Nhà báo Ấn Độ: Tôi chưa từng chứng kiến những gì kịch tính hơn tháng 4 năm 1975
Dù đã 50 năm trôi qua nhưng với GS Nayan Chanda, Đại học Ashoka, Ấn Độ, ký ức về ngày 30/4/1975 lịch sử đó vẫn sống động như thể ông vừa ở Sài Gòn, nơi ông chứng kiến thời khắc chiến tranh Việt Nam kết thúc.



Phóng viên: Xin cảm ơn Giáo sư Nayan Chanda đã trả lời phỏng vấn của Đài TNVN. Thật vui khi được ngồi với ông và lắng nghe về thời điểm lịch sử 50 năm về trước khi đất nước Việt Nam hoàn toàn được giải phóng, non sông thống nhất, nhà nhà đoàn tụ. Tôi chắc chắn rằng ông vẫn còn nhớ khoảnh khắc lịch sử đó tại Sài Gòn, nơi ngày nay là Thành phố Hồ Chí Minh?
GS Nayan Chanda: Vâng, sự kiện đã xảy ra cách đây 50 năm, nhưng với tôi, cảm giác như mới xảy ra ngày hôm qua. Những ký ức về ngày tháng lịch sử đó vẫn sống động như thể tôi vừa ở Sài Gòn và chứng kiến mọi việc xảy ra. Trong 50 năm kể từ đó, rất nhiều điều đã xảy ra, nhưng không có gì kịch tính hơn những gì tôi từng chứng kiến vào tháng 4 năm 1975. Vì vậy, ký ức rất, rất sống động.
Tôi đến Việt Nam khoảng một năm trước chiến thắng cuối cùng. Nhưng tôi, giống như mọi người khác, đều bị cuốn vào những diễn biến hàng ngày xảy ra kể từ tháng 3 năm 1975.
Và khi cái kết của cuộc chiến tranh cuối cùng đã đến. Nó vẫn là một kết thúc khá đột ngột.

Theo tôi nhớ, ở Sài Gòn vào thời điểm đó, người ta không chuẩn bị cho điều gì tương tự thế. Khi tôi quyết định ở lại Việt Nam để chứng kiến thời khắc lịch sử, văn phòng của tôi ở Hồng Kông đã nói với tôi rằng: “Không có tin tức nào đáng giá bằng mạng sống của anh đâu. Có lẽ anh nên rời khỏi đó đi [Sài Gòn]”, giống như rất nhiều nhà báo đã rời khỏi Việt Nam trong những tháng cuối của cuộc chiến.
Và tôi đã nói thế này: “Tôi đã theo dõi Việt Nam trong nhiều năm, và đây là khoảnh khắc lịch sử - ngày kết thúc chiến tranh đang đến. Tôi muốn chứng kiến điều đó. Và vì vậy, nếu có chuyện gì xảy ra với tôi, đó là trách nhiệm của tôi. Và tòa soạn sẽ không chịu trách nhiệm”.
Sau đó, sếp của tôi cũng nói: “Được thôi, trong trường hợp đó, anh có thể ở lại”. Và thế là tôi phải đồng ý để vợ tôi trở về Delhi. Bởi tòa soạn không muốn vợ tôi ở lại Sài Gòn.
Ở thời điểm đó, rất nhiều nhà báo nước ngoài đã chọn rời khỏi Sài Gòn. Reuters, hãng thông tấn của Anh, đã gọi điện đề nghị tôi cộng tác và gửi tin bài cho họ vì họ không còn phóng viên thường trú ở đó nữa. Tôi đã đồng ý.
Văn phòng của Reuters nằm ở góc Dinh Tổng thống trên đường Bạch Đằng. Tôi có thể đến văn phòng Reuters bất cứ lúc nào để gửi tin sang văn phòng khu vực tại Hồng Kông bằng telex. Đó là thời điểm Reuters có máy telex và không tòa soạn báo chí nước ngoài khác có máy này. Văn phòng Reuters là không gian làm việc của tôi, nơi tôi sẽ đến đó, viết và gửi đi các bài báo của mình.
