Nhà báo hải ngoại vượt biển đến Trường Sa để 'tai nghe, mắt thấy'
Không chỉ vượt sóng lớn của tự nhiên, nhiều kiều bào còn vượt cả sự dè dặt, nghi hoặc đến với Trường Sa, để rồi khi trở về họ sẵn sàng trở thành cầu nối với kiều bào khác, trở thành những 'Đại sứ không chuyên' trong khẳng định chủ quyền biển đảo.
Nguyễn Quang Trường (Etcetera Nguyễn), Chủ nhiệm kiêm phóng viên kênh Việt Nam today tivi, là một trong những kiều bào được ra Trường Sa, DK1 nhiều nhất với bốn lần vào các năm 2012, 2014, 2015, 2018 và một lần ra tới Hoàng Sa. Ông thường xuyên có mặt trong những cuộc gặp mặt giao lưu của kiều bào do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức.
Kể từ năm 2012-2019, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức 8 đoàn với sự tham gia của gần 600 lượt kiều bào đi thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1.
Những ngày cuối năm 2021, công việc khá bận rộn nhưng ông cùng kiều bào khắp nơi trên thế giới vẫn cố gắng thu xếp thời gian gặp nhau để kể những kỷ niệm đẹp về biển đảo quê hương Tổ quốc.
Do dịch bệnh Covid-19, những người ở xa như Pháp, Mỹ, Ba Lan, Séc, Hàn Quốc thì chia sẻ qua zoom, người đang ở Việt Nam tranh thủ đến buổi gặp mặt, tay bắt mặt mừng họ ôn lại những chuyến hải trình ra Trường Sa thân yêu.
Rời Việt Nam năm 1988, sau 3 năm sống ở Thái Lan, năm 1991 Etcetera Nguyễn sang Mỹ, học ngành đồ họa tại Cypress College miền Nam California. Bỏ học ông ra mở phòng tranh và tiệm in. Sau đó mở và phát hành tờ báo Mimi News, một nguyệt san văn nghệ phục vụ cho phòng tranh Mimi Studio được một năm rồi ngưng. Năm 2002, ông cùng bạn bè mở ra báo Việt Weekly. Từ tháng 4/2017, Etcetera lập thêm kênh Việt Nam today tivi trên youtube với mục đích giới thiệu vẻ đẹp văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Lần đầu tiên gặp mặt Etcetera Nguyễn, nhiều người bất ngờ với phong thái có chút nghệ sĩ của ông. Ông kể tường tận, chi tiết về Trường Sa. Ông hiểu Trường Sa như hiểu chính bản thân mình.
“Những người Việt Nam ai cũng mong muốn một lần được chứng kiến, tận mắt thấy, sờ tận tay biển đảo quê hương đất nước. Đặc biệt với một kiều bào xa quê như tôi, hơn nữa với công việc báo chí tôi được đến tận nơi, nghe những câu chuyện mà trước đây nhiều người hải ngoại vẫn chưa tường minh”, Etcetera Nguyễn chia sẻ.
Trước khi có những chuyến ra Trường Sa dành cho kiều bào, trong tâm thức của cộng đồng người Việt tại Mỹ như ông, đặc biệt tại vùng Little Sài Gòn, nhận thức vấn đề biển đảo có sự khác biệt. Nhắc về lần đầu được mời ra Trường Sa năm 2012, ông nhớ lại cảm xúc “hào hứng, hồi hộp và một chút băn khoăn”. Trong tinh thần của một nhà báo chân chính muốn tìm hiểu, đưa tin về sự thật mang tính chính trị “biển đảo vẫn còn” Etcetera Nguyễn cùng 200 kiều bào khác quyết định đi Trường Sa.
