Nhà báo Dương Nữ Hoàng Anh: Già làng Bríu Pố - hình mẫu tiêu biểu về học Bác và làm theo Bác
Tác phẩm 'Bríu Pố và chuyện nêu gương' vừa được Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV năm 2020 đánh giá cao.
Dưới ngòi bút của nhóm tác giả, câu chuyện về đạo đức, tài năng của già làng Bríu Pố, ở xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam - một hình mẫu tiêu biểu về học Bác và làm theo Bác hiện lên sinh động và cuốn hút. Để hiểu rõ hơn về quá trình triển khai tác phẩm này, Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với tác giả - nhà báo Dương Nữ Hoàng Anh - Bí thư Chi bộ - Phó Trưởng phòng Phòng Chuyên đề, Đài PT-TH tỉnh Quảng Nam.
Thử thách của tôi là tìm điểm mới lạ, độc đáo, chi tiết để làm nút thắt
+ “Bríu Pố và chuyện nêu gương” - một tác phẩm phát thanh dài 32 phút nhưng đã thể hiện rất rõ nét về cuộc đời một nhân vật vừa có tâm có tầm. Vậy việc tìm nhân vật thực hiện chương trình đó xuất phát từ ý tưởng nào thưa chị?
- Lần đầu tiên tôi gặp bác Bríu Pố là trong dịp Đại hội Đại biểu Toàn quốc Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Nam lần thứ IX nhiệm kỳ 2015 - 2019. Khi thực hiện cuộc ghi hình phỏng vấn với bác Bríu Pố, tôi có ấn tượng tốt về bác vì phong cách nói chuyện tự tin, rõ ràng, đặc biệt là sự thẳng thắn với những quan điểm góc cạnh, sâu sắc về công tác cán bộ. Từ đó, hễ dự bất kỳ một sự kiện nào có sự tham gia của bác Bríu Pố tôi đều lưu tư liệu để dành.
Đến cuối năm 2019, tôi đề xuất ý tưởng với Ban Biên tập thực hiện chương trình Khách mời trường quay về chủ đề “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”. Quả thực, chủ đề tôi nêu ra khá nhạy cảm, không dễ thể hiện trong một tác phẩm báo chí ở cấp tỉnh. Muốn có một tác phẩm hay phải tìm cho được một nhân vật đủ uy tín, đủ mạnh dạn, thẳng thắn bày tỏ quan điểm về thực trạng và trách nhiệm nêu gương trong cán bộ, đảng viên hiện nay.
Với tiêu chí như thế thì người đầu tiên tôi nghĩ đến là nghệ nhân Bríu Pố. Tôi liên hệ với bác và lên tận nhà bác ở Tây Giang, một huyện miền núi cách thành phố Tam Kỳ gần 200km để tìm hiểu thêm thông tin. Với tôi, già làng Bríu Pố không chỉ là người Cơ Tu ưu tú thông thái mà cuộc đời của ông có thể xem là hình mẫu về nêu cao tinh thần đảng viên, nói đi đôi với làm.
Nhà báo Dương Nữ Hoàng Anh (thứ 2 từ trái sang) cùng các nhân vật trong tác phẩm “Bríu Pố và chuyện nêu gương”.
+ Nhân vật Bríu Pố từng được báo chí truyền thông khai thác trước đó, thử thách đặt ra với chị như thế nào khi lựa chọn, khai thác về một nhân vật không mới?
- Đã có một số báo, đài viết, nói về bác Bríu Pố, nhưng hầu hết là những lát cắt về những lĩnh vực thành công của bác Bríu Pố như: nghệ nhân điêu khắc hay trồng cây dược liệu.
Thử thách đặt ra cho tôi là khi viết, nói về bác Bríu Pố có điểm gì mới lạ, độc đáo không, có chi tiết nào để làm nút thắt, mở của câu chuyện không, có chi tiết nào để đề cập đến chuyện nêu gương không? Sau khi tập hợp đủ thông tin thì điều trăn trở nhất là làm thế nào để có thể bộc lộ một cách chân thực, sâu sắc về tấm gương đạo đức và tài năng của già làng Bríu Pố.
Ban đầu tôi có ý định làm một phóng sự truyền hình, tuy nhiên vì tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tôi thường xuyên phải sản xuất bản tin liên quan đến Covid-19, nên việc triển khai đi quay về nhân vật này cũng hạn chế. Hơn nữa, với những ưu thế riêng của loại hình báo nói nên tôi quyết định chuyển sang thể loại phát thanh chuyên đề.
Người đảng viên không bị danh lợi, địa vị cám dỗ
+ Trong “Bríu Pố và chuyện nêu gương” có đề cập đến vấn đề có thể xem là “không dễ nói”: “năng lực nổi trội đã trở thành cái gai trong con mắt cấp trên”. Điều gì đã thôi thúc người làm báo như chị đưa những điều không dễ đề cập này vào tác phẩm phát thanh của mình?
- Tục ngữ có câu “thiệt thà, thẳng thắn thường thua thiệt”. Thực tế những người có tính cách thẳng thắn, trung thực, có chính kiến ít nhiều thường vấp phải sự phản kháng hoặc không thích/ghét từ một bộ phận đồng nghiệp, cấp trên. Tôi đồng cảm với bác Bríu Pố về điểm này. Tuy nhiên, tôi tin rằng, cuộc sống vẫn còn nhiều điều tốt đẹp, vẫn có những con người coi trọng đạo đức, nhân cách, tài năng hơn những thứ khác.