Sáng ngày 30 tháng 4, tôi ở gần Đại sứ quán Hoa Kỳ, nơi chỉ cách văn phòng Reuters vài trăm mét. Tôi thấy trực thăng cất cánh từ nóc tòa đại sứ để sơ tán nhân viên và người thân; trong khi rất nhiều người cố gắng vào bên trong tòa nhà. Nhóm Thủy quân Lục chiến Mỹ trực bên trong tòa đại sứ đã ngăn cản họ. Rồi toàn bộ lính Thủy quân Lục chiến cũng chạy vào tòa nhà, đi lên và dùng lựu đạn hơi cay để ngăn cản đoàn người đến gần. Và rồi, họ lên mái nhà và chuyến trực thăng cuối cùng cất cánh rời đi cùng nhóm lính. Sau đó, mọi người phá cổng và chạy vào đại sứ quán.
Khi chiếc trực thăng cuối cùng cất cánh, tôi quay lại văn phòng Reuters và họ nhận được các cuộc gọi từ Gia Định và Chợ Lớn. Họ nói rằng, mọi người đã bắt đầu vẫy lá cờ của Quân Giải phóng, của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam từ nhà của họ.
Rõ ràng là người dân đã thấy hồi kết ở đây. Vào khoảng 11:15, tôi quay lại văn phòng và thảo một tin với nội dung: Hồi kết của cuộc chiến tranh có thể sắp đến gần bởi vì người dân đã chuẩn bị cờ để đón chào đoàn quân.
Đột nhiên, tôi nghe thấy một tiếng động lớn qua cánh cửa mở. Tôi buông tay khỏi máy chữ, chạy đến bên cửa sổ và thấy một chiếc xe tăng băng qua với một lá cờ treo ở phía sau, hướng về phía Dinh Tổng thống.
Tôi vội vã chạy ra ngoài để chụp ảnh chiếc xe tăng, quay lại và gửi đi một tin vắn cho trụ sở của Reuters: “Hôm nay lúc 11:30, Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc”.
Sau đó, tôi quay lại Dinh Tổng thống và thấy rất nhiều xe tăng đang tiến vào. Tôi thấy Dương Văn Minh, vị Tổng thống cuối cùng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa có mặt ở đó, được một số chiến sĩ Quân Giải phóng vây quanh. Và rồi ông ấy được đưa đến đài phát thanh để đọc tuyên bố đầu hàng.

Phóng viên: Tôi nghĩ là tình hình tại Sài Gòn cũng như miền Nam Việt Nam lúc đó khá là chia rẽ, hỗn loạn. Rất nhiều người đang cố rời khỏi thành phố, cố trốn chạy khỏi Việt Nam. Nhưng cùng lúc nhiều người đón chào quân Giải phóng tiến vào thành phố. Đó chắc hẳn phải là thời điểm đặc biệt nhạy cảm với những cảm xúc khác nhau. Ông nhận thấy điều gì từ khung cảnh đó?
GS Nayan Chanda: Dĩ nhiên, tôi và rất nhiều người thực sự bị bất ngờ vì tốc độ sụp đổ của chính quyền Sài Gòn.
Chúng tôi từng lo sợ có thể xảy ra kháng cự trong lòng thành phố. Điều dễ dẫn tới giao tranh. Nhưng về cơ bản là không có đối đầu. Binh lính Việt Nam Cộng hòa còn lo chạy trốn, bởi họ sợ rằng họ sẽ bị bắt hoặc bị trừng phạt. Vì vậy, họ đã cởi bỏ quân phục và ném chúng xuống đường, chạy trốn với quần đùi và áo ba lỗ.
Và nhiều người Sài Gòn rất thông cảm với họ. Họ ném quần dài và áo sơ mi từ ban công nhà xuống cho những người lính đang chạy trốn.
Nhưng cảm giác quan trọng nhất mà mọi người có được là cảm giác nhẹ nhõm - rằng cuối cùng đã có hòa bình. Ở Việt Nam, mọi người đã chờ đợi quá lâu để có được ngày này.
Vì vậy, đó là một cảm giác thực sự bình yên. Mọi người vui vẻ chào đón những người lính Giải phóng vì họ tiến vào thành phố mà không bắn một phát súng nào. Những người lính rất giản dị, như những người dân bình thường, rất thân thiện khi nói chuyện. Họ ngồi trên vỉa hè, và mọi người đến ngồi với họ theo cách mà người Việt Nam vẫn làm - ngồi xổm trên phố và trò chuyện.
