Nhà báo Đức ra cuốn sách mới về chiến tranh Việt Nam năm 1972
Nhà báo kỳ cựu người Đức Hellmut Kapfenberger vừa ra cuốn sách mới về Việt Nam. Cuốn sách là những ghi chép và hình ảnh chân thực mà chính tác giả thu thập được về cuộc chiến tranh ở Việt Nam năm 1972, khi ông đang là phóng viên thường trú hãng thông tấn ADN của CHDC Đức và báo 'Nước Đức mới' (Neues Deutschland) tại Hà Nội.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, buổi lễ ra mắt cuốn sách do Nhà xuất bản Wiljo Heinen ở Berlin thực hiện thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng Đức, những người quan tâm tới Việt Nam và cuộc chiến tranh chính nghĩa chống đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam. Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, ông Chu Tuấn Đức đã tham dự sự kiện này.
Cuốn sách với tiêu đề "Vietnam 1972. Ein Land unter Bomben. Mit Notizbuch und Kamera im Norden unterwegs (tạm dịch: Việt Nam năm 1972. Một đất nước dưới bom đạn. Cùng cuốn sổ ghi chép và máy ảnh trên mọi ngả đường miền Bắc). Tác phẩm dày 256 trang là những tổng hợp, ghi chép, đánh giá, được trình bày sinh động với 36 bức ảnh minh họa mà chính tác giả chụp trong quá trình tác nghiệp ở các khu vực miền Bắc Việt Nam, giúp đem đến cho độc giả một bức tranh toàn cảnh và chân thực về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là cuộc chiến khốc liệt năm 1972.
Mở đầu buổi lễ ra mắt, tác giả Kapfenberger đã cho những người có mặt được nghe đoạn băng ông ghi lại tiếng máy bay tiêm kích cùng những trận mưa bom mà không quân Mỹ rải xuống Hải Phòng. Đó còn là tiếng pháo và tên lửa đáp trả của quân dân Việt Nam với những tiếng hô lớn "Cháy rồi, cháy rồi" của bộ đội ta. Theo tác giả, các đợt giội bom của Mỹ ở Hải Phòng cũng như nhiều khu vực khác năm 1972 chính là "quân bài đàm phán" bằng cách khủng bố bom đạn, để Mỹ có thể giành lợi thế trên bàn đàm phán.
Trong phần mở đầu của tác phẩm, nhà báo Kapfenberger tóm lược lại quá trình lịch sử từ lời kêu gọi tổng khởi nghĩa trên cả nước của Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương họp ngày 13/8/1945. Tiếp đó, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cách mạng Tháng Tám thành công đã đi vào lịch sử, đánh dấu việc một dân tộc bị bắt làm nô lệ từ cuối thế kỷ 19 đã lật đổ chế độ thực dân Pháp và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc dưới sự lãnh đạo của những người Cộng sản đã phá bỏ gông cùm thực dân, tự mình đấu tranh giành độc lập, tự do. Pháp tin rằng có thể giành lại thuộc địa với sự hỗ trợ tích cực của các đồng minh là Anh và Mỹ, nhưng cuối cùng chịu thất bại ở Điện Biên Phủ năm 1954. Mỹ bắt đầu can thiệp tích cực sau Hội nghị Geneva về Đông Dương và từ năm 1965, Mỹ bắt đầu đưa những binh đoàn chiến đấu đầu tiên vào miền Nam và đánh bom đánh phá miền Bắc, đòi Việt Nam ngồi vào bàn thương lượng. Các cuộc đàm phán dai dẳng ở Paris diễn ra trong khi Mỹ tiếp tục các trận càn quét ở miền Nam và các cuộc ném bom ở miền Bắc. Theo tác giả, Mỹ muốn chấm dứt chiến tranh, nhưng cũng muốn giữ thể diện và muốn đảm bảo một chút ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Washington đã sử dụng đến nỗ lực cuối cùng là rải bom để làm suy yếu vị thế đàm phán mạnh mẽ không thể phủ nhận của Hà Nội và sau cùng là những nhượng bộ của Việt Nam.
Tác giả nhận định thế giới nhận thức được các diễn biến này theo những cách rất khác nhau. Trong khi phía các nước xã hội chủ nghĩa tin rằng mình được thông tin đầy đủ về các sự kiện ở Việt Nam, thì phía các cơ quan thông tấn, báo chí, đài phát thanh và truyền hình ở phương Tây lại tuyên truyền hoặc che giấu thông tin theo yêu cầu của những người ra quyết định chính trị. Theo tác giả, những gì xảy ra ở Việt Nam thời điểm đó thu hút sự chú ý từ khắp nơi trên thế giới, nhưng nhận thức và mô tả hằng ngày về các sự kiện lại khác nhau hoàn toàn ở phương Đông và phương Tây. Các phóng viên phương Tây chỉ ở miền Nam và chỉ có một số ít nhà báo nước ngoài ở Hà Nội để mô tả thực sự những gì đang xảy ra ở đây.
