Nhà bán lẻ trực tuyến nước ngoài sẽ phải có đại diện tại Nhật Bản

Người bán hàng trực tuyến ở nước ngoài phải chỉ định một đại diện tại Nhật Bản để giám sát việc quản lý an toàn và sự cố của sản phẩm bán tại Nhật Bản từ đầu năm 2025.

Trong năm 2022 đã có 103 vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến các sản phẩm mua sắm từ các trang trực tuyến, tăng hơn 6 lần so với thập niên trước đó. Ảnh: Nikkei Asia

Trong năm 2022 đã có 103 vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến các sản phẩm mua sắm từ các trang trực tuyến, tăng hơn 6 lần so với thập niên trước đó. Ảnh: Nikkei Asia

Theo quy định của Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản (METI), tên của người đại diện phải được công khai để công chúng có thể xác định liệu công ty bán hàng có đáng tin cậy hay không.

Tai nạn liên quan đến hàng trực tuyến tăng hơn 6 lần

Nikkei Asia đưa tin động thái này nhằm ứng phó với số vụ tai nạn ngày càng tăng liên quan đến các mặt hàng sản xuất ở nước ngoài, bán trực tuyến sang Nhật Bản, chẳng hạn pin điện thoại di động bị bốc cháy hoặc nổ khi sạc hay đang sử dụng. Nếu sản phẩm được bán thông qua đại lý nhập khẩu tại Nhật Bản, đại lý đó có trách nhiệm thay mặt nhà sản xuất xử lý tai nạn. Cho đến nay, Nhật Bản chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm đối với sản phẩm mua bán trực tuyến và không có nhà nhập khẩu trực tiếp.

Nếu xác định rằng có mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với người tiêu dùng hoặc nhà phân phối không thể ứng phó kịp thời trước một vụ tai nạn, METI sẽ yêu cầu nhà điều hành sàn điện tử ngừng bán sản phẩm. METI sẽ đệ trình một dự luật lên Quốc hội để sửa đổi bốn luật an toàn sản phẩm, bao gồm Luật An toàn vật liệu và thiết bị điện, để bao gồm các điều khoản này.

Đã có 103 vụ tai nạn do sản phẩm trực tuyến gây ra trong năm 2022 tại Nhật Bản, bao gồm các trường hợp hỏa hoạn và tử vong. Số vụ tai nạn đã tăng gấp 6 lần so với 10 năm trước. METI cũng nhận được các báo cáo liên quan đến các sản phẩm như xe đạp điện, đèn chiếu sáng và điện thoại di động.

Việc thiếu vắng một bên chịu trách nhiệm ở Nhật Bản đã gây khó cho người tiêu dùng Nhật Bản. Khi có sự cố xảy ra, người tiêu dùng Nhật phải đàm phán trực tiếp với người bán hàng ở nước ngoài để được bồi thường thiệt hại. Đã có những trường hợp không thể xác định được người điều hành kinh doanh và người tiêu dùng không thể truy đến cùng.

Nếu xảy ra tai nạn sản phẩm nghiêm trọng ở Nhật Bản, người chịu trách nhiệm phải báo cáo sự việc cho Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng Nhật Bản (CAA) và hợp tác với CAA trong việc thu hồi sản phẩm lỗi nhằm ngăn ngừa tai nạn có thể xảy ra trong tương lai.

Cho đến giờ, chưa có sàn thương mại điện tử nào của Nhật Bản hay nước ngoài bán hàng vào Nhật Bản lên tiếng.

Liên hiệp châu Âu (EU) đang đi đầu trong việc tăng cường bảo vệ người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, bao gồm quy định hiển thị tên của cá nhân hoặc trang web chịu trách nhiệm về các sản phẩm ở nước ngoài và yêu cầu báo cáo tai nạn. Các quy định này của EU đã có hiệu lực từ tháng 6-2023.

Hàng bưu kiện nhập ngoại từ Trung Quốc và Mỹ đang khiến người Nhật lo ngại. Được miễn thuế tiêu dùng và thuế nhập khẩu, hàng mua trực tuyến vẫn rẻ hơn hàng nội địa Nhật Bản dù đã trả cước phí hàng không. Đồ họa: Nikkei Asia

Hàng bưu kiện nhập ngoại từ Trung Quốc và Mỹ đang khiến người Nhật lo ngại. Được miễn thuế tiêu dùng và thuế nhập khẩu, hàng mua trực tuyến vẫn rẻ hơn hàng nội địa Nhật Bản dù đã trả cước phí hàng không. Đồ họa: Nikkei Asia

Nỗi lo hàng ngoại nhập trực tuyến đè bẹp hàng nội địa

Người dân xứ Phù Tang đã trở nên quen thuộc và bắt đầu “nghiện” việc mua hàng trực tuyến nước ngoài được miễn thuế. Số lượng hàng may mặc và các mặt hàng tiêu dùng cá nhân được nhập khẩu vào Nhật Bản vì thế đã tăng vọt.