Họ sẽ hỏi: “Bạn đến từ tỉnh nào?” “Bạn có biết chú tôi ở đó không?” Bạn biết đấy, đột nhiên chỉ trong vài giờ, mọi người cùng ngồi xuống và nói chuyện. Không giống như đất nước vừa mới xảy ra chiến tranh.
Mọi người ngồi xuống và nói chuyện vì tất cả đều nói cùng một ngôn ngữ. Họ không phải là người nước ngoài - họ là người Việt Nam, chỉ là đến từ các vùng khác nhau của đất nước. Và họ là những người lính.
Rất nhiều trẻ em đến và hỏi, “Súng này là gì? Nó có thể bắn được bao lâu? Nó hoạt động như thế nào?” Và những người lính đã chỉ cho chúng. Tôi nghĩ vui: đây giống như một cuộc triển lãm vũ khí trên phố.
Vâng, đó là một bầu không khí rất, rất khác thường vào thời khắc cuối cùng của một cuộc chiến tranh.

Trước đó, người ta cứ sợ rằng người Việt Nam, chính xác hơn là người Bắc Việt Nam, sẽ tiến vào Sài Gòn và trừng phạt họ. Có tin đồn rằng sẽ có nhiều lệnh cấm đoán được ban hành. Nhưng chỉ trong vòng vài giờ, họ thấy rằng những người lính trẻ này chỉ là những chàng trai quê chân chất. Họ không phải là loại quái vật mà người ta tưởng tượng.
Phóng viên: Sau bao ngày tháng chờ đợi, đất nước Việt Nam đã hòa bình và thống nhất đã tới. Vậy ý nghĩa lớn nhất của ngày 30/4/1975 theo ông là gì?
GS Nayan Chanda: Với tôi, điều quan trọng nhất là đất nước Việt Nam đã được thống nhất, các gia đình được đoàn tụ. Vâng, đúng như vậy. Ngày Giải phóng đã tới trong hòa bình. Một cuộc giải phóng hòa bình, một cuộc đoàn tụ hòa bình.
Và vì vậy, nhiệm vụ của Việt Nam từ thời khắc đó là làm sao cho sự thống nhất đó trở nên thực tế hơn, vững chắc hơn.
Vẫn còn những khác biệt giữa miền Bắc và miền Nam. Người miền Nam vẫn cảm thấy rằng họ không được người miền Bắc đối xử tốt, rằng người miền Bắc có nhiều ảnh hưởng hơn người miền Nam.
Đây là một số cảm giác sẽ mất thời gian để vượt qua. Nhưng điều quan trọng nhất là, về mặt chính trị, đất nước đã thống nhất.

Đôi khi tôi thấy như thế này, khi bạn có một cánh tay bị đứt lìa, cụt, và bạn ghép lại, bạn khâu da, và nối liền xương. Nhưng hệ thống thần kinh phải được kết nối lại, và điều đó cần thời gian. Thái độ và suy nghĩ của mọi người rất khác nhau bởi họ đã tách biệt quá lâu rồi. Miền Nam đã nằm dưới một chế độ khác trong 20 năm. Vì vậy, sẽ mất thời gian để kết nối lại toàn bộ cơ thể một cách liền mạch.
Nhưng miễn là mọi người nhận thức được rằng điều này cần phải được thực hiện - nó sẽ được thực hiện. Người Việt Nam đã làm những điều tuyệt vời.

Phóng viên: Chúng ta cũng cần phải nhắc lại một chút về bối cảnh chiến trường và tình hình quân sự ở Nam Việt Nam mùa Xuân năm 1975. Ông vừa nói không có ai nghĩ rằng chế độ ở Sài Gòn sẽ sụp đổ nhanh chóng như vậy. Chính phủ Mỹ vẫn khẳng định họ sẽ tiếp tục hỗ trợ chính quyền Nam Việt Nam. Đó là một trong những lý do tại sao không ai có thể tưởng tượng được diễn biến nhanh đến vậy của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Vậy những thông tin tình báo hoặc tin tức nào vào thời điểm đó có dự báo về kết cục này hay không?