Lần đầu tiên đồng bào hải ngoại tận mắt chứng kiến các hình ảnh sống động tại vùng biển đảo Trường Sa. Hầu hết người xem đều ngạc nhiên về điều kiện sống, hạ tầng cơ sở ở đảo, vì không nghĩ rằng ở các đảo xa lại có thể được xây dựng kiên cố và khang trang như vậy. Đặc biệt là những ngôi chùa, trường học, sân bãi, ngọn hải đăng và đời sống trên đảo thật phong phú.
Chính sự thật được chứng kiến từ chuyến đi lần đầu tiên đó, Etcetera Nguyễn cùng một số nhà báo hải ngoại đã về thực hiện liên tục các số báo đưa thông tin chính xác nhất về biển đảo quê hương, đặc biệt hơn 200 bức ảnh được giới thiệu đến cộng đồng hải ngoại.
Năm đó kiều bào thuộc nhiều thành phần khác nhau đều được tự đăng ký để tham gia, Etcetera Nguyễn đặc biệt ấn tượng về một người phụ nữ được ra Trường Sa, bà có con gái tham gia tổ chức đối lập cực đoan ở hải ngoại.
“Hình ảnh tôi không bao giờ quên khi bà vừa đặt chân lên điểm đảo đầu tiên, bà dang tay lên trời hô to ‘Biển đảo Việt Nam, biển đảo quê hương tôi’. Sau này khi trở về Mỹ tôi gặp lại, bà kể có lẽ trong đời không bao giờ quên được kỷ niệm đáng nhớ trong đời đó”, Etcetera Nguyễn kể và tin rằng những người con của bà và những thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3 ở hải ngoại sau chuyến đi sẽ thay đổi nhận thức.
Etcetera Nguyễn bày tỏ: “Biển đảo thì khoảng cách nhưng lòng người được thu ngắn lại sau những chuyến hải trình như thế”. Trường Sa không còn mơ hồ, xa xôi, bị hiểu, bị xuyên tạc lệch lạc như trước, mà rất thân gần và cụ thể như những gì kiều bào mắt thấy, tai nghe. Điều này theo ông có giá trị cao vì đây là những bằng chứng hùng hồn nhất về những gì đang diễn ra tại biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trang trọng mang trên mình hai huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa” trên ngực trái, tay cầm máy ảnh tranh thủ tác nghiệp chụp từng người đồng hương trong cuộc gặp mặt, ông Lê Thanh Bình (65 tuổi, nguyên Trưởng đại diện Hội Người Việt tại Ba Lan ở Việt Nam) chia sẻ về hai lần được ra Trường Sa, đặc biệt khi ông là một trong 5 kiều bào đầu tiên ra tới các điểm đảo.
Nhằm đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của kiều bào ta ở nước ngoài, để chuẩn bị cho chuyến thăm tới Trường Sa, năm 2011 một đoàn kiều bào gồm 5 người đến từ Thái Lan, Nga, Séc, Ba Lan được lựa chọn để ra khảo sát trước. Nhận được lời mời từ Đảng bộ ngoài nước và Đại sứ quán, ông Bình cùng một kiều bào trẻ từ Ba Lan được lựa chọn cho chuyến đi đặc biệt này.
“Đại sứ quán gọi cho tôi, tôi cũng bất ngờ, họ nói cho 3 ngày suy nghĩ để trả lời, nhưng không cần, chỉ vài giây sau tôi quyết định đến với biển đảo quê hương”, ông kể và cho biết đó là điều may mắn khi thời điểm đó Trường Sa là nơi mà nhiều người Việt trong nước ao ước đến một lần chứ chưa nói gì đến kiều bào xa quê như ông.
Lúc đó chưa có tàu kiểm ngư lớn đưa ra các đảo như bây giờ, được đi tàu hải quân ra đảo, ông Bình khá vất vả để thích ứng với những con sóng đánh vào mạn tàu. 30 năm sống ở nước ngoài, những trở ngại đó không làm ông nhụt chí với quyết tâm ra tận nơi “máu thịt” của Tổ quốc.
