Nguyễn Xuân Tài, Nhà sáng lập Công ty cổ phần Ulstraw: Đưa sợi rơm vàng Việt Nam ra thế giới

Không chỉ để 'bện chổi to, làm chổi nhỏ', những sợi rơm đã được Nguyễn Xuân Tài sử dụng để tạo ra sản phẩm mới hữu ích, thân thiện với môi trường, xuất khẩu sang Mỹ, Canada…

“Thay đổi thế giới bắt đầu từ một cọng rơm”

Đây là sứ mệnh mà Nguyễn Xuân Tài đặt ra khi anh quyết định thành lập Công ty cổ phần Ulstraw, trong đó “Ul” là viết tắt của “Ultra” và “Ulstraw” mang nghĩa “siêu rơm”.

“Nhiều người cho rằng, sứ mệnh này thật viển vông, nhưng tôi vô cùng tự tin vào điều đó”, Nhà sáng lập Ulstraw chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.

Sự tự tin của Nhà sáng lập Ulstraw là có cơ sở. Bằng chứng là, dù mới ra mắt thị trường khoảng 1 năm, nhưng sản phẩm Eco Firelighter (tạm dịch là “mồi lửa”) do Ulstraw sản xuất được khách hàng Mỹ đánh giá rất tích cực.

Theo giải thích của anh Tài, “firelighter” là một khối vật liệu nhỏ, dễ cháy, chuyên dùng để nhóm lửa, nhóm than, được sử dụng rất phổ biến ở Mỹ và các nước Bắc Âu. Họ dùng “firelighter” để nhóm lửa khi nướng BBQ, đốt lửa trại hoặc đốt lò sưởi vào mùa đông.

Theo ước tính của Nguyễn Xuân Tài, thị trường “mồi lửa” toàn cầu có giá trị khoảng 600 - 700 triệu USD. Chỉ cần Ulstraw chiếm được 10% thị phần là đã đủ để đứng vào top doanh nghiệp sản xuất “firelighter” lớn nhất trên thế giới.

“Việt Nam có sẵn nguồn nguyên liệu đầu vào giá rẻ, chi phí nhân công thấp, cộng với mô hình kinh doanh bền vững và đội ngũ đầy tâm huyết, tôi hoàn toàn tự tin về sức cạnh tranh của Ulstraw”, Nhà sáng lập Ulstraw chia sẻ.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa mồi lửa của Ulstraw và các sản phẩm quốc tế khác chính là nguồn nguyên liệu chế biến. Thông thường, “firelighter” được sản xuất từ gỗ, giấy, nhưng Nguyễn Xuân Tài đã dùng chính rơm rạ của Việt Nam, kết hợp với một số phụ phẩm để tạo mồi lửa. Sản phẩm của Ulstraw có đặc tính mềm hơn, nhẹ hơn, dễ bắt cháy hơn, ngay cả trong điều kiện ẩm ướt và thời gian cháy cũng lâu hơn so với dòng “firelighter” khác.

Nguyễn Xuân Tài tự hào cho biết, Ulstraw là start-up đầu tiên và duy nhất trên thế giới tận dụng rơm rạ - nguồn rác thải nông nghiệp dồi dào, để sản xuất mồi lửa. Sản phẩm của Ulstraw đang được bán chủ yếu qua Amazon, tại thị trường Mỹ và Canada. Một hộp sản phẩm gồm 50 miếng mồi lửa có giá 19,99 USD (khoảng 499.000 đồng). Sau một thời gian bán hàng trên kênh này, Ulstraw nhận được 100% phản hồi của khách hàng hài lòng về sản phẩm, 82% khách hàng cho điểm tối đa.

“Tầm nhìn của chúng tôi là biến rơm rạ thành một loại nhiên liệu mới, hiệu quả hơn và thân thiện với môi trường hơn”, nhà sáng lập sinh năm 1989 khẳng định.

Đặc biệt, không chỉ hoạt động kinh doanh, Ulstraw còn là start-up tạo tác động xã hội. Doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu số 8 và 13 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đó là tăng thu nhập cho người nông dân, giảm ô nhiễm không khí và lượng khí thải CO2.

Nguyễn Xuân Tài chia sẻ, Việt Nam là nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới, nên nguồn phụ phẩm nông nghiệp là rơm rạ vô cùng phong phú. Nhiều năm trước, nông dân ở các vùng nông thôn Việt Nam sử dụng rơm làm chất đốt, nhưng sự thuận lợi của bếp gas, bếp điện đã khiến những chiếc bếp kiềng đốt bằng rơm dần biến mất. Phần lớn rơm rạ được xử lý bằng cách đốt tự phát, vừa gây ô nhiễm không khí, phá hủy hệ sinh thái của đất, vừa rất lãng phí.

