều động về Báo Quân đội nhân dân công tác.

Làm báo, Nguyễn Văn Minh ấn tượng với phát biểu của một lãnh đạo tòa soạn những ngày đầu về báo: “Trước kia, các cậu là cộng tác viên (CTV), Thông tin viên (TTV) thì “có thì viết”, hoặc “thích thì viết”. Nay về làm báo chuyên nghiệp, trở thành phóng viên (viết tắt PV) thì “phải viết”, nghĩa là nhiều đề tài, nhiều nội dung không thích cũng “phải viết”. Vì đó là nhiệm vụ. Mà đã là nhà báo, là người lính thì lời thề thứ hai là phải “tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên”.

Báo Quân đội nhân dân luôn có một phương châm rèn luyện, bồi dưỡng phóng viên thông qua những việc “phải viết” như vậy. Nguyễn Văn Minh kể rằng, những ngày đầu về báo, công việc đầu tiên anh được giao là phụ trách trang “Câu lạc bộ chiến sĩ”, gồm tổ chức các mẩu chuyện cười, tranh vui, thơ trào phúng… Việc này khiến anh rất thất vọng vì nó có phần vụn vặt. Như đọc được tâm lý của anh, Thiếu tướng Nguyễn Quang Thống, khi đó là Tổng Biên tập đã động viên: “Cứ làm đi, càng qua nhiều công việc càng trưởng thành. Ngày xưa, chính chú cũng từng được giao phụ trách mục này đấy!”.

Nhà báo Nguyễn Văn Minh.

Trở thành phóng viên sau một năm, Nguyễn Văn Minh có một quyết định táo bạo: Xung phong đi vào đơn vị thường trú tại Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh 3 tháng. Lúc đó, anh chỉ có một suy nghĩ, mình còn trẻ, nghề báo cần phải có trải nghiệm, có vốn sống. Nếu chỉ ngồi ở Hà Nội thì không biết đến khi nào mới đi hết mọi vùng miền đất nước, nhất là khu vực phía Nam. Vì vậy, anh xung phong đi thực tế. Suốt 3 tháng trời, anh nhờ các phóng viên phía Nam đưa đi khắp 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ, 7 tỉnh miền Đông Nam Bộ. Hành trình miệt mài ấy đã giúp anh có kho tàng kiến thức, kinh nghiệm quý giá và hơn thế là hàng loạt phóng sự, ký sự chất lượng gửi về tòa soạn. Anh bật mí, cũng nhờ đi thực tế mà mình không bị đóng khung là một phóng viên phụ trách trang báo Cuối tuần nữa, có thể thoải mái viết tin bài cho báo hằng ngày, cộng tác với mọi phòng ban, tay nghề nhờ thế tiến bộ nhanh. Từ kinh nghiệm, cách làm hiệu quả của anh, đến nay Báo Quân đội nhân dân đã hình thành quy định, mọi phóng viên trẻ đều phải đi thực tế, “đổi đầu” giữa các cơ quan đại diện ở mọi miền đất nước để bồi dưỡng phóng viên.

Một ngòi bút chính luận dũng cảm

Nguyễn Văn Minh là một nhà báo thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook với trang cá nhân phản ánh chuyên sâu về việc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, phòng, chống “Diễn biến hòa bình”. Nhiều người vì thế nghĩ rằng anh là một cây bút được phân công chuyên viết về mảng đề tài chính luận của Báo Quân đội nhân dân. Nhưng tâm sự với chúng tôi, anh bật mí đó lại chỉ là “tay trái” của anh. Ở tòa soạn, công việc chính mà anh được phân công trải qua nhiều công việc làm báo khác nhau. Anh từng có nhiều năm làm phóng viên kinh tế - xã hội, phóng viên theo dõi hoạt động của Quốc hội, theo dõi ngành giáo dục và đào tạo; nhiều năm công tác tại Phòng Bạn đọc và Cộng tác viên, trực tiếp thực hiện mảng báo chí điều tra, chống tiêu cực xã hội.

Nhà báo Nguyễn Văn Minh trong một chuyến công tác viết bài về đường tuần tra biên giới năm 2010.

Trước đây, mảng đề tài phòng, chống Diễn biến hòa bình của Báo Quân đội nhân dân thường được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các cây viết chính luận gạo cội thực hiện. Sau này, qua góp ý của bạn đọc, để các bài viết bớt tính hàn lâm, học thuật, cần có cách thể hiện mang phong cách gần gũi với bạn đọc hơn.

