Nguyễn Viết Tôn, cây bút của biên cương, biển đảo
Từ những ngày Nguyễn Viết Tôn làm phóng viên thường trú của TTXVN ở Phú Thọ, Điện Biên, Yên Bái những tin bài của anh đã dự báo cái duyên, mà cũng có thể là cái nghiệp, của một người làm báo sẽ gắn bó lâu dài với mảng đề tài dân tộc và miền núi, nơi vùng xa vùng sâu - những vùng đặc biệt khó khăn của đất nước.
Sau này – cũng do cái duyên gắn bó với bộ đội, Nguyễn Viết Tôn lại đến với Bộ đội Biên phòng, Hải quân và Cảnh sát biển, và cũng tạo nên sự gắn bó vừa đậm tình người vừa mang đậm dấu ấn nghề nghiệp với những người lính biên cương, hải đảo.
Đi và viết
Nguyễn Viết Tôn đã viết nhiều đề tài về những vùng đất này. Qua đó người đọc thấy rõ sự nỗ lực của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đặc biệt là các lực lượng Biên phòng, Hải Quân, Cảnh sát biển cùng những con người cụ thể là ngư dân và đồng bào nơi biên cương Tổ quốc. Vì thế mà trong vòng 3 năm, từ 2020 đến 2023 Nguyễn Viết Tôn đã ra ba tập sách viết về con người và vùng đất này, đó là các tập “Cờ thắm giữa biển xanh”, “Điểm tựa xanh biên cương”, “Vững vàng nơi đầu sóng”, đều do nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản.
Chỉ với những tên sách này, người đọc cũng có thể hình dung ra tinh thần cũng như đề tài của các cuốn sách. Đó là một việc mà không phải phóng viên nào cũng có thể làm được. Ở hai góc độ, một là tiếp cận và hai là phản ánh vấn đề thì Nguyễn Viết Tôn đã làm tốt công việc này, để tìm tòi, phát hiện và phản ánh đúng vấn đề như bản chất vốn có.
Điều này đòi hỏi người viết phải bám sát thực tế, có khả năng phát hiện và kỹ năng thể hiện một cách hợp lý, khách quan, trung thực. Đó là một phẩm chất cần và đủ của một phóng viên, giản dị nhưng rất đáng quí, mà không ít phóng viên bây giờ đã không còn hội tụ đầy đủ phẩm chất này.
Ngày nay dù phóng viên có nhiều phương tiện hiện đại để tác nghiệp, công việc làm báo có phần đỡ vất vả hơn nhưng việc đi tới những vùng biên cương xa xôi, đến với quân và dân miền biên ải hay đến những vùng biển đảo xa xôi để làm một tác phẩm báo chí không thể xem là nhàn hạ như ngồi nhà lướt bàn phím. Phóng viên phải là người có nghề, cộng với lòng đam mê và tinh thần dấn thân mới có thể thường xuyên “đi về” những địa bàn này.
Đổi lại, khi tới những vùng đất khó khăn đặc biệt ấy lại “ngồn ngộn” đề tài. Người có nghề nhìn đâu cũng ra vấn đề - những vấn đề đáng để suy ngẫm, và đáng viết, viết bằng sự đồng cảm sâu sắc, có cả những thôi thúc nội tâm, và tạo được sự quan tâm của bạn đọc.
Điều này đã làm cho Nguyễn Viết Tôn trở thành một nhà báo có giác quan “thính nhạy” với các đề tài về biên cương và biển đảo. Hiện thực cuộc sống luôn là cái nôi tạo ra các nhà báo chân chính; là môi trường sinh ra các các tác phẩm báo chí và văn chương đích thực. Một tác phẩm hay phải thấm đẫm chất liệu cuộc sống, đọc lên ai cũng thấy sự nóng hổi của từng vấn đề. Cuộc sống trong báo chí là hiện thực sinh động và bao quát, là những chi tiết thật trăm phần trăm. Cái thật này rất quan trọng, nó thể hiện khả năng cũng như sự nắm bắt thực tế của nhà báo.
Thắm tình quân dân
Trong cuốn “Điểm tựa xanh biên cương” của Nguyễn Viết Tôn người đọc thích thú với rất nhiều chi tiết điển hình. Đó là khi trên các tuyến biên giới, thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn, nhiều nơi xuống dưới 0 độ C thì phải bảo đảm sức khỏe cho bộ đội bằng những việc rất thiết thực là bộ đội phải được “tắm nóng, ăn nóng”.
Việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại là kết quả của một chủ trương, một tinh thần trách nhiệm đầy tính nhân văn của chỉ huy các đơn vị đối với cán bộ chiến sĩ. Chỉ một chi tiết này, người đọc là các cựu chiến binh, là thân nhân của chiến sĩ sẽ thấy yên lòng hơn khi thấy đời sống của bộ đội đã được cải thiện, và càng yên lòng hơn khi những người lính biên cương có đủ sức khỏe để làm nhiệm vụ nơi địa đầu Tổ quốc.
