Nhà báo nặng lòng cùng giáo dục
Không đơn thuần là theo dõi thông tin, viết về ngành GD, đội ngũ phóng viên còn thấu hiểu, sẻ chia những hy sinh thầm lặng của nhà giáo ở mọi miền...
Đồng hành với nhà giáo
Gắn bó với lĩnh vực giáo dục 15 năm qua, nhà báo Phạm Mai (Phạm Thị Mai) - Báo VietnamPlus cảm nhận rõ những chuyển biến tích cực trong ngành, đặc biệt Chương trình GDPT 2018 đã mang đến những thay đổi từ mục tiêu truyền thụ kiến thức sang hình thành năng lực, phẩm chất cho học sinh - kim chỉ nam tạo sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy.
Học sinh đã chủ động chiếm lĩnh kiến thức thông qua hoạt động học tập dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của giáo viên. Đồng thời, kiểm tra đánh giá linh hoạt, đa dạng có cả ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa; nội dung học giảm tải theo hướng gắn với thực tiễn và phục vụ các hoạt động cuộc sống của người học.
Giáo viên được trao quyền chủ động, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch dạy học sao cho phù hợp năng lực học sinh thay vì phải tuân thủ theo khung kế hoạch cứng như trước đây.
“Thầy cô tự chủ trong khai thác nguồn tài liệu, ngữ liệu đa dạng bên ngoài sách giáo khoa để dạy học nhằm đạt hiệu quả giáo dục tốt nhất chứ không bắt buộc dạy các bài trong sách giáo khoa; linh hoạt hình thức kiểm tra đánh giá phù hợp với thực tiễn giảng dạy”, chị Mai đánh giá và nói thêm, những thay đổi trên đã manh nha từ trước nhưng phải tới khi triển khai Chương trình GDPT 2018 mới triệt để và rộng khắp.
Luôn ủng hộ, theo sát chặng đường đổi mới giáo dục, bên cạnh những tín hiệu tích cực được ghi nhận, chị Mai nhìn nhận, quá trình đổi mới cũng gặp phải một số vấn đề như: Bất cập khi triển khai chương trình giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, môn tích hợp, thiếu giáo viên và cơ sở vật chất.
“Những khó khăn, vướng mắc là khó tránh khỏi khi thực hiện đổi mới nhưng tôi cho rằng với nỗ lực của toàn ngành và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ…, các vấn đề trên sẽ từng bước được giải quyết”, chị Mai bày tỏ.
Trên chặng đường 15 năm theo dõi lĩnh vực giáo dục, chị Mai có nhiều chuyến thực tế đáng nhớ, không ít kỷ niệm xúc động về những người thầy luôn tận tâm vì học trò. Chị kể, cuối tháng 5 vừa qua, chị đến với Sáng Xoáy - điểm trường mầm non xa, khó khăn nhất của Trường Mầm non Thái Sơn (huyện Bảo Lâm, Cao Bằng). Điểm trường này không có điện, Internet, sóng điện thoại. Tuy nhiên, thầy giáo Nông Văn Long đã gắn bó, chăm sóc các em nhỏ người Mông suốt 12 năm qua.
Hay ở điểm trường Lũng Vài thuộc Trường Mầm non Thái Sơn (huyện Bảo Lâm, Cao Bằng), cô giáo Vũ Thị Chung đã dằn lòng, gạt nước mắt để gửi con nhỏ mới hai tuổi cho ông bà nội, vượt 200 cây số cắm bản dạy và chăm sóc 9 em nhỏ vì thấy các em chịu quá nhiều thiệt thòi về điều kiện sống và học tập.
Bên cạnh sự trưởng thành trong nghề nghiệp, chị Mai còn ghi dấu bởi nhiều thành tích đáng nể như: 5 lần liên tiếp đạt Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” trong đó có năm đạt giải Đặc biệt; Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) và nhiều giải thưởng danh giá khác.
