Nhà báo chuyển mình theo công nghệ số

Bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ 21, báo chí bước sang thời kỳ mới, nhiều người gọi là nền báo chí công nghệ. Công nghệ giúp hoạt động báo chí trở nên nhanh hơn, tiện lợi hơn, đáp ứng yêu cầu thông tin kịp thời hơn. 'Báo chí 5I' ra đời buộc những người làm báo phải tự chuyển mình để hòa nhập với thời cuộc, trong đó có đội ngũ những người làm báo địa phương.

Báo Hà Nam cập nhật thường xuyên thông tin khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi). Ảnh: Thanh Bình

Báo Hà Nam cập nhật thường xuyên thông tin khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi). Ảnh: Thanh Bình

Thích ứng với thời cuộc...

Sự tồn tại và phát triển của báo chí luôn tạo ra những cạnh tranh thông tin bằng nhiều hình thức, đặc biệt khi chuyển đổi số tác động sâu rộng và bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cách đây hơn 40 năm, người ta đã đặt ra những câu hỏi khiến nhiều người làm báo phải trăn trở, lo lắng “truyền hình sẽ thay thế báo in chăng?”. Đó là lúc sự ra đời của những “media mới” như truyền hình cáp, truyền dẫn qua vệ tinh, video... tạo nên những biến đổi sâu sắc về cách tổ chức biên tập và phân phối, về hình thức biểu hiện và đối tượng phục vụ - phát thanh và truyền hình lên ngôi! Xã hội cứ nghĩ, báo in “sẽ chết”, sẽ “không còn đất sống” nếu sau đó công nghệ bùng nổ và thay đổi các phương thức tiếp cận báo chí truyền thống. Thế nhưng, báo in vẫn tồn tại, vẫn thích ứng và đồng hành cùng với các loại hình báo chí hiện đại phát triển theo xu thế đổi mới và chuyển đổi số. Báo in vẫn tiếp tục là “cái trục của vũ trụ truyền thông”, vì báo in đã giúp cho các “media mới” những kinh nghiệm nghề nghiệp lâu đời của mình, dù phương pháp và kỹ thuật thể hiện có sự khác biệt thì các “media mới” không thể chối bỏ một sự thật là nó bắt nguồn từ báo in và sử dụng những thể tài nghiệp vụ cơ bản của báo chí.

Những người làm báo địa phương nhận thức rõ điều đó như một nguyên tắc cơ bản của nghề nghiệp để thích ứng và phát triển bản thân mình. Công nghệ giúp cho hoạt động nghiệp vụ của những người làm báo có thêm “sức mạnh”, kết nối - hòa nhập - sáng tạo trong thế giới phẳng, “người đọc nhiều khi là thầy của người viết”. Một nhà báo nổi tiếng của Báo Nhân Dân thừa nhận: Các loại hình báo chí phát triển rất nhanh chóng, đặc biệt là làm báo online; mạng xã hội đẻ ra vô số tờ “báo” nhỏ, chỉ cần chiếc máy điện thoại thông minh trong tay, ai cũng có thể “xuất bản” tin, bài... Khi chuyển đổi số tác động lên báo chí, “báo chí 5I” ra đời, hoạt động báo chí càng trở nên thú vị. Ông giải thích: “5I là những chữ viết tắt từ tiếng Anh, cụ thể là Informed (am hiểu), Intelligent (thông minh), Tnterresting (thú vị), Insightful (sâu sắc) và Interpretation (sáng tỏ). Có người muốn thêm một tiêu chí nữa là “sáng tạo”. Nhưng thực ra sáng tạo hầu như có mặt ở tất cả các tiêu chí nêu trên. Bởi, người làm báo tinh thần sáng tạo chính là năng lượng sống”.

Công nghệ cũng thôi thúc những người làm báo phải mạnh mẽ cạnh tranh, vượt qua chính mình để hoàn thiện các tác phẩm, sản phẩm báo chí một cách tốt nhất phục vụ công chúng. Nghĩa là, “báo chí phải rất nhanh nhạy trong thông tin, không chạy theo mạng xã hội, nhưng phải bảo đảm chính xác, trung thực, khách quan”. Và làm được điều này không dễ, đòi hỏi những người làm báo cần phải có bản lĩnh, có tri thức, có năng lực sáng tạo và sức khỏe!