Giống như Etcetera Nguyễn, ông Bình cho biết đã đi nhiều nước, nhận thấy rằng thông tin về lãnh thổ, biển đảo trong nhận thức của nhiều của bà con còn nhiều hạn chế. “Vài ngày lênh đênh trên biển, khi ra tới nơi tôi còn giật mình ngạc nhiên, không nghĩ rằng biển đảo của nước mình vẫn còn đây, lại còn có cả người dân sinh sống, thấy cả các em nhỏ chạy nhảy, vui đùa. Thời gian ở ngoài đảo còn khá vất vả nhưng tôi nhận thấy rõ ý chí quyết tâm của các cháu, những người lính hải quân ngày đêm canh giữ ngoài này”, ông tâm sự.
Sau chuyến đi đó, ông đã báo cáo ngay với Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, đề nghị tổ chức một hội thảo về Biển Đông cho cộng đồng người Việt ở Ba Lan để hiểu rõ hơn về chủ quyền của đất nước.
“Tôi mang rất nhiều thứ từ Trường Sa về, như trái bàng vuông, những món đồ lưu niệm nho nhỏ. Hai anh em sau đó viết 2 bài tường thuật về chuyến đi trình bày trước hội thảo”, ông Bình chia sẻ.
Sau chuyến đi lần đầu tiên, 2 năm sau ông tiếp tục được ra Trường Sa lần hai, lần này ông về nước sớm hơn để tranh thủ đi thăm thú nhiều nơi. Trước tuần lên đường, sát ngày 10/3 Âm lịch, ông Bình lên đền Hùng (Phú Thọ) kính cẩn báo cáo các vua Hùng về chuyến đi.
Ông cũng xin phép Ban quản lý đền được thỉnh 3 cây kim giao trồng ở núi Nghĩa Lĩnh để mang ra tặng cho chùa ở đảo Sơn Ca. Ông chia sẻ, khi đưa được 3 cây ra đảo bàn giao cho trụ trì chùa Sơn Ca, ông mãn nguyện, đến lúc ra về ông được đảo tặng lại 3 cây bàng vuông.
“Sau vài năm 3 cây bàng vuông tôi trồng trong chậu hiện để ở ngôi nhà bên đường Láng vẫn sinh trưởng tốt”, ông nói.
Mấy năm gần đây, sau khi đoàn kiều bào Ba Lan ra thăm Trường Sa trở về, không những ông Bình mà nhiều bà con xa xứ luôn quan tâm đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ. “Chúng tôi triển khai tiếp những cuộc hội thảo quốc tế về Trường Sa và vấn đề Biển Đông. Trong hai hội thảo quốc tế, chúng tôi mời nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu về biển đảo, các nhà môi trường, nói về các vùng biển trong đó có khu vực ở Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam”, ông Bình cho hay. Các hội thảo được giới chuyên môn và Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan đánh giá cao.
Biển đảo là chất kết dính cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với nhân dân trong nước, tạo nên sự gắn kết, đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, chung lòng hướng về biển đảo Tổ quốc.
Ông Etcetera Nguyễn và ông Lê Thanh Bình cho biết rất nhiều bà con kiều bào có nguyện vọng mong muốn được một lần ra tới Trường Sa, vì không có biện pháp tuyên truyền nào hiệu quả bằng mắt thấy tai nghe trực tiếp.
Sau mỗi chuyến đi, đồng bào ta đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như thành lập các Câu lạc bộ Trường Sa tại Đức, Ba Lan, Séc.., Quỹ vì chủ quyền biển, đảo tại Hàn Quốc, Singapore...; tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn về Biển Đông, xuất bản sách, ảnh về Trường Sa…
Tại Châu Âu có một nhóm được thành lập với gần 100 thành viên là những người đã từng có cơ hội thăm Trường Sa và nhà giàn DK1, đây là nơi bà con cùng nhau ôn lại kỷ niệm, kết nối thông tin và tập hợp nguồn lực hướng về Trường Sa, cũng như chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống.