The Village House được xây dựng trên mảnh đất 1490 m² tại huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Công trình lấy ý tưởng từ nhà ở ba gian truyền thông.
Kiến trúc sư Nguyễn Tiến Chung (Cia design studio) chia sẻ: “Thông qua công trình, chúng tôi muốn văn hóa kiến trúc bản địa và kiến trúc hiện đại sẽ giao hòa với nhau. Đồng thời, lưu giữ những giá trị của những ngôi nhà ba gian ở vùng quê Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung”.
Về hình khối, công trình sử dụng mái dốc mỗi gian hai mái quen thuộc vùng quê.
Kiến trúc sư lấy gian thờ làm gian chính nằm ở giữa, bố trí mái có độ dộc cao hơn, đỉnh mái cao tôn lên sự trang nghiêm cho không gian này.
Mái gian thờ cong ôm lấy hai gian còn lại theo thủ pháp đối xứng giúp liên kết các gian lại với nhau một cách chặt chẽ.
Kiến trúc sư Nguyễn Tiến Chung đã kết hợp những vật liệu bền vững như bê tông cốt thép chịu lực, lợp mái đá tự nhiên, sử dụng gỗ mít ta để làm tường bao che; vách lam che nắng, vách gỗ, trần đóng gỗ keo vàng.
Đặc biệt kiến trúc sư hạn chế xây tường và sử dụng 50 bộ cửa bức bàn, hàng hiên bọc quanh hồ nước trung tâm giúp kết nối các không gian chặt chẽ.
Ngôi nhà lưu giữ nét văn hóa nhà ở dân gian.
Kiến trúc kết hợp hài hòa với bê tông cốt thép, kính... giúp khắc phục tối đa nhược điểm của những ngôi nhà ở ba gian truyền thống thiếu ánh sáng bên trong, bền vững với thời gian.
Không gian bên trong được chia làm ba gian bao gồm phòng khách và bếp, ba phòng ngủ, một phòng thờ và hai phòng vệ sinh.
Phòng bếp và phòng khách chung một gian nhà.
Kiến trúc sư lấy hồ nước và sân trong làm trung tâm kết nối các không gian lại với nhau.
Kiến trúc sư cho biết, hành lang được xem như là hiên nhà truyền thống.
Hành lang vừa làm khoảng đệm cho các không gian sử dụng, vừa che mưa, che nắng và hỗ trợ tối đa sự tương tác giữa thiên nhiên với con người, giữa con người với con người.
Từ đó tạo sự kết nối tối đa ánh sáng, gió tự nhiên, con người cảm nhận được hơi thở của thiên nhiên tốt hơn.
Mọi không gian bên trong công trình đều sử dụng ánh sáng tự nhiên và lấy gió mát từ con sông Tam Kì phía sau thổi vào bởi hệ cửa lùa hướng đông bắc.
Kiến trúc sư tận dụng lợi thế tối đa các mặt thoáng tiếp xúc tự nhiên nhằm sử dụng khí trời, gió và sử dụng hệ lam đứng, tường dây leo đã cải thiện được bức xạ nhiều trực tiếp từ mặt trời hướng tây.
Mặt bằng bố trí 50 bộ cửa bức bàn giúp gia chủ chủ động trong việt kiểm soát đón gió, lấy gió, khắc phục những nhược điểm của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa miền trung.
Công trình sử dụng tối đa các điều kiện tự nhiên sẵn có giúp các không gian mở trong công trình kiểm soát được toàn bộ ánh sáng sử dụng, tiết kiệm được năng lượng điện chiếu sáng.
Ở các không gian ban ngày hoàn toàn không sử dụng điện chiếu sáng, ngay cả khi đóng kín cửa thì vẫn có khe sáng trên mái nhà lấy sáng cho không gian bên trong.
Phòng ngủ cũng được thiết kế mở, đón nắng và gió vào.
Phòng thờ thiết kế trang nghiêm.
Bài: THU TRINH; Ảnh: HOÀNG LÊ.