Trưởng thành và thấu hiểu
Nhà báo Lê Tường Vân - Báo Lao Động có 4 năm gắn bó với nghề báo và lĩnh vực giáo dục. Chị Vân chia sẻ: “Từ khi còn là sinh viên, chọn việc làm thêm tôi cũng hướng đến giáo dục. Bởi thế ngày đầu về công tác tại Báo Lao Động, tôi mạnh dạn đăng ký theo dõi lĩnh vực giáo dục”. Hơn 3 năm theo dõi lĩnh vực giáo dục là quá trình vừa làm, vừa học nghề. Nhà báo Lê Tường Vân phải học từng kỹ năng nhỏ nhất từ tìm kiếm đề tài, liên hệ phỏng vấn, đặt câu hỏi, cách truyền tải tin tức, thông điệp vào bài viết…
“Để viết sâu, đi vào chi tiết của sự kiện hay chính sách giáo dục, vấn đề gai góc là điều không dễ dàng. Tôi phải học hỏi không ngừng mỗi ngày, học từ các anh chị đồng nghiệp trong tòa soạn và báo bạn đang theo dõi lĩnh vực giáo dục. Thậm chí, tôi học hỏi cả những nhân vật phỏng vấn là thầy, cô giáo, đội ngũ chuyên gia”, nhà báo Vân trải lòng.
Nhớ lại lần tác nghiệp mùa thi năm 2021 - thời điểm Vân mới về công tác tại Báo Lao Động, dịch bệnh Covid-19 hoành hành, toàn ngành Giáo dục phải thực hiện mục tiêu kép “vừa hoàn thành nhiệm vụ năm học – vừa chống lại dịch bệnh”. Là phóng viên trẻ, Vân đã xung phong về huyện Việt Yên (Bắc Giang – nơi tâm dịch của cả nước lúc bấy giờ) để ghi nhận công tác thi tốt nghiệp THPT.
“Lúc đó, gia đình phản đối vì lo cho sức khỏe của tôi. Nhưng do háo hức khi lần đầu được tác nghiệp tại địa phương, khát khao cống hiến khiến tôi quên đi nỗi sợ và bắt tay thực hiện công việc. Tôi cùng 1 nữ đồng nghiệp quyết định khởi hành bằng xe máy để thuận tiện di chuyển và cũng để hạn chế việc lây nhiễm bệnh.
Chúng tôi đã có những ngày ăn, ngủ nghỉ cùng thí sinh, nín thở khi phút cuối, ở điểm thi phát hiện có thí sinh F0 phải dời toàn bộ điểm thi để đảm bảo an toàn. Và may mắn, chuyến đi của chúng tôi an toàn”, chị Vân kể lại.
Cũng nhờ sự lăn xả đó, năm 2021, tuyến bài “Trường học thời Covid-19”, đoạt giải Khuyến khích, Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”. “Tôi bất ngờ khi nhận được thông báo mời đi nhận giải của ban tổ chức. Một người mới ra trường như tôi chưa bao giờ dám mơ đến giải thưởng báo chí”, nhà báo Vân trải lòng và cho biết: Bản thân nhận thức làm báo là kể lại những câu chuyện đời thường một cách chân thực, dung dị. Nhóm viết lại những lát cắt, câu chuyện về người thầy tâm huyết, gắn bó với ngành Giáo dục, họ luôn trăn trở vì sự nghiệp đổi mới.
Đổi mới không phải điều gì quá to tát, đôi khi chỉ là cách thầy cô thay đổi, đặt vấn đề trước khi vào bài giảng; hay cách tạo hứng thú cho học sinh ở đầu tiết học… Mỗi thầy cô, theo một cách riêng, đều cố gắng hằng ngày để thay đổi tư duy, cách thức giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy học.
“Phỏng vấn ý kiến đa chiều giúp phóng viên hiểu vấn đề sâu sắc, thực tế và viết trúng hơn, dù đôi khi có thể không sử dụng hết tư liệu có được. Bên cạnh làm các tuyến bài, tôi phải đảm bảo tin bài thời sự nên việc có kế hoạch đề tài trung, dài hạn cũng giúp phóng viên tận dụng được các cơ hội gặp gỡ nhân vật qua đợt công tác, hội nghị, hội thảo, tọa đàm… để phỏng vấn, xây dựng kho tư liệu”, nhà báo Phạm Mai - Báo VietnamPlus chia sẻ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nha-bao-nang-long-cung-giao-duc-post688473.html