Bằng cách chế tạo ra mồi lửa, Ulstraw biến rơm rạ từ nguồn rác thải trở thành một loại nguyên liệu mới. Nhà sáng lập ước tính, cứ 10.000 hộp sản phẩm Eco Firelighter được bán ra, người nông dân Việt Nam có thêm thu nhập khoảng 190 triệu đồng và giảm bớt được khoảng 26.000 kg khí CO2.

“Chúng tôi định nghĩa lại rơm. Thay vì nghĩ rằng, rơm chỉ là rác, thì Ulstraw sẽ biến rơm thành nguồn tài nguyên thiên nhiên mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, từ nông dân đến khách hàng và toàn xã hội”, anh Tài khẳng định.

Thử thách trên con đường khởi nghiệp

Nguyễn Xuân Tài sở hữu 2 tấm bằng chuyên môn: một bằng chuyên ngành công nghệ cơ khí của Trường đại học Công nghiệp và một bằng kinh tế đối ngoại của Trường đại học Ngoại thương. Anh từng làm kỹ sư cơ khí, thiết kế máy tự động hóa cho một số nhà máy có vốn FDI. Toàn bộ dây chuyền sản xuất tại nhà máy của Ulstraw (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) đều do anh thiết kế, giúp start-up đảm bảo được sự tối ưu và tính bảo mật về công nghệ.

Trước khi khởi nghiệp với Ulstraw, anh Tài từng làm công việc bán hàng, phát triển thị trường và có gần 10 năm khởi nghiệp ở các dự án khác. Dù có nhiều kinh nghiệm, nhưng khi bắt tay xây dựng Ulstraw, anh vẫn đối mặt với hàng loạt thách thức, từ tìm hiểu, phát triển sản phẩm cho đến đưa sản phẩm ra thị trường. “Nếu hỏi giai đoạn nào khó khăn nhất, thì tôi thừa nhận, giai đoạn nào cũng gặp khó khăn”, anh Tài nói.

Nhà sáng lập tình cờ biết đến “firelighter” khi được một người bạn nước ngoài cho xem hình ảnh vào năm 2018. Anh tự tìm kiếm tư liệu trên Internet và mất tới 2 năm để nghiên cứu thông tin, rồi thử nghiệm trên các nhóm vật liệu khác nhau như gỗ, giấy… trước khi quyết định dùng rơm. Sau đó, Nhà sáng lập tiếp tục tiến hành hàng trăm lần thử nghiệm để tìm ra công thức sản xuất phù hợp.

Đến khi có sản phẩm, start-up lại gặp trở ngại vì Covid-19, không thể đưa hàng ra nước ngoài. Khi đại dịch đi qua, anh Tài cùng đội ngũ chật vật tìm kiếm kênh bán hàng, trước khi nhận ra nên lựa chọn Amazon để tiến vào thị trường Mỹ. “Chúng tôi có thể tận dụng hệ thống hoàn thiện đơn hàng hiện đại của Amazon để bán hàng mà không cần lo về logistics. Thay vào đó, chỉ cần tập trung vào sản xuất và các hoạt động bán hàng trên kênh này”, Nguyễn Xuân Tài giải thích thêm.

Vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, năm 2023, dự án khởi nghiệp từ rơm Ulstraw đã giành giải nhất trong bảng Start-up của cuộc thi Social Business Creation - cuộc thi tìm kiếm các dự án tạo tác động xã hội tổ chức tại Canada. Đây là nền móng để Nguyễn Xuân Tài đưa sản phẩm tiến vào thị trường Canada và xa hơn nữa là các thị trường nơi Amazon hiện diện, như Nhật Bản, Anh, Đức…

Xác định Ulstraw không phải công ty sản xuất “mồi lửa”, mà là công ty tạo ra các sản phẩm từ nguyên liệu chính là rơm, nên ngoài sản phẩm Eco Firelighter, Ulstraw đã nghiên cứu thêm các dòng sản phẩm mới như viên nén làm từ rơm, màng chống sốc làm từ rơm. Anh Tài chia sẻ, từ nay đến cuối năm, anh sẽ tập trung mở rộng thị trường với sản phẩm “firelighter” và năm sau, start-up mới tính đến việc đưa viên nén từ rơm ra thị trường Mỹ.

Mong muốn trước mắt của Nguyễn Xuân Tài là tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp để cùng đồng hành. “Tôi ưu tiên chọn nhà đầu tư trong nước, vì tôi muốn lợi nhuận sẽ dành cho người Việt Nam và giữ lại ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người không hiểu hết về dự án của chúng tôi, nên có thể, tôi sẽ chuyển hướng sang các nhà đầu tư nước ngoài”, Nguyễn Xuân Tài nói thêm.

Nhung Bùi

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nguyen-xuan-tai-nha-sang-lap-cong-ty-co-phan-ulstraw-dua-soi-rom-vang-viet-nam-ra-the-gioi-d219080.html