Trong tác phẩm “Bríu Pố và chuyện nêu gương”, tôi thích nhất 2 chi tiết, đó là chuyện bác Bríu Pố sẵn sàng từ bỏ công việc của một cán bộ nhà nước để về quê làm rẫy vì lòng tự trọng bị tổn thương. Không bàn đến việc đúng sai trong quyết định của bác nhưng điều này cho thấy người đảng viên này không bị danh lợi, địa vị cám dỗ.
Chi tiết thứ 2 đó là một vị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đến tận nhà bác Bríu Pố để động viên, khuyên nhủ bác ra làm việc lại trong hệ thống chính trị vì “không muốn uổng phí một con người có tài năng, tâm huyết với sự nghiệp xây dựng quê hương”. Điều này đã chứng tỏ rằng, không phải bất kỳ lãnh đạo nào cũng o ép hay thờ ơ với người tài bởi họ hiểu rằng “hiền tài là nguyên khí quốc gia”...
Và tôi cũng tin tưởng rằng, công cuộc chỉnh đốn và xây dựng Đảng do Đảng ta tiến hành hiện nay sẽ tạo cơ hội và động lực để những cán bộ, đảng viên có tài năng, đạo đức thực sự phát huy năng lực.
Nhà báo Dương Nữ Hoàng Anh - Phó Trưởng phòng phòng Chuyên đề, Ðài PT-TH Quảng Nam trò chuyện với ông Bríu Pố.
+ Vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa Cơtu, vấn đề nêu gương cán bộ đảng viên… luôn xuyên suốt tác phẩm. Chị có thể cho biết cụ thể hơn những thông điệp tác phẩm muốn truyền tải?
- Trong lịch sử, các nền văn hóa yếu thường bị nền văn hóa mạnh đồng hóa. Nếu dân tộc nào giữ vững bản sắc văn hóa thì dân tộc đó sẽ chiến thắng mọi thế lực ngoại xâm. Văn hóa Việt Nam là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do 54 cộng đồng dân tộc Việt Nam sáng tạo ra trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Các giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của đồng bào Cơ Tu đã góp phần tạo nên sự đa dạng cho nền văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, một số bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Cơ Tu nói riêng đang đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ mai một. Vì thế việc bảo tồn văn hóa truyền thống sẽ không chỉ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước mà còn góp phần tôn thêm lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
Cũng với quan điểm đó mà nghệ nhân Bríu Pố, năm nay đã bước sang tuổi 72 nhưng ông vẫn miệt mài biên soạn một cuốn sách về những giá trị văn hóa của đồng bào Cơ Tu và không ngừng truyền lửa cho thế hệ trẻ về việc giữ gìn văn hóa bản địa. Những tấm gương điển hình tiên tiến có vai trò nêu gương, dẫn dắt, tạo ảnh hưởng, sức lan tỏa để xã hội cùng phát triển. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, báo chí phải làm tốt công tác dẫn dắt dư luận.
+ Dẫn dắt dư luận xã hội thông qua các tác phẩm báo chí quả thực không hề dễ dàng trong bối cảnh công nghệ số hiện nay. Với phát thanh cần có những kỹ năng, phẩm chất gì để tạo ra một tác phẩm có chất lượng, thu hút công chúng, thưa nhà báo?
- Mỗi loại hình báo chí đều có thế mạnh riêng. Đối với phát thanh, đó là một trong những phương tiện truyền thông nhanh, linh hoạt, không tốn nhiều tiền và thiết bị, không giới hạn về biên giới. Lời nói, tiếng động, âm nhạc là 3 yếu tố cấu thành của ngôn ngữ báo nói.
Vì thế, ngoài những tố chất chung của người làm nghề báo thì người làm phát thanh phải nắm vững phương châm cơ bản là viết đơn giản, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ... Việc khai thác, sử dụng tiếng động hiện trường và âm nhạc sẽ tạo cho tác phẩm có thêm sức hấp dẫn, làm thăng hoa tác phẩm báo nói.
Trong kỷ nguyên số và internet, phát thanh đang đối mặt với nhiều thách thức. Chính vì vậy, người làm phát thanh phải mạnh dạn thay đổi cách thức làm phát thanh truyền thống sang phát thanh hiện đại. Tôi may mắn được Ban Giám đốc, Ban Biên tập tạo điều kiện và có cơ chế khuyến khích các tác giả sáng tác những tác phẩm báo chí chất lượng.
Để có tác phẩm tốt, bạn sẵn có niềm đam mê thì hãy cố gắng duy trì, đừng bao giờ từ bỏ niềm tin, từ bỏ ước mơ, cho dù có lúc nào đó bạn thất bại. Nghề báo là nghề vinh quang nhưng cũng nhiều truân chuyên, vất vả, nhiều sự cám dỗ… Mỗi nhà báo phải trau dồi bản lĩnh chính trị vững vàng và luôn có tinh thần cầu thị.
+ Xin cảm ơn chị!
Lê Tâm (Thực hiện)