Nhưng các chuyên gia bán lẻ của Nhật Bản rất lo ngại với những đơn hàng này. Bởi các mặt hàng ngoại nhập này có lợi thế so với hàng hóa made-in-Japan bởi được miễn thuế nhập khẩu, thuế tiêu dùng.

Người Nhật muốn mua hàng trực tuyến, tức nhập hàng, phải có giấy phép của cơ quan hải quan. Các sàn thương mại điện tử thường thay mặt người mua xử lý phần hồ sơ trực tuyến. Nhập khẩu các bưu kiện hàng nhỏ thế này tăng vọt đầu năm 2020 khi Covid-19 bùng phát. Theo METI, 112,89 triệu giấy phép đã được cấp vào năm 2022, tăng 18% so với năm 2021, nhưng lại tăng 2,4 lần trong ba năm Covid. Gần 90% là vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không, chủ yếu là bưu kiện được giao đến tận nhà.

Một khảo sát của METI trong năm ngoái cho thấy nhập khẩu thương mại điện tử từ Mỹ và Trung Quốc cộng lại đã tăng 6% vào năm 2022 so với năm trước đó, lên 395,4 tỉ yen (2,7 tỉ đô la). Theo công ty thanh toán kỹ thuật số PayPal của Mỹ, nhiều người mua hàng ở Nhật Bản đã sử dụng PayPal để mua đồ thể thao, quần áo thời trang, mỹ phẩm…

CEO Kazuyoshi Nakazato của Zig-Zag, nhà cung cấp hỗ trợ thương mại điện tử xuyên biên giới, nói rằng người tiêu dùng Nhật Bản đã trở nên quen thuộc hơn với các sản phẩm nước ngoài. Ông dự báo người Nhật sẽ gia tăng mua các món hàng giá rẻ trong tương lai.

Mạng xã hội ngày càng lan tỏa đến mọi ngóc ngách ở Nhật Bản, với thông tin về hàng nước ngoài dày đặc hơn. Người tiêu dùng xứ hoa anh đào cũng có nhiều lựa chọn mua sắm hơn khi các nhà bán lẻ trực tuyến hàng may mặc và hàng tạp hóa giá rẻ, như Temu và Shein của Trung Quốc, đã triển khai dịch vụ tại Nhật Bản.

Người mua hàng cá nhân không phải trả thuế tiêu dùng và thuế quan nếu hàng nhập khẩu có giá từ 16.666 yen (110 đô la) trở xuống. Một số mặt hàng, bao gồm hàng da và hàng dệt kim, sẽ không được miễn thuế. Trong nhiều trường hợp, hàng nhập trực tuyến sẽ rẻ hơn hàng nội địa dù đã trả cước vận chuyển quốc tế.

Nhiều quốc gia và khu vực đã áp dụng miễn thuế như vậy để đơn giản hóa việc kiểm tra hải quan và thúc đẩy thương mại. Tuy nhiên, việc nhập khẩu các mặt hàng miễn thuế tăng mạnh có thể gây tổn hại cho nền kinh tế nội địa. Nhiều người Nhật Bản lo ngại sản phẩm nội địa gặp bất lợi vì vẫn phải chịu thuế tiêu thụ 10%. Hãng dữ liệu Statista của Đức dự báo các trục trặc liên quan đến giao dịch xuyên biên giới có thể sẽ gia tăng khi thương mại điện tử mở rộng trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, một số quốc gia đã bắt đầu hành động. Lo ngại về khả năng tràn ngập hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc và các nơi khác, EU bắt đầu áp thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu nhỏ từ năm 2021. Singapore cũng bãi bỏ miễn thuế đối với những mặt hàng nhập khẩu bằng đường bưu điện năm ngoái.

Theo Nikkei Asia

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nha-ban-le-truc-tuyen-nuoc-ngoai-se-phai-co-dai-dien-tai-nhat-ban/