Nguyện vọng đăng ký các trường đại học ngoài công lập tăng mạnh: Sức hút đến từ đâu?

Dù tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển tăng mạnh nhưng điểm chuẩn được dự báo sẽ không biến động nhiều, một số nơi thậm chí sẽ bằng mức điểm sàn.

Phụ huynh và học sinh đang lắng nghe chuyên gia tư vấn tuyển sinh của Trường Đại học Hoa Sen chia sẻ về các chương trình đào tạo của Trường.

Phụ huynh và học sinh đang lắng nghe chuyên gia tư vấn tuyển sinh của Trường Đại học Hoa Sen chia sẻ về các chương trình đào tạo của Trường.

Số lượng nguyện vọng tăng ở nhiều trường ngoài công lập

TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh – Truyền thông, Trường ĐH Gia Định cho biết, năm nay tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường khoảng hơn 8.000, cao gần 20% so với năm ngoái (năm 2023 có khoảng 6.500 nguyện vọng xét tuyển vào trường). “Tất nhiên, con số thí sinh chính xác vào trường năm nay bao nhiêu thì còn phải chờ lọc ảo”, ông Toàn nói.

Cũng theo ông Toàn, dự kiến chiều mai 17/8, ngay sau khi có kết quả lọc ảo, Trường ĐH Gia Định sẽ công bố điểm chuẩn.

“Mức điểm chuẩn dự kiến của các ngành ‘hot’ vào trường như Công nghệ Thông tin, Luật Kinh tế, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng… với tỷ lệ chọi cao thì điểm chuẩn khả năng sẽ tăng từ 0,5 -1 điểm; các ngành còn lại dự kiến sẽ bằng chính điểm sàn đã công bố trước đó”, ông Toàn dự báo.

ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) cho biết, năm nay có khoảng 30.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường, con số này tương đương với năm 2023. Bình quân mỗi thí sinh có từ 1 đến 5 nguyện vọng đăng ký, do đó tổng số nguyện vọng đăng ký vào trường khoảng 45.000 - 50.000.

“Về điểm chuẩn, có thể dự đoán mức điểm chuẩn năm nay của HUTECH không có nhiều biến động so với năm 2023. Thông thường, mức điểm chuẩn của Trường chênh lệch so với sàn khoảng 1-3 điểm tùy theo ngành, theo đó dự kiến điểm chuẩn năm nay có thể dao động trong khoảng 16-21”, bà Dung nói.

ThS Trương Thị Ngọc Bích - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) cho biết, năm nay trường nhận được hơn 34.000 nguyện vọng, tương đương so với 2023. Vì vậy, điểm chuẩn trúng tuyển dự kiến cũng sẽ ổn định so với năm 2023.

 Thí sinh đăng ký xét tuyển tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Ảnh: NTT

Thí sinh đăng ký xét tuyển tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Ảnh: NTT

Tại Trường ĐH Lạc Hồng, PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho hay, tổng số nguyện vọng đăng ký vào trường năm nay là 4.091, tăng thêm 1.794 nguyện vọng so với năm ngoái.

“Mức điểm chuẩn dự kiến vào trường còn phải chờ kết quả lọc ảo của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên sẽ không biến động nhiều so với năm trước”, ông Quỳnh chia sẻ.

Một số trường ĐH ngoài công lập khác như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Văn Lang… cũng cho biết tổng nguyện vọng năm nay cũng tăng cao hơn năm trước.

Số nguyện vọng đăng ký vào các trường ngoài công lập tăng dần qua các năm cho thấy hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập Việt Nam đang từng bước đóng vai trò quan trọng của mình đối với nền giáo dục; đặc biệt là chỉ còn chưa đầy 2 năm là kết thúc thời gian thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP (2019-2025) - Nghị quyết về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, với mục tiêu “phấn đấu đến năm 2025, số cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập đạt 30% và số sinh viên theo học đạt 22,5%”.