GS Nayan Chanda: Tôi nghĩ rằng, chìa khóa của câu chuyện thực tế nằm ở việc Tổng thống Mỹ Richard Nixon bị buộc phải từ chức vào tháng 8 năm 1974 vì vụ bê bối Watergate.
Sau khi Nixon từ chức, rõ ràng là người kế nhiệm ông, Tổng thống Gerald Ford, không có cùng quan điểm về Việt Nam. Còn phải kể đến là người dân Mỹ đã chán ngán chiến tranh.
Trên thực tế, chiến tranh Việt Nam của Mỹ đã kết thúc vào năm 1973, khi Mỹ ký Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam; kế đó là họ rút quân. Vì vậy, sự ủng hộ của Mỹ đối với chế độ Sài Gòn đã ít hơn nhiều so với trước đây.
Và sau khi Nixon từ chức, rõ ràng là sự ủng hộ của Mỹ sẽ còn ít hơn nữa. Tôi nghĩ đó là một trong những lý do khiến các nhà lãnh đạo ở miền Bắc quyết định đã đến lúc phải hành động. Họ hiểu rằng, người Mỹ sẽ không quay lại và tham chiến nữa. Đó là một phần lý do.
Một vấn đề khác là chế độ ở Sài Gòn đang rơi vào cảnh tham nhũng tràn lan. Bất kỳ khoản ngân sách có được hay viện trợ nào của Mỹ mà chế độ này nhận được đều bị lãng phí, bị các sĩ quan và những người thân quen trong chính phủ tham ô, đánh cắp.
Sự ủng hộ của người dân đối với chế độ rất thấp.
Nếu bạn là lãnh đạo mà gặp cảnh sự ủng hộ từ trong nội bộ thấp; trong khi sự hỗ trợ bên ngoài giảm dần, thì bạn có thể sẽ “ra đi” trong ngày một ngày hai. Đó là những gì đã xảy ra. Khi bối cảnh miền Nam Việt Nam đã chín muồi vào mùa Xuân năm 1975, toàn bộ cấu trúc - vốn đã bị khoét rỗng như một ngôi nhà bị mối ăn - đã sụp đổ.

Phóng viên: Bản Hiệp định Paris được ký giữa 4 bên vào năm 1973 là bước ngoặt của cuộc chiến. Và có vẻ như Chính phủ ở miền Nam Việt Nam lúc đó không còn đủ năng lực để lãnh đạo nữa. Nhưng không ai tin rằng nó sẽ thất bại nhanh tới vậy, có đúng vậy không, thưa ông?
GS Nayan Chanda: Đúng vậy, nhiều người đã tính toán sai lầm ở đây. Mọi người tin rằng giới lãnh đạo miền Bắc sẽ không mạo hiểm phát động một cuộc tấn công quân sự. Bởi vì làm như vậy có thể khiến Mỹ mất mặt.
Tôi nhớ một đại sứ phương Tây ở Sài Gòn đã nói với tôi rằng, “Dù thế nào đi nữa, [Ngoại trưởng] Henry Kissinger sẽ không bao giờ cho phép xe tăng của Tướng Giáp tiến vào Sài Gòn”.
Ông ấy đã nói chính xác câu đó với tôi. Vì mọi người vẫn nghĩ rằng uy tín của nước Mỹ gắn liền với sự tồn tại của chế độ Sài Gòn. Vì vậy, họ cho rằng, sẽ có một số giải pháp để giữ thể diện cho Mỹ.
Người ta hy vọng rằng sẽ có một số dạng thỏa thuận. Ví dụ, có thể lập một chính phủ không thực sự đại diện, một chính phủ phi cộng sản, lên nắm quyền và đạt được một hiệp định hòa bình với Hà Nội. Đó là hy vọng của một số người.
Nhưng giới lãnh đạo Việt Nam đã nói rõ rằng, họ sẽ không chấp nhận bất kỳ sự nhượng bộ nào như vậy và thay vào đó sẽ tiến thẳng về phía Sài Gòn.
Đúng vậy, rất nhiều người không tin rằng điều đó sẽ xảy ra một phần khác vì những diễn biến đang diễn ra quá nhanh.