Tác giả cũng viết rằng, việc Mỹ sử dụng chất khai quang "Chất độc da cam" ở Việt Nam không phải bắt đầu từ năm 1965 với sự can thiệp công khai của Mỹ, mà Không quân Mỹ đã thực hiện ngay từ năm 1961 và kéo dài đến năm 1971. Việc rải hóa chất độc hại này cho tới nay vẫn để lại những hậu quả tàn khốc và chắc chắn sẽ còn lâu dài sau này. Hàng chục năm sau khi chiến tranh kết thúc, khoảng 1 triệu người Việt Nam, trong đó có khoảng 100.000 trẻ em phần lớn bị dị tật bẩm sinh, vẫn phải chịu hậu quả của tội ác này. Thậm chí ngày nay, ở thế hệ thứ tư, hằng năm vẫn có khoảng 6.000 trẻ em sinh ra với dị tật hoặc bệnh hiểm nghèo.
Theo tác giả, không ai có thể nói khi nào sự đau khổ khôn lường của người dân Việt Nam mới chấm dứt. Những người gây ra tội ác chưa bao giờ bị truy tố và các nạn nhân người Việt không được Mỹ bồi thường, trong khi vào năm 1984, hàng nghìn binh sĩ Mỹ chịu ảnh hưởng của chất độc da cam đã được các nhà sản xuất bồi thường gần 180 triệu USD. Theo tác giả, Việt Nam đang nỗ lực hết sức trong khả năng tài chính để giúp các nạn nhân chất độc da cam. Khi chiến tranh kết thúc, Mỹ tiếp tục trừng phạt Việt Nam trong gần hai thập kỷ với các biện pháp cấm vận và phong tỏa chặt chẽ. Phải đến đầu những năm 1990, Tổng thống Mỹ George H. W. Bush mới khởi động các cuộc đàm phán đầu tiên về bình thường hóa quan hệ song phương.
Trong lời giới thiệu cuốn sách với độc giả, nhà xuất bản Wiljo Heinen viết rằng 1972 là năm khủng khiếp mà Mỹ, dưới quyền chỉ huy của Tổng thống Richard Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger, đã cố gắng phá vỡ sự kháng cự của nhân dân Việt Nam bằng một chiến dịch ném bom tàn nhẫn. Những thông tin, hình ảnh mà nhà báo Kapfenbergerer thu thập được giới thiệu trong cuốn sách, phản ánh những hậu quả tàn khốc của các cuộc tấn công nhằm vào thường dân khiến hàng nghìn người thiệt mạng, các thị trấn và làng mạc biến thành đống đổ nát và tro tàn. Theo nhà xuất bản, lời kể của nhân chứng Kapfenbergerer không chỉ là tư liệu đương đại mà còn là minh chứng về tình đoàn kết với một dân tộc đứng lên đấu tranh vì nền độc lập và tự do của mình.
Tham tán Công sứ Chu Tuấn Đức bày tỏ cảm kích và trân trọng tình cảm sâu đậm mà ông Kapfenbergerer dành cho Việt Nam. Theo Tham tán Công sứ Chu Tuấn Đức, những nỗ lực của tác giả cũng như những tác phẩm mà ông viết về Việt Nam sẽ góp phần giúp bạn bè, độc giả Đức hiểu biết hơn và có cái nhìn toàn diện hơn về Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân hai nước.
Nhà báo Kapfenbergerer, sinh năm 1933, từng có hai nhiệm kỳ là phóng viên thường trú ở Việt Nam trong giai đoạn 1970-1973 và 1980-1984. Sau khi về nước, ông tích cực tham gia các hoạt động đoàn kết với Việt Nam và đã dành thời gian sưu tầm tư liệu, viết nhiều cuốn sách về Việt Nam, như cuốn "Berlin - Bonn - Saigon - Hanoi", "Việt Nam - Cuộc chiến tranh 30 năm 1945-1975", "Đường mòn Hồ Chí Minh", "Tiểu sử chính trị Chủ tịch Hồ Chí Minh",... Ông đã đưa hàng trăm tin, bài, phóng sự về Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phong trào đoàn kết với Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả trong chiến tranh cũng như những năm đầu xây dựng lại đất nước. Nhà báo Kapfenbergerer đã vinh dự được trao tặng Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam vì những thành tích xuất sắc góp phần xây dựng, củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.