Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân kể về phút dấn thân trong nghề
i với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân thì việc dấn thân tác nghiệp ở những công trình, những hầm lò thì bên cạnh sự vất vả, hiểm nguy anh còn tìm thấy niềm vui, sự say mê trong nghề. Đó chính là lý do mà suốt cuộc đời làm báo, cây bút này luôn gắn bó, đồng hành với người lao động.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tại chương trình Quán Thanh xuân số tháng 4 “Tiếng còi tầm”
Đến với chương trình Quán Thanh xuân số tháng 4 “Tiếng còi tầm”, bên cạnh khách mời là những Anh hùng Lao động, những văn nghệ sĩ còn có nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, cây phóng sự nổi tiếng một thời của Báo Lao Động. Anh được biết đến là nhà báo có nhiều phóng sự về người lao động mà MC của chương trình - nhà báo Diễm Quỳnh gọi anh là “phần còn lại của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”.
Trong rất nhiều ngành đã đi theo viết bài, nhà báo họ Huỳnh luôn nặng lòng với công nhân ngành mỏ. Chia sẻ trong chương trình, cây phóng sự Huỳnh Dũng Nhân kể anh đã có dịp đến với Quảng Ninh nhiều lần, lần đầu năm 1968 khi 13 tuổi, sau này làm báo anh ra đây nhiều lần và viết nhiều bài về đời sống công nhân vùng mỏ. Với anh, công nhân than là hình ảnh tập trung cho một ngành công nghiệp nặng, họ đem lại điện và khoản thu lớn cho nhà nước từ xuất khẩu than. Tuy nhiên họ lao động rất cực khổ và chịu đựng nhiều hy sinh. Chính vì có nhiều gắn bó với ngành than, thấu hiểu cuộc sống của người công nhân ngành than cũng như người dân vùng mỏ, anh đã nêu ý kiến rằng: Không nên gọi những người đi mót than để kiếm sống là “than thổ phỉ”.
Trong rất nhiều phóng sự đã thực hiện, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân vẫn còn nhớ phóng sự “Hai giờ dưới hầm lò” của mình, một phóng sự sắc sảo về đời sống của người công nhân mỏ được thực hiện cách đây hơn 30 năm. Cũng vì thế anh được coi là người mở đầu cho loại phóng sự dấn thân của thời đó.
Cuốn sách của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và nhà báo Đỗ Doãn Hoàng
Anh kể, năm 1990, anh ra mỏ Mông Dương. Các công nhân ở đó nói đây là mỏ than sâu, lâu năm và đố “nhà báo dám xuống” càng làm anh tò mò muốn xuống. Ban đầu anh tưởng hầm lò cũng đi được, cũng giống như đi xuống địa đạo Củ Chi nhưng dần dần càng hẹp và cuối cùng phải bò, bò rồi xuống sâu phải đi thang thả gầu xuống như kiểu thang máy sau lại trượt. Ban đầu anh nghĩ cho đầu xuống trước phi như tên lửa nhưng không được. Anh phải thả chân xuống trước rồi cầm dây cáp trượt xuống. Anh vừa xuống vừa nghĩ trong đầu có một câu nói rất hay của một nhà địa chất: “Bay lên trời 1.000 km còn dễ hơn chui xuống đất 100 mét”. “Xuống đến nơi tôi không thể chụp được hình, bởi trong hầm cứ sâu hun hút, cuối cùng những bức ảnh toàn thấy răng với mắt thôi. Hai tiếng đồng hồ sau thì bò lên, nhìn thấy ánh sáng chan hòa, tôi thấy thật sung sướng và mới biết là mình sống rồi. Tôi biết chắc bài phóng sự này sẽ rất thành công”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân kể lại.
Bên cạnh việc chứng kiến sự lao động vất vả của công nhân mỏ, anh còn được chứng kiến những nam công nhân vừa tắm vừa cười đùa, một hình ảnh rất đáng yêu. Sau này, khi bắt đầu nổ mìn khai phá xây dựng Nhà máy thủy điện Trị An rồi khi Nhà máy thủy điện Sông Đà ngăn dòng, anh đều có mặt và có lẽ cũng là nhà báo đầu tiên có mặt ở những thời khắc lịch sử ấy. Với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân thì: “Phóng viên báo Lao động là rất sướng vì các công trình lớn mình đều được đặt chân đến, đó là chất liệu để cho ra những phóng sự độc đáo mà không phải nhà báo nào cũng có thể đến được”.
Cũng theo nhà báo Huỳnh Dũng Nhân thì với người công nhân, tiếng còi tầm chính là một chỉ dấu của hạnh phúc. Tiếng còi buổi sáng báo hiệu ngày làm việc mới bắt đầu - có công việc chính là hạnh phúc. Tiếng còi buổi chiều muộn báo hiệu tan ca, đến giờ về nhà - có một ngôi nhà với người thân đang đón chờ, đó cũng chính là hạnh phúc. “Tôi hình dung công việc của công nhân là luôn luôn chính xác và thêm nữa là tính chịu đựng. Công nhân chịu đựng rất giỏi. Thế rồi tính tổ chức cao, mình vì mọi người, mọi người vì mình chính vì vậy chúng ta gọi giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo, là chủ lực, là nòng cốt”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân diễn giải.