“Vào khoảng năm 2011, một hôm tôi bất ngờ được Đại tá Đoàn Xuân Bộ, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân hiện nay, khi đó là Trưởng phòng Văn hóa – Thể thao gọi điện trao đổi. Giọng anh Bộ vui vẻ: “Chú có thể tham gia một bài chống Diễn biến hòa bình” được không? “Ôi thể loại đó khó lắm, chỉ các giáo sư tiến sĩ mới viết được, em đâu dám tham gia?” – tôi thật thà trả lời. “Chú cứ thử sức đi. Tôi đọc giọng điệu các bài báo khác của chú, tin rằng chú có thể viết được” – anh Bộ động viên.

Thế là tôi mày mò viết bài “Họ đã bắn vào quá khứ”, nêu hiện tượng nhiều cán bộ sau khi nghỉ hưu viết hồi ký lại có quan điểm cơ hội xét lại, phản bội lý tưởng cộng sản. Bài viết chỉ chọn một vấn đề nhỏ cùng nhiều dẫn chứng cụ thể nhưng được bạn đọc đánh giá cao. Từ đó, tôi được tin tưởng giao tham gia viết cho chuyên mục “Làm thất bại chiến lược Diễn biến hòa bình” mỗi khi có đề tài phù hợp. Để thực hiện mảng đề tài rất khó này, một phần anh phát huy được sở trường là một cán bộ chính trị quân đội tốt nghiệp chuyên ngành xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, có kiến thức nền vững chắc. Nhưng một phần quan trọng là phải tích cực học tập, nghiên cứu, nắm vững các đường lối, chủ trương mới của Đảng; các vấn đề thời sự - chính trị trong nước và thế giới. Đặc biệt, phải biết cách đọc, nhận định, phân tích các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch sao cho chính xác, khách quan, kịp thời.

“Đây là đòi hỏi rất khó vì các thủ đoạn chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, phức tạp. Mình nhận định đúng là một chuyện nhưng đấu tranh cái gì, phản bác cái gì, mức độ ra sao không đơn giản. Nếu không tỉnh táo, nhiều khi chính chúng ta lại mắc mưu của chúng, tuyên truyền không công cho những âm mưu của chúng, thành ra “phản tuyên truyền” – anh tâm sự.

Công việc khá bận rộn nhưng Nguyễn Văn Minh vẫn tranh thủ thời gian biên soạn và tham gia thực hiện nhiều cuốn sách những năm qua như: Những người đứng nơi đầu sóng (2009, 2011), Kỷ lục quân sự Việt Nam – bước đầu tìm hiểu (2014), Biển rừng xanh màu áo (2017). Anh cho biết, tới đây sẽ xuất bản cuốn sách tuyển tập các bài viết chính luận mang tên "Chặt cành để cứu cây".

Để có được những tác phẩm đấu tranh sắc bén, anh cho rằng nhà báo phải biết dựa vào đội ngũ chuyên gia, các nhà nghiên cứu và dựa vào chính bạn đọc. Nhờ đó, nhà báo có được những thông tin thiết thực, tăng thêm độ thuyết phục cho bài viết. Trong một số bài chính luận của Báo Quân đội nhân dân mấy năm vừa qua, đôi khi trích dẫn luận điểm của những nhà nghiên cứu nước ngoài, thậm chí từ Mỹ về một số vấn đề liên quan dân chủ, nhân quyền, được bạn đọc đánh giá cao.

Viết về chống diễn biến hòa bình chính là cuộc chiến trên mặt trận không tiếng súng, một mặt trận tưởng như thầm lặng nhưng không kém phần cam go, phức tạp. Nhà báo Nguyễn Văn Minh cho biết, anh thường xuyên phải đối diện với những luận điệu xuyên tạc, chửi bới, ném đá của “phía bên kia”. Thậm chí có thời điểm, điện thoại của anh liên tục nhận được những cuộc gọi chửi bới, đe dọa, thậm chí anh nhiều lần bị dọa giết. Có những đối tượng chống cộng cực đoan đến mức theo dõi nhiều năm, khi về Việt Nam thì gọi điện hẹn anh ra Bờ Hồ uống cà phê kèm theo lời răn đe “xử lý”.

Tuy vậy, những khó khăn, phức tạp không làm anh chùn bước. Với anh, lời Bác Hồ dạy “ngòi bút là vũ khí chiến đấu”, nhà báo quân đội là những người “hai lần chiến sĩ” luôn là những điều thiêng liêng thôi thúc anh cầm bút. Góp thêm một tiếng nói đấu tranh cũng là vì sự bình yên, vì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển của đất nước.

Bài, ảnh: Quang Thái- Chí Dũng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguyen-van-minh-nha-bao-ao-linh-tren-mat-tran-khong-khoi-sung-post63818.html