“Hôm nay đến với quần đảo Trường Sa, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều dự án dân sinh được triển khai thực hiện và đưa vào khai thác có hiệu quả như: Dự án Ánh sáng Trường Sa, năng lượng sạch, trạm tìm kiếm cứu nạn, xây dựng âu tàu, nuôi trồng thủy sản, phát triển các dịch vụ, sản xuất nhằm mở rộng không gian kinh tế ngoài đảo xa, xứng đáng là điểm tựa tiền tiêu của Tổ quốc” - (Cờ thắm giữa biển xanh).
Từ sự chứng kiến và phản ánh này, người đọc đã hình dung ra “điểm tựa tiền tiêu của Tổ quốc” để rồi từ điểm tựa ấy không chỉ là giữ vững chủ quyền biển đảo mà lâu dài hơn, vững bền hơn là sự bảo đảm cho cuộc sống nơi biển đảo để từ nơi “an cư” này cư dân tiến tới làm giàu từ biển đảo. Sự khái quát của nhà báo chỉ có được một khi anh đặt chân đến nơi này để nghe, để nhìn, để đồng cảm với quân dân Trường Sa.
Đặc biệt, với những ai đã từng được đến Trường Sa từ 15 năm đến 20 năm trở về trước thì càng tin tưởng vào đường lối chiến lược về biển đảo của Đảng và Nhà nước, càng mừng cho quân dân Trường Sa bao nhiêu thì càng tự hào về quân dân Trường Sa những người ở nơi đầu sóng ngọn gió giữ cho biển đảo bình yên.
Chỉ một đoạn mô tả ngắn mà tác giả đã cung cấp những thông tin cực kỳ quí giá cho bạn đọc, lối văn thông tấn bao giờ cũng hàm súc và chính xác, dù thế vẫn cứ thấy tiếc, giá mà sau đoạn văn trên có một lời bình.
Trong cuốn sách “Vững vàng nơi đầu sóng”, tác giả đã thể hiện đậm đà tình nghĩa quân dân. Trong bối cảnh “Con đường từ âu cảng Bạch Long Vĩ đi vào Trạm 1 CSB (BTL Vùng CSB 1) dài hun hút. Gió Đông Bắc rít mạnh mang theo cái rét như cứa vào da thịt” thì bà Đồng Thị Lan ở khu dân cư số 2 cảm động biết bao được nhận quà Tết khi bà nói: “Vợ chồng tôi được các cán bộ chiến sĩ CSB đã dành tình cảm, sự quan tâm tới những gia đình chính sách, khó khăn như chúng tôi trong dịp Tết đến Xuân về. Chúng tôi cảm thấy vui và càng thêm ấm lòng hơn trong những ngày Tết cổ truyền nơi biển đảo xa xôi”.
Phong tục người Việt khi Tết đến biếu nhau tấm bánh chưng, cân thịt, hộp bánh cũng chẳng có gì đáng nói, chỉ là làm đẹp thêm, dày thêm tình làng nghĩa xóm, nhưng ở nơi biển đảo xa xôi thì quà Tết thực sự làm ấm lòng và vui lòng người nhận. Chỉ có ai đã tận mắt chứng kiến mới thấy sự giản dị trở thành cao quí. Người lính biển vượt qua giá rét đến với cư dân biển những ngày gần Tết không chỉ là ý nghĩa vật chất mà còn là tấm lòng, là tình cảm, là sự cảm thông, quan tâm, những thứ vô cùng đáng quí đối với con người nơi góc bể chân trời, thậm chí còn quí hơn những giá trị vật chất hiện hữu trong quà tặng.
Nhận xét về cuốn sách “Cờ thắm giữa biển xanh”, Chuẩn Đô đốc Đặng Minh Hải, nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân chia sẻ: “Đó chính là tình quân dân được thể hiện qua ngòi bút chân thực của người viết. Sự chân thực ấy đã làm cho người đọc “cảm thấy Nguyễn Viết Tôn như đang vắt từ cảm xúc ra từ chính tâm hồn và nhiệt huyết của mình, một người dân Việt Nam yêu nước, yêu biển đảo quê hương”.
Nguyễn Viết Tôn đã đi đến những nơi có thể gọi là “góc bể chân trời” để thấu hiểu và đồng cảm với quân và dân, rồi từ đó, thông qua trang viết anh gửi tới mỗi chúng ta một thông điệp về sự nỗ lực bền bỉ của mỗi con người nơi biên giới hay biển đảo, nơi mà cả nước luôn hướng về với những tình cảm tha thiết, tin yêu. Những bài viết của Nguyễn Viết Tôn chưa phải là đã phản ánh toàn diện cuộc sống của quân và dân nơi ấy; nhưng, nói như Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng: “Qua ngòi bút của anh, đã giúp người đọc hiểu và thấu cảm về công tác, sinh hoạt, cống hiến của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ ở cơ sở qua từng nhiệm vụ cụ thể, từng địa bàn cụ thể”.
Tôi xin nói thêm rằng, người đọc còn hiểu và thấu cảm về cuộc sống của hàng ngàn đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn và ngư dân ngày đêm bám biển qua các trang viết của Nguyễn Viết Tôn.
Đó chính là sự lao động nghiêm túc cùng với những say mê và tâm huyết đã tạo nên một cây bút của biên cương và biển đảo mang tên Nguyễn Viết Tôn.
Tháng 5/2024
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguyen-viet-ton-cay-but-cua-bien-cuong-bien-dao-post296113.html