Nhưng tôi nghĩ mọi người đã có thể cảm thấy rằng sự sụp đổ của Sài Gòn là điều không thể tránh khỏi.

Vào giữa hoặc cuối tháng 3 năm 1975, mọi chuyện đã rõ ràng, sau khi Huế và Đà Nẵng thất thủ. Sau khi Huế thất thủ, con đường đến Đà Nẵng đã thông thoáng. Và khi Đà Nẵng thất thủ, người ta bắt đầu chạy trốn từ Đà Nẵng đến Sài Gòn.
Tôi thấy nhiều tàu LST (tàu đổ bộ) của quân đội Sài Gòn chở người di tản và binh lính vào Cảng Vũng Tàu. Và khi những người lính chạy trốn khỏi chiến trường, khi những người dân miền Trung Việt Nam như Quảng Trị và Huế chạy về phía Nam, thì rõ ràng là ngày tận thế đã gần kề.
Tôi nghĩ bước ngoặt là khi người Mỹ bắt đầu di tản.
Điều này đã xảy ra trong suốt tháng 4.

Phóng viên: Vâng, chúng ta đã đi được một hành trình rất dài, 50 năm kể từ ngày lịch sử đó. Và chúng ta đã rút ra được rất nhiều bài học từ đó. Nhưng ông có nghĩ rằng trước ngày 30 tháng 4, chúng ta đã có thể thực sự nhìn thấy được kết cục này - sự thống nhất của dân tộc Việt Nam?
GS Nayan Chanda: Vâng, tôi nghĩ trước hết, đây là một chiến thắng lịch sử đối với Việt Nam.
Như bạn đã nói, Việt Nam đã ở trong tình trạng chiến tranh kể từ năm 1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Từ đó trở đi, người Pháp từ chối chấp nhận điều đó - họ quay trở lại và chiến đấu. Cuối cùng, người Pháp đã bị đánh bại tại Điện Biên Phủ và lực lượng của Hồ Chí Minh chỉ giải phóng được một nửa phía Bắc của đất nước. Nửa còn lại phải được giải phóng sau đó, điều đó đã xảy ra vào năm 1975.
Vì vậy, chiến thắng năm 1975 đã hoàn thành hành trình của Việt Nam hướng tới thống nhất và độc lập hoàn toàn. Điều đó làm cho nó trở thành một chiến thắng thực sự mang tính lịch sử.
Và chiến thắng đó đã truyền cảm hứng cho mọi người trên khắp thế giới.
Nó cũng dạy cho người Mỹ một bài học. Họ thậm chí còn phát triển một cụm từ từ thất bại này. Đó là "Hội chứng Việt Nam". "Hội chứng Việt Nam" có nghĩa là: đừng tham gia vào các cuộc chiến tranh nước ngoài, đừng gửi quân đội bởi bạn có khả năng thất bại.
Vì vậy, Việt Nam đã dạy cho phương Tây một bài học đắt giá. Nó đã trở thành một khoảnh khắc quyết định trong lịch sử. Nó cho thấy sức mạnh của một dân tộc sẵn sàng hy sinh to lớn.
Khoảng 3 triệu người Việt Nam đã chết trong chiến tranh.
Sự hy sinh này mang tính lịch sử. Không có quốc gia nào khác có thể sẵn sàng hy sinh to lớn như vậy trước một siêu cường sử dụng vũ khí tinh vi nhất.
Những chiến dịch ném bom của Mỹ vào Việt Nam lớn hơn tất cả các cuộc ném bom trong Thế chiến thứ Hai cộng lại, chỉ tính riêng ở một quốc gia.
Và bất chấp tất cả những điều đó, người Việt Nam không chỉ sống sót mà còn chiến thắng.
Phóng viên: Tôi nghĩ chìa khóa cho chiến thắng đó là sự quyết tâm của người dân Việt Nam - từ những nhà lãnh đạo cấp cao, cho đến những người dân thường. Ông có cảm thấy quyết tâm đó trong thời gian ở Việt Nam không?
