Nguyễn Việt Phương - người xây dựng 2 sản phẩm OCOP 3 sao
Với sự quyết tâm cao để khẳng định chính mính, ngoài việc sản xuất nông nghiệp, anh Phương đã thuê mướn đất của anh em họ hàng, tập trung phát triển sản xuất nghề truyền thống của quê hương đó là làm bánh đa nem và làm miến gạo.
Sinh ra từ một vùng quê nghèo, Nguyễn Việt Phương (xã Tân Châu, Thiệu Hóa) thấu hiểu được những vất vả của nghề nông, vì vậy anh đã cố gắng học tập, thi đậu vào Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Thái Nguyên. Năm 2007 tốt nghiệp, anh Phương xin làm việc ở công ty công nghệ thông tin ngoài Hà Nội sau đó chuyển về một công ty xây dựng ở TP Thanh Hóa làm việc.
Dù mức lương hàng tháng khá cao, song năm 2012, anh Phương vẫn quyết định về quê để lập nghiệp. Nhiều người trong thôn Phú Văn, xã Thiệu Châu, nay là xã Tân Châu, không khỏi ngỡ ngàng bởi anh Phương học hành tử tế, công việc làm ổn định tại sao lại bỏ việc về quê. Nhiều người hỏi han đôi lúc cũng làm anh chạnh lòng.
Với sự quyết tâm cao để khẳng định chính mính, ngoài việc sản xuất nông nghiệp, anh đã thuê mướn đất của anh em họ hàng, tập trung phát triển sản xuất nghề truyền thống của quê hương đó là làm bánh đa nem và làm miến gạo. Không có vốn, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, gia đình anh Phương được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng, cùng với vốn tích góp của gia đình, anh mạn dạn mua máy, vật liệu phát triền nghề làm niến và bánh đa nem.
Do có nghề trong tay, chăm chỉ làm việc, say mê và sáng tạo, 2 mặt hàng của gia đình anh sản xuất đến đâu được tiêu thụ ngay đến đó. Trước kia, người làm miến, bánh đa nem hoàn toàn thủ công nên năng suất thấp, hiệu quả không cao. Những năm gần đây đã chủ động đầu tư máy móc vào một số công đoạn sản xuất nên thu nhập từ nghề làm miến gạo, bánh đa nem vì thế cũng được cải thiện đáng kể.
Làm ăn có lãi và tích lũy, anh Phương đã mua đất, mở xưởng sản xuất quy mô 480m2, ngoài ra còn đầu tư máy làm miến, máy sấy, vắt chân không, máy vo gạo liên hoàn... với tổng chi phí lên tới gần 1 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, anh Phương luôn học hỏi, tìm tòi áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật và sản xuất, mạnh dạn đưa các máy móc công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm công lao động, năng suất cao hơn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Anh cho biết, xưởng sản xuất của anh có 9 lao động gồm bố mẹ, vợ chồng và thuê thêm 5 lao động trong xã và các xã lân cận. Mỗi tháng, gia đình anh sản xuất hết 8 tấn gạo, xuất ra thị trường 2 tấn miến, 300 thùng bánh đa nem.
“Nghề làm bánh đa nem và miến vất vả lắm, phải dậy từ 2 giờ sáng với nhiều công đoạn khác nhau và sản xuất theo quy trình liên hoàn nên người thợ làm không hết việc”, anh chia sẻ thêm.
Xã Tân Châu từ lâu đã có nghề truyền thống, bước chân đến đây, đâu đâu cũng thấy miến, bánh được phơi trên khắp các ngã đường, tường bao, vườn nhà, trong sân, ngoài ngõ ở mỗi gia đình. Song việc tiêu thụ sản phẩm của các hộ sản xuất cũng gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, cơ sở sản xuất của gia đình anh Phương vẫn duy trì hoạt động, thậm chí có thời điểm không đủ hàng xuất ra thị trường. Sản phẩm miến gạo, bánh đa nem nhãn hiệu Phương Nhàn của gia đình anh được tiêu thụ ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Mỗi năm, trừ chi phí gia đình anh thu về gần 200 triệu đồng.
Từ việc mở rộng quy mô sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, cuối năm 2022 miến gạo Phương Nhàn được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Mới đây, sản phẩm bánh đa nem Phương Nhàn tiếp tục đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3. Đây sẽ là động lực để cơ sở Phương Nhàn tiếp tục xây dựng, gìn giữ, phát triển nghề truyền thống và mở rộng sản xuất bánh đa nem.