Vẫn cần cú huých cho giáo dục đại học ngoài công lập

Theo các chuyên gia giáo dục, để có thể đạt được các mục tiêu đề ra đối với giáo dục ngoài công lập tại Nghị quyết 35/NQ-CP, cần sự quan tâm rất lớn của cả hệ thống Chính trị, đặc biệt là các cơ chế tạo điều kiện, đồng hành với hệ thống các trường ngoài công lập trong việc tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, các ưu đãi về đất đai và thuế, trong đó có chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục…

Theo TS Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành; hiện các trường ngoài công lập đang gặp khó trong công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về chuẩn cơ sở giáo dục; trong đó tiêu chí 3.1 là khó khăn nhất với các trường, kể cả nhiều trường ĐH công lập.

 Sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong giờ thực hành. Ảnh: NTT

Sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong giờ thực hành. Ảnh: NTT

Để đáp ứng được tiêu chỉ 25m2 diện tích đất/người học theo Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT đưa ra, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đề cập đến 2 giải pháp.

Giải pháp 1: Giữ nguyên quỹ đất hiện tại, giảm quy mô đào tạo. Khi đó quy mô đào tạo phải giảm khoảng 3 lần và sẽ không đáp ứng chiến lược phát triển nguồn nhân lực.

"Theo các chuyên gia World Bank năm 2022 cho thấy trong số khoảng 6,9 triệu người thuộc độ tuổi đi học các chương trình sau phổ thông, chỉ có hơn 2 triệu người nhập học, vì vậy tỷ lệ tiếp cận GDĐH khoảng hơn 200.000 SV/1triệu dân. Quy mô đào tạo hiện nay chưa đạt, nếu tiếp tục giảm sẽ khủng hoảng", bà Cầm cho hay.

Giải pháp 2: Tăng quỹ đất, theo thông tư 01/2024/TT-BGDĐT để đảm bảo chất lượng đồng thời quy hoạch đảm bảo chất lượng. Thành phố cần quan tâm để mạng lưới giáo dục ĐH phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước: Có chính sách hỗ trợ tăng quỹ đất và phân bổ quỹ đất hợp lý. Xây dựng chính sách phân bổ quỹ đất dành riêng cho các trường đại học ngoài công lập. Hỗ trợ thêm chính sách ưu đãi về giá thuê đất hoặc miễn giảm tiền thuê đất trong một khoảng thời gian nhất định để hỗ trợ các trường đại học ngoài công lập.

“Đặc biệt, cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp phép sử dụng đất cho các trường đại học ngoài công lập, giúp rút ngắn thời gian và giảm chi phí. Thiết lập một cơ chế hỗ trợ pháp lý để giúp các trường giải quyết nhanh chóng các vấn đề pháp lý liên quan đến việc sử dụng và khai thác quỹ đất. Đồng thời cần thiết lập các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi dành riêng cho việc xây dựng và phát triển cơ sở vật chất của các trường đại học ngoài công lập”, bà Cầm đề xuất.

Theo vị này, kỳ hạn vay dài hạn với thời gian linh hoạt sẽ giúp các trường có đủ thời gian triển khai và hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.

Ngoài ra, Nhà nước cần có các chính sách bảo lãnh, theo đó Nhà nước có thể thiết lập các chương trình bảo lãnh vay vốn cho các trường đại học ngoài công lập. Bằng cách này, Nhà nước có thể bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ khoản vay, giúp các trường dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn từ ngân hàng và tổ chức tài chính.

 Sinh viên Trường Đại học Hoa Sen trong chuyến tham quan, trải nghiệm và học tập tại Đài Loan theo chương trình Hoa Sen Go Global.

Sinh viên Trường Đại học Hoa Sen trong chuyến tham quan, trải nghiệm và học tập tại Đài Loan theo chương trình Hoa Sen Go Global.

Thí sinh đăng ký xét tuyển tăng 73.000 em so với năm trước

Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, năm 2024, hơn 733.000 thí sinh đăng ký xét tuyển, tương đương 68,5% tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT - Đây là năm có số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH nhiều nhất trong 3 năm trở lại đây (năm 2023, hơn 660.000 thí sinh đã đăng ký xét tuyển trên hệ thống, tương đương 65,9% tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT). Như vậy, số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH năm nay tăng tới 73.000 so với năm trước.

Quốc Hải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguyen-vong-dang-ky-cac-truong-dai-hoc-ngoai-cong-lap-tang-manh-suc-hut-den-tu-dau-post696949.html