GS Nayan Chanda: Vâng, chắc chắn rồi. Cần cả những nhà lãnh đạo có tầm nhìn và sự tin tưởng của người dân vào những người lãnh đạo đất nước. Những nhà lãnh đạo có thể nói rằng, “Chúng tôi yêu cầu người dân hy sinh”, nhưng nếu người dân không tin tưởng hoặc không tôn trọng họ, họ sẽ không tuân theo.
Ở Việt Nam, người dân tôn trọng những nhà lãnh đạo và ủng hộ họ. Đó là lý do tại sao rất nhiều người sẵn sàng hy sinh vì đất nước. Vì vậy, chiến thắng này vừa là kết quả của sự hy sinh của người dân vừa là lòng dũng cảm và trí tuệ của những người đứng đầu đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói vào năm 1968: “Sông núi Việt Nam sẽ còn, con người Việt Nam sẽ còn. Và khi những kẻ xâm lược Mỹ rời khỏi đất nước chúng ta, chúng ta sẽ xây dựng một Việt Nam tươi đẹp hơn”. Niềm tin rằng Việt Nam không thể bị đánh bại là chìa khóa của mọi thắng lợi.
Những ngọn núi, dòng sông và con người sẽ còn lại, và một ngày nào đó những người Mỹ - những người đến từ phương xa - sẽ rời đi. Và khi họ rời đi, người Việt Nam sẽ xây dựng lại. Sự lãnh đạo có tầm nhìn xa như vậy là điều cơ bản.
Phóng viên: Việt Nam đã chiến thắng trong cuộc chiến này vì - bên cạnh sự tự tin và quyết tâm của các nhà lãnh đạo và người dân - ông có nghĩ rằng cần phải công nhận thêm một điều nữa: sự đúng đắn trong chiến lược quân sự, ngoại giao của Việt Nam?
GS Nayan Chanda: Vâng, tôi nghĩ bạn hoàn toàn đúng khi chỉ ra điều đó.
Tôi quên đề cập đến điều này trước đó, nhưng ngoại giao Việt Nam luôn song hành với chiến lược quân sự của họ.
Cách tiếp cận quân sự tuân theo các nguyên tắc chiến tranh du kích cổ điển:
- Tấn công khi kẻ thù chưa chuẩn bị.
- Rút lui khi kẻ thù đang tấn công.
- Quấy rối khi kẻ thù đang nghỉ ngơi.
- Truy đuổi khi kẻ thù đang chạy trốn.
Đây là những chiến thuật kinh điển từ Chiến tranh Nhân dân và chúng đã được áp dụng rất tốt trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột. Nhưng sau đó lại xuất hiện điều gì đó hơn thế: dưới sự chỉ huy của những nhà lãnh đạo quân sự lỗi lạc như Đại tướng Võ Nguyên Giáp và được các nhà lãnh đạo như Chủ tịch Hồ Chí Minh hỗ trợ, quân đội Việt Nam đã chuyển mình.
Quân đội đã phát triển từ một lực lượng du kích thành một quân đội chuyên nghiệp cao độ. Một đội quân có thể bắn tên lửa, hạ máy bay, vận hành xe tăng và pháo hạng nặng. Sự chuyển mình này hầu như chưa từng có trong lịch sử quân sự hiện đại.

Và ngoại giao cũng quan trọng không kém. Các nhà ngoại giao Việt Nam giàu trí tưởng tượng, kiên cường và làm việc không biết mệt mỏi để giành được sự ủng hộ của quốc tế.
Các nhà ngoại giao Việt Nam đã nỗ lực hết mình để giành được sự ủng hộ của giới trẻ trên toàn thế giới. Những người trẻ tuổi ủng hộ Việt Nam, đặc biệt là những người trẻ tuổi ở Mỹ. Và người Việt Nam đã tận dụng sự ủng hộ lý tưởng này bằng cách chỉ ra rằng chiến tranh cũng đang gây tổn thương cho người dân Mỹ.
Sự ủng hộ của công chúng dành cho Việt Nam ở nước ngoài tương đương với việc có nhiều sư đoàn quân đội. Người Mỹ đang chiến đấu ở Việt Nam, nhưng đồng thời, chính phủ Mỹ cũng đang chiến đấu với chính những sinh viên của mình trên đường phố Mỹ.
Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn Giáo sư Nayan Chanda một lần nữa vì cuộc phỏng vấn này!