Thay đổi phương thức sản xuất, tư duy làm nghề

Cuộc cách mạng công nghệ đã thay đổi cách thức làm việc của phóng viên. Người làm báo in không còn làm việc theo cách truyền thống “quyển sổ và cây bút” nữa, chiếc điện thoại thông minh giúp họ khai thác và lưu trữ thông tin một cách tiện lợi hơn. Người làm báo điện tử năng động trong hoạt động nghề nghiệp với khả năng sử dụng thành tạo các thiết bị điện tử phục vụ công việc và thể hiện các tác phẩm báo chí ở các loại hình khác nhau một cách linh hoạt. Bất kỳ một thiết bị điện tử nào cũng có ích với những người làm báo điện tử, miễn là các thiết bị đó cho người ta thu thập được hình ảnh, âm thanh, tài liệu và thực hiện các phần mềm dựng video. Người làm báo phát thanh – truyền hình giờ đây cũng thực hiện các hình thức chuyển tải giống nhau, tạo sự tương tác mạnh mẽ với công chúng để các nền tảng báo chí có cơ sở đi vào đời sống nhanh và sâu hơn.

Nhà báo Tạ Tuyết Sinh, Phó Trưởng phòng Biên tập Phát thanh, Đài PT-TH Hà Nam cho biết, hiện nay có nhiều nền tảng hỗ trợ các dạng sản phẩm phát thanh chuyển từ hình thức podcast sang vodcast. Đài đã và đang thực hiện sự chuyển đổi này một cách hiệu quả. Các chương trình tạp chí phát thanh được thực hiện trực tiếp theo hình thức này, thu hút sự quan tâm của công chúng. Thính giả cũng đồng thời là khán giả, được trực tiếp nghe và giao lưu trực tuyến với người dẫn chương trình, khách mời. Nhà báo Tạ Tuyết Sinh nói: Người làm báo phát thanh giờ đây không chỉ có máy ghi âm là công cụ sản xuất chính mà là thiết bị đa phương tiện. Năng lực đa phương tiện bao gồm khả năng sáng tạo, biên tập và phát hành nội dung qua nhiều hình thức, kênh truyền thông khác nhau, từ âm thanh, văn bản, hình ảnh, đến video và nội dung tương tác. Điều này đã tạo cho diện mạo của phát thanh giờ đây thay đổi rõ rệt, nó trở thành một trong những nền tảng báo chí hấp dẫn, tiện lợi nhất hiện nay. Chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến trực tiếp của khán, thính giả ngay trên trang fanpage và có cảm giác họ đang đồng hành với mình trong quá trình sản xuất chương trình. Điều đó thật sự thú vị!

Còn với những phóng viên Báo Hà Nam, viết, chụp ảnh, dựng video clip trên các thiết bị đa phương tiện đã tạo cho họ một phong cách hoạt động báo chí hiện đại hơn. Để thích ứng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ và thay đổi tư duy làm nghề, lãnh đạo cơ quan Báo Hà Nam, Chi hội Nhà báo Báo Hà Nam đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, mời những nhà báo có năng lực nghề nghiệp công tác ở những cơ quan báo chí đang đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số về trao đổi, truyền đạt. Ngoài ra, cơ quan cũng cử các phóng viên thay nhau tham dự các lớp tập huấn về nghiệp vụ do Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức để có điều kiện thực tế tiếp cận nền tảng công nghệ hiện đại.

Hiện nay, Báo Hà Nam đang thực hiện Đề án chuyển đổi số, xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ, phát huy năng lực cá nhân và sức mạnh tập thể đội ngũ những người làm báo. Công nghệ số, internet và truyền thông xã hội là những cú huých mạnh mẽ để báo chí đổi mới. Đương nhiên, sự đổi mới đó không chỉ là những thay đổi về hạ tầng kỹ thuật mà còn là phương thức sản xuất và tư duy của những người làm báo.

Giang Nam

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chuyen-doi-so/nha-bao-chuyen-minh-theo-cong-